Câu chuyệnKinh doanh
Những ý tưởng kinh doanh hướng về lối sống xanh – sạch
Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng kinh doanh về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.
Họ chưa từng quen biết nhau, cũng không biết ai trong chúng ta nhưng họ có cùng chung một niềm khao khát: muốn dừng ngay những kiểu làm nông thu lợi từ cây trồng nhưng lại làm cho đất chết đi, còn nguồn nước bị ô nhiễm.
Họ là những người, theo từng cách riêng của mình, đã mang về thử nghiệm những mô hình nuôi trồng giúp tái sinh cho đất, cho nước và bầu không khí. Họ cũng là những người chấp nhận gặp tứ bề khó khăn khi làm những công việc đó. May mắn thay bên cạnh họ còn có những người bạn và cộng sự đầy nhiệt huyết giúp đỡ và cổ vũ.
Nhờ sự chung tay đó, những hoa tươi, quả ngọt đầu tiên sạch và an toàn cho sức khỏe con người đã được trao đến tay của cộng đồng người tiêu dùng, khích lệ mọi người nhích lại gần hơn với thiên nhiên, ăn sạch, uống sạch, dùng thực phẩm sạch. Và họ chính là những con người đang nỗ lực cải tạo mảnh đất trồng, làm cho chúng xanh trở lại, dù điều đó có thể mất rất nhiều thời gian.
Cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của tự nhiên của những người như Chris, như Nhân, Hiên hay Tâm và nhiều người khác chỉ mới bắt đầu nhưng ý tưởng về lối sống xanh – sạch thực sự đã được khơi nguồn.
Cùng Hội An xanh
Hội An mở chợ phiên nông sản sạch lần đầu tiên vào một ngày đầu tháng 12/2018. Nhiều người đến đây bị thu hút bởi cảnh một người đàn ông nước ngoài giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường là ống hút bằng tre nứa, những chiếc giỏ đựng đồ đạc được ép từ mo cau, hộp đựng thực phẩm làm từ bã mía. Người đàn ông đó còn quay sang những gian hàng kế bên để quảng bá các loại rau, củ, quả sạch của nông dân, nhiệt tình và tự nhiên như thể đã quen hết người ta ở phiên chợ.
Christopher Dunn (Chris) đúng là quen hết những người làm trang trại ở Hội An. Hơn 3 năm qua, Chris hướng dẫn nông dân ở đây trồng nông sản sạch và hỗ trợ họ thiết lập các nông trại hữu cơ, rồi cùng họ ra chợ phiên bán hàng.
Những người mua hàng đều thấy an tâm hơn khi nghe Chirs và các ông chủ trang trại giải thích cho người mua về cách thức họ đã làm đất, trồng rau và chăm sóc rau để có những bó rau, củ quả sạch. Và đến lượt mình, họ kể lại chuyện đã gặp cho người hàng xóm, người bà con và từ bao giờ họ đã trở thành sứ giả truyền đi thông điệp sống lành mạnh và góp phần hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch ở người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, chia sẻ chợ phiên ưu tiên cho các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, hàng thủ công và bất ngờ thay, cư dân địa phương của ông còn tự giác thay túi nilon khi đi chợ bằng túi giấy.
Ông Christopher Dunn tại gian hàng của mình ở phiên chợ Hội An. Ảnh: Nhân Tâm |
Mục đích rõ ràng của chợ phiên đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là người đang đeo bám với mảng rau củ quả sạch cho cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Nhân – một kỹ sư nông nghiệp mới ngoài 30 tuổi và hiện là chủ trang trại Rơm Vàng chuyên trồng các loại nông sản hữu cơ – cho biết anh đưa sản phẩm của Rơm Vàng vào chợ phiên này là nhằm tìm kiếm thêm đối tác để phân phối nông sản và đưa các sản phẩm hữu cơ, an toàn đến gần hơn với người dân bằng các mức giá hợp lý.
“Tôi bán nông sản tại chợ phiên với các mức giá thấp để người dân dễ mua. Trên thực tế, giá thành các loại nông sản hữu cơ bán trên thị trường hiện nay khá cao so với các sản phẩm cùng loại do các chi phí từ giống, cơ sở vật chất, vận hành cao nên khó tiếp cận người tiêu dùng”, anh Nhân chia sẻ.
Sự sát cánh bên những nhà nông ở Hội An của Chris ở các chợ phiên nông sản sạch không chỉ giúp hình thành một chuỗi cung ứng rau, thực phẩm an toàn địa phương và ít gây tác hại đến môi trường mà còn khẳng định một xu hướng sống trân trọng môi trường và bảo vệ nó. Đó cũng là điều cả thế giới này đều mong muốn.
