Câu chuyệnKinh doanh
8 trong 10 USD được tạo ra trong năm 2017 chảy vào túi của 1% người giàu có nhất
Khối tài sản của 50% lượng dân số nghèo nhất thế giới hoàn toàn không tăng vào năm ngoái. Thay vào đó, những người giàu lại đang ngày một giàu hơn.
Đây là kết luận mới nhất từ báo cáo của Oxfam International. Báo cáo dự đoán rằng khối tài sản của 50% lượng dân số nghèo nhất thế giới hoàn toàn không tăng vào năm ngoái.
Oxfam nói rằng xu hướng này cho thấy rằng kinh tế thế giới nghiêng về phía những người giàu.
“Bùng nổ tỷ phú không phải là tín hiệu về một nền kinh tế thịnh vượng mà là triệu chứng của một hệ thống kinh tế đang suy sụp”, theo Byanyima – Giám đốc Oxfam International.
Chủ tịch nhóm nghiên cứu tranh luận rằng những người “tạo ra quần áo, lắp ráp điện thoại và nuôi trồng thực phẩm cho chúng ta” đang bị bóc lột để làm giàu cho các tập đoàn và cá nhân giàu có.
Điều đáng chú ý là nghiên cứu được tung ra trước thềm Hội nghị kinh tế thế giới diễn ra tại Davos.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng bất cân bằng giới tính khi ngày càng nhiều đàn ông hơn sở hữu đất đai, cổ phiếu và những tài sản khác so với phụ nữ.
Bất bình đẳng là chủ đề chính của hội nghị Davos trong năm nay.
Oxfam cũng tuyên bố vào thứ 2 rằng đã đến lúc toàn cầu ngừng nói về bất bình đảng và bắt tay vào hành động. “Lãnh đạo doanh nghiệp hay quốc gia nào cũng đều nói rằng họ lo ngại về tình trạng bất bình đẳng xã hội. Nhưng rất khó để tìm ra được ai có những hành động cụ thể nhằm làm thay đổi điều gì đó”.
Oxfam cho rằng các chính phủ nên tập trung vào việc cho ra đời các chính sách có thể mang tới sự phân phối tài sản công bằng và củng cố quyền của công nhân như hỗ trợ liên đoàn lao động và giải quyết vấn nạn phân biệt giới tính.
Chính phủ các nước cũng cần giải quyết vấn đề trốn thuế và đưa ra giới hạn về lợi nhuận của cổ đông và mức lương của các lãnh đạo tập đoàn lớn.
Theo Trí Thức Trẻ/CNN