Nhân sựQuản trị

Lãnh đạo và lý thuyết hành vi con người

Với một nhà lãnh đạo, việc tiếp xúc, trao đổi thông tin với nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm nhân viên, đồng nghiệp, cấp trên hay đối tác là điều không thể tránh khỏi. Đồng thời, những người này sẽ hỗ trợ đắc lực để bạn đạt được những mục tiêu của mình.

Thế nhưng để nhận được sự giúp đỡ từ những mối quan hệ đó, bạn cần phải hiểu người mà bạn đang tiếp xúc, hợp tác cũng như khuyến khích họ phát triển. Vậy, làm thế nào để có thể thúc đẩy một con người? Câu trả lời chính là bạn cần phải hiểu được “Bản chất con người” trước nhất. Tất cả mọi người đều có bản chất giống nhau, còn được biết đến với cái tên: Phẩm chất chung của nhân loại, nghĩa là, về căn bản, mọi người đều hành xử theo một nguyên tắc nhất định.

Nhu cầu là một phần quan trọng trong việc hình thành nên bản chất con người. Các giá trị khác như tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán có thể rất khác nhau giữa các dân tộc, quốc gia, nhưng nhìn chung, tất cả mọi người đều có một số nhu cầu căn bản. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần phải nắm rõ những nhu cầu này của con người bởi đây có thể là những nguồn động lực có sức thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhu cầu Maslow

THÁP NHU CẦU CỦA MASLOW

Không giống như những nhà nghiên cứu khác sống cùng thời, Abraham Maslow xây dựng học thuyết về nhu cầu con người dựa trên những người sáng tạo, họ là những người biết vận dụng tất cả tài năng, tiềm năng, và khả năng của mình trong cuộc sống (Bootzin, Loftus, Zajonc, Hall, 1983). Phương pháp của ông khác với các nhà nghiên cứu tâm lý khác khi mà họ chỉ tập trung quan sát những người có thần kinh bất ổn.

Maslow (1943) nhận thấy rằng nhu cầu của con người được sắp xếp theo một trật tự phân cấp và có thể chia thành hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản và nhu cầu cao cấp:

  • Các nhu cầu cơ bản, liên quan đến sinh lý con người, chẳng hạn như thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ; và yếu tố tâm lý, chẳng hạn như tình cảm, sự an toàn, và lòng tự trọng. Những nhu cầu cơ bản này cũng được gọi là “nhu cầu thiếu hụt” bởi vì nếu một cá nhân không thể đáp ứng được những nhu cầu này, thì người ấy sẽ luôn cố gắng để bù đắp cho sự thiếu hụt đó.
  • Nhu cầu cao cấp hay là nhu cầu tồn tại (nhu cầu phát triển) bao gồm sự công bằng, lòng tốt, vẻ đẹp, trật tự, sự thống nhất,… Những nhu cầu cơ bản thường được ưu tiên hơn những nhu cầu bậc cao này. Ví dụ, một người thiếu thực phẩm hay nước uống thường sẽ không chú trọng nhiều tới nhu cầu về công bằng hay sắc đẹp.

Những nhu cầu này của Maslow được liệt kê theo một trật tự phân cấp hình kim tự tháp. Tháp này thể hiện rằng nhu cầu cơ bản (phần dưới cùng) phải được đáp ứng trước các nhu cầu ở bậc cao hơn:

mô hình Maslow

  • Tự nhận thức bản thân – biết chính xác bạn là ai, bạn đang làm gì và những gì bạn muốn đạt được. Đây là một trạng thái hạnh phúc
  • Được kính trọng – cảm giác thành công, được công nhận, tự tin về bản thân
  • Sở hữu và tình yêu – là thành viên trong một nhóm nào đó, có nhiều người bạn thân để tâm sự
  • An toàn – không cảm thấy các mối nguy hiểm cận kề
  • Sinh lý – thức ăn, nước uống, chỗ ở, tình dục

Lưu ý: Sau này, Maslow có bổ sung thêm các nhu cầu cao hơn vào lý thuyết của ông.

Maslow thừa nhận rằng con người mong muốn và không bao giờ ngừng phấn đấu để đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Những nhu cầu ở các cấp độ thấp hơn cần phải được đáp ứng một cách nhanh chóng, do đó nếu các nhu cầu này không được thỏa mãn, chúng sẽ chi phối lại toàn bộ mục tiêu của con người.

Theo Maslow, một khi các nhu cầu thấp cấp đã được thỏa mãn, các nhu cầu cao cấp sẽ trở thành động lực cho mọi hành vi của con người. Những nhu cầu ở cấp thấp hơn không được đáp ứng thường sẽ tạo nên sự bất mãn ở các nhu cầu bậc cao hơn, do đó chúng thường phải được thỏa mãn trước khi một người có thể tiến lên các bậc cao hơn trong hệ thống phân cấp.

Biết được vị trí của một người trên kim tự tháp sẽ giúp bạn xác định động lực của họ một cách hiệu quả. Ví dụ, việc tạo động lực thúc đẩy cho một người thuộc tầng lớp trung lưu đã được thỏa mãn bốn nhu cầu đầu tiên sẽ dễ dàng hơn việc tạo động lực phát triển cho một người có mức lương tối thiểu sống ở các khu ổ chuột.

Cần lưu ý rằng không ai ở một trạng thái cố định trên kim tự tháp Maslow trong suốt khoảng thời gian dài. Bởi trong khi chúng ta không ngừng phấn đấu để đi lên, thì vẫn tồn tại các lực lượng ngoài tầm kiểm soát đang cố gắng đẩy chúng ta xuống. Những người đứng ở cấp cao bị đẩy xuống trong thời gian ngắn, ví dụ như, cái chết của một người thân hay một ý tưởng không thể thực hiện được; trong khi những người ở phía dưới được đẩy lên, ví dụ như tình cờ nhận được một giải thưởng nhỏ. Do đó, mục tiêu của một nhà lãnh đạo là giúp mọi người có được những kỹ năng, kiến ​​thức và lợi ích nhằm thúc đẩy họ tiến lên những cấp bậc cao hơn trong tháp nhu cầu Maslow. Những người được đáp ứng các nhu cầu cơ bản sẽ lao động hiệu quả hơn vì họ sẽ không bị vướng bận vào những nhu cầu này và tập trung vào hiện thực hóa các mục tiêu của bản thân và tổ chức.

Chỉ trích và điểm mạnh

Lý thuyết của Maslow thường bị chỉ trích bởi không thể áp dụng trong nhiều trường hợp chẳng hạn như quân đội, cảnh sát, lính cứu hỏa,…Họ là những người sẵn sàng mạo hiểm sự an toàn của mình cho sức khỏe của người khác. Hay như cha mẹ, những người luôn hy sinh nhu cầu cơ bản của mình cho con cái. Tuy nhiên, hầu như lý thuyết nào cũng có sự sai lêch khi đi sâu vào phân tích ở mức độ cá nhân. Ngay cả lý thuyết vật lý của Newton, dù đã trở thành một định luật nổi tiếng, cũng không còn chính xác khi đi sâu vào cấp độ nguyên tử.

Một nghiên cứu gần đây cho ta thấy (Tay, Diener, 2011), con người luôn tin tưởng vào lý thuyết Maslow, và họ có xu hướng thỏa mãn những nhu cầu cơ bản và nhu cầu an toàn trước khi cần đến các nhu cầu khác. Tuy nhiên, việc thỏa mãn các nhu cầu của con người lại ít liên quan tới quan điểm về hạnh phúc của mỗi cá nhân. Vì vậy, thay vì một kim tự tháp với các nhu cầu được sắp xếp theo trật tự thứ bậc, nó giống như một cái hộp với những nhu cầu cơ bản của con người nằm rải rác bên trong, và tùy vào từng tình huống hoặc môi trường khác nhau mà những nhu cầu này xuất hiện lên đầu để được bù đắp.

Tuy nhiên, lý thuyết của Maslow vẫn là một lý thuyết kinh điển bởi nó đưa ra kết quả nghiên cứu dựa trên những người có tinh thần khỏe mạnh. Hơn nữa, học thuyết này là một trong những lý thuyết đầu tiên về tâm lý con người, do đó nó không thể tránh khỏi nhiều thiếu sót.

Mở rộng Kim tự tháp

Trong những năm sau này của Maslow (1971), ông tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến các trật tự và nhu cầu cao hơn của con người, cũng như cố gắng tiếp tục phân loại chúng. Maslow đưa ra giả thuyết rằng mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là tự khẳng định bản thân, đó là một việc hầu như không bao giờ có thể đạt được một cách tuyệt đối. Nói đúng hơn, nó là thứ mà chúng ta luôn phải cố gắng phấn đấu.

Sau đó, ông đưa ra giả thuyết rằng mục tiêu cuối cùng này sẽ không dừng lại và con người sẽ tiếp tục phát triển tới nhu cầu tự tôn bản ngã , điều này thậm chí dẫn dắt chúng ta chạm tới ngưỡng tâm linh, ví dụ như: Gandhi, Mẹ Theresa, Đạt Lai Lạt Ma, hay kể cả các nhà thơ như Robert Frost. Mức độ tự tôn bản ngã này là cách Maslow thừa nhận nhu cầu của con người về đạo đức, tính sáng tạo, lòng trắc ẩn và tính tâm linh. Nếu không có ý nghĩa tâm linh hay siêu vị kỷ/cái tôi vượt trội ấy, chúng ta sẽ chỉ đơn giản là những cỗ máy.

Sự mở rộng thêm những nhu cầu cao cấp này được thể hiện trong hình vẽ sau:
Mô hình mở rộng của Maslow

Lưu ý rằng bốn nhu cầu cao cấp (trong kim tự tháp bên trên) có thể được đáp ứng theo bất kỳ thứ tự nào, tùy thuộc vào việc cá nhân đó muốn gì hoặc tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể nào, miễn là các nhu cầu cơ bản (bốn nhu cầu phía dưới) đều được đáp ứng:

8. Nhu cầu về tự tôn bản ngã – mức độ siêu vị kỷ tập trung vào tầm nhìn trực giác, lòng vị tha, và lập trường trong nhận thức.

7. Tự khẳng định bản thân – biết chính xác bạn là ai, bạn đang làm gì, và điều gì bạn muốn đạt được. Một trạng thái hạnh phúc.

6. Tính thẩm mỹ – làm những việc không chỉ để đạt được kết quả, mà còn vì sứ mệnh tồn tại của chính bạn– bình yên trong tâm hồn, và luôn hiếu kì về cách mà mọi thứ vận hành.

5. Nhận thức – luôn trong trạng thái sẵn sàng học hỏi – học tập để hiểu biết và đóng góp thêm kiến thức.

4. Được kính trọng – cảm giác tiến bộ, được công nhận, tự tin về bản thân.

3. Sở hữu và tình yêu – cảm giác được thuộc về một nhóm, có những người bạn thân thiết để chia sẻ, tâm sự.

2. Sự an toàn – thoát khỏi những cảm giác nguy hiểm cận kề.

1. Sinh lý – thức ăn, nước uống, chỗ ở, tình dục.

Ngoài ra, cũng tương tự như trong mô hình trước đây của ông, chúng ta có thể thay đổi giữa các cấp (Maslow, 1968). Ví dụ bạn có thể trải qua những trạng thái cảm xúc đỉnh cao của việc tự khẳng định bản thân và nhu cầu về tự tôn bản ngã. Đây là những khoảnh khắc sáng tạo hoặc tâm linh của chúng ta.

Đặc điểm của những người “Tự khẳng định bản thân”

Những người đạt đến trạng thái tự khẳng định bản thân thường có các đặc điểm sau:

  • Có nhận thức tốt hơn về thực tại và cảm thấy hài lòng với hiện tại
  • Chấp nhận bản thân và bản chất của mình
  • Ít giả tạo
  • Không chỉ tập trung vào bản thân mà còn quan tâm tới các vấn đề cơ bản, những câu hỏi có tính thời đại.
  • Thích sự riêng tư và có xu hướng tách rời khỏi đám đông
  • Luôn cầu tiến và không ngừng hoàn thiện bản thân
  • Trân trọng những niềm vui dù là nhỏ nhất của cuộc sống
  • Có một tình cảm sâu sắc như ruột thịt với những người xung quanh
  • Có tính dân chủ sâu sắc, luôn công bằng
  • Có tiêu chuẩn đạo đức và luân lý cao
  • Chân phương, sáng tạo, ít bị bó buộc và luôn rạng rỡ, tươi tắn hơn so với những người khác

 VƯỢT LÊN TRÊN MÔ HÌNH CỦA MASLOW

Các nghiên cứu lý thuyết của Maslow đã trải qua giám sát thực nghiệm và cho đến ngày nay, nó vẫn khá phổ biến do tính đơn giản và dễ hiểu của mình. Đồng thời, các lý thuyết này còn đóng vai trò là điểm khởi đầu cho phong trào phát triển tiến bộ: từ một người hành động thiếu suy nghĩ hoặc luôn coi nhẹ mọi việc hoặc luôn hành động một cách máy móc được tiếp cận với một phương pháp có tính nhân văn hơn. Bên cạnh đó vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều về phương pháp nghiên cứu của ông khi mà Maslow đã chọn ra một số ít người mà ông cho rằng có tính “Tự khẳng định bản thân” rồi lập tức đi đến kết luận về tính “Tự khẳng định bản thân” này. Tuy nhiên, Maslow luôn nhận thức rất rõ về điều này và cho rằng nghiên cứu của ông chỉ đơn giản là một phương pháp định hướng, chứ không phải là một chân lý. Ngoài ra, ông còn hy vọng vào những nghiên cứu toàn diện hơn, phát triển trên những đóng góp ban đầu của ông.

Quả thực, sau Maslow đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu khác tiếp tục phát triển và hoàn thiện công trình của ông, chủ yếu trong lĩnh vực lao động và tổ chức, có thể kể đến như các nghiên cứu của Herzberg, Alderfer,và McGregor.

MÔ HÌNH HERZBERG 

Mô hình Herzberg

“Các nhân tố làm trong sạch môi trường” hoặc “Những con người bất mãn” cần phải tồn tại trước khi các yếu tố tạo động lực được áp dụng trong công việc để thúc đẩy mỗi cá nhân. Nói cách khác, bạn sẽ không thể sử dụng các yếu tố thúc đẩy này vào công việc cho đến khi tất cả các nhân tố làm trong sạch môi trường được đáp ứng. Mô hình về nhu cầu của Herzberg đặc biệt đúng trong công việc. Chúng đồng thời phản ánh một số điểm khác biệt mà mọi người muốn có được từ công việc của họ, điều này trái ngược với cấp bậc về nhu cầu của Maslow khi phản ánh tất cả các nhu cầu trong cuộc sống của một con người.

Dựa trên mô hình này, Herzberg đã sáng tạo ra thuật ngữ: làm giàu thêm công việc (job enrichment) – quá trình tái cơ cấu công việc để tạo nên các động lực bằng cách đa dạng hóa các nhiệm vụ của người lao động đồng thời kiểm soát các nhiệm vụ đó. Điều này liên quan chặt chẽ tới cách thiết kế một công việc  và là sự“Mở rộng công việc” (Sự tăng số lượng các nhiệm vụ mà nhân viên đảm nhận). Lưu ý thuật ngữ “Mở rộng công việc” có nghĩa là một loạt các nhiệm vụ được thực hiện để giảm bớt sự nhàm chán, chứ không phải là dồn quá nhiều nhiệm vụ cho một người khiến họ bị quá tải.

LÝ THUYẾT X VÀ LÝ THUYẾT Y CỦA MCGREGOR

Douglas McGregor (1957) đã phát triển một quan điểm triết học của nhân loại với Thuyết X và thuyết Y – hai quan điểm đối lập về cách mọi người xem xét hành vi nhân học trong công việc và cuộc sống. McGregor cho rằng các tổ chức và những người quản lý tuân theo một trong hai cách tiếp cận sau:

Lý thuyết X:

  • Con người vốn không ưa thích công việc và sẽ né tránh nó bất cứ khi nào có thể.
  • Con người phải bị cưỡng chế, kiểm soát, chỉ đạo, hoặc đe dọa trừng phạt để khiến họ hoàn thành các mục tiêu của tổ chức.
  • Con người thích được hướng dẫn, không muốn chịu trách nhiệm, có ít hoặc không có tham vọng.
  • Trên tất cả, con người tìm kiếm sự an toàn
  • Trong một tổ chức được giả định với lý thuyết X, nhiệm vụ của việc quản lý là ép buộc và kiểm soát nhân viên.

Lý thuyết Y:

  • Công việc là điều hiển nhiên như vui chơi và nghỉ ngơi.
  • Mọi người sẽ tự điều chỉnh bản thân nếu họ cam kết với các mục tiêu (họ không hề lười biếng).
  • Cam kết với mục tiêu tạo ra lợi ích và thành tựu cho họ.
  • Mọi người học cách chấp nhận và tìm kiếm trách nhiệm.
  • Mỗi người đều sở hữu sự sáng tạo, tính khéo léo và trí tưởng tượng. Con người có khả năng vận dụng những năng lực trên để giải quyết vấn đề của tổ chức.
  • Con người luôn ẩn chứa tiềm năng.

Trong một tổ chức với những giả định lý thuyết Y, vai trò của việc quản lý là giúp phát triển tiềm năng bên trong mỗi nhân viên và giúp họ giải phóng tiềm năng để hướng tới mục tiêu chung.

Lý thuyết X là quan điểm quản lý truyền thống đã được áp dụng đối với lực lượng lao động xưa cũ. Ngày nay, hầu hết các tổ chức đều đang vận hành theo quan điểm sáng suốt của lý thuyết Y (cho dù họ có thể chưa áp dụng một cách tốt nhất). Một ông chủ có thể đang áp dụng lý thuyết X, nhưng một nhà lãnh đạo thực sự lại vận dụng linh hoạt lý thuyết Y vào tổ chức của mình.

Chú ý rằng tất cả lý thuyết của Maslow, Herzberg, và McGregor đều có mối liên hệ với nhau:

  • Lý thuyết của Herzberg là một phiên bản nhỏ của lý thuyết Maslow có nội dung tập trung vào môi trường làm việc.
  • Lý thuyết X của McGregor được hình thành dựa trên việc những người lao động đang trong cấp thấp (1-3) theo tháp nhu cầu Maslow do phương pháp quản lý tồi. Trong khi lý thuyết Y của ông áp dụng cho những nhân viên trên cấp độ 3 do phương pháp quản lý tiến bộ.
  • Lý thuyết X của McGregor cũng được hình thành dựa trên việc các công nhân buộc phải lao động trong tình trạng bất mãn và các “nhân tố làm trong sạch môi trường” của Herzberg không được đảm bảo. Trong khi thuyết Y của ông phát triển dựa trên việc các công nhân đang hài lòng hoặc có động lực thúc đẩy.
 Nguồn Saga

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close