Vườn đom đóm của Tâm
Với mong muốn góp sức tạo ra những bữa ăn sạch cho cộng đồng, Hồ Thị Minh Tâm đã chọn kết hợp việc mở phòng trọ theo kiểu homestay và tự trồng rau để chế biến các món ăn sạch cho khách trọ. Vì niềm yêu thích đó, cô gái ở tuổi 25 này đã rời bỏ công việc có mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng ở TP.HCM để lên Đà Lạt. Chỉ vài tháng ở đó, Tâm đã mến phố núi, phải lòng cuộc sống mộc mạc giản dị nơi đây.
Cô cũng mang sự mộc mạc và giản dị đó vào không gian nội thất của những căn phòng trọ và biến mảnh vườn quanh nhà trọ xanh tươi hơn với nhiều loại rau trái. Cô đã tìm được khu đất có căn nhà vách gỗ bỏ không trong 20 năm của một cặp vợ chồng nhà giáo. Khu đất rộng 600m2 và Tâm chỉ dùng 80m2 để dựng lại nhà còn lại trồng hoa hồng, anh đào và cây bơ, rau theo phương pháp thuận tự nhiên để tự cung cấp cho những bữa ăn của mình và khách trọ.
Rau được trồng tại vườn đom đóm của Hồ Thị Minh Tâm |
Tâm đặt tên homestay của mình là Vườn đom đóm với ước mong sẽ mang lại cho khách những sự trải nghiệm sống thú vị tại miền quê vùng núi ở Đà Lạt. Cô dùng thân cây già héo, vỏ trái cây làm phân bón hữu cơ cho đất và tạo đường thoát nước thải hợp theo quy chuẩn để không gây ô nhiễm môi trường.
Khu Vườn đom đóm của Tâm chẳng mấy chốc thu hút nhiều du khách – những người đang tìm kiếm sự trải nghiệm an yên của vùng núi đồi. Tâm còn nhận được sự đồng hành của người bạn trai và vài người bạn thân – những người tạo dựng Vườn đom đóm – nơi khách cùng ăn uống, trò chuyện với chủ nhà trong thời gian lưu trú.
Tâm cũng tìm cách gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding), bán trước sản phẩm, dịch vụ tương lai theo gói để có thêm nguồn vốn thực hiện kế hoạch của mình. Theo đó, mỗi người trong cộng đồng góp vào 200.000 đồng, đổi lại cho một đêm tại Vườn đom đóm hoặc sẽ nhận rau sạch vào mùa thu hoạch kế tiếp. Sự ủng hộ của cộng đồng và cơ hội nhiều người Việt Nam sẽ được thưởng thức những món ăn sạch đúng nghĩa và tham gia bảo vệ môi trường chính là động lực nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của Tâm.
Hiên – đi theo tiếng gọi của CSA
Ngồi trên bãi đất 1.200m2 đang được cày xới của mình ở Tân Ngãi, Vĩnh Vong, Trần Minh Hiên nhìn sang các ruộng vườn bà con đang trồng rau, lúa trong vùng, thấy ai cũng xịt thuốc trừ sâu, không thì dùng phân bón vô cơ. Hiên chợt nghĩ liệu mình có vội vàng quá không khi mang mô hình cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp Community-Supported Agriculture (CSA) về miền quê của mình lúc này.
Hiên, năm nay 30 tuổi, đã rời Malaysia khi đang làm việc ở một trường đại học với mức lương 1.500 đô la Mỹ để về Việt Nam làm nông nghiệp cộng đồng. Anh mong ước cùng với cộng đồng gầy dựng ngành nông nghiệp sạch theo mô hình CSA.
Hiên kể lại, sau 3 tháng làm việc ở nước ngoài, anh đã dần quen với nhịp sống ở đó rồi tập tành đi chợ nấu ăn và bỗng nhận ra việc ăn chay không chỉ giúp mình bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nhưng để làm được điều đó cần phải có nguồn thực phẩm sạch, đủ dinh dưỡng. Và anh tình cờ biết đến CSA khi cùng dùng bữa trưa với một đồng nghiệp.
Hiên thấy hay nên tìm hiểu thêm về mô hình CSA. Anh đã tìm đến các nhà nông đang áp dụng CSA ở Malaysia và dành thời gian hỏi chuyện về cách họ trồng trọt và bán hàng. CSA đã khiến chàng kỹ sư trẻ tuổi sững sờ bởi cách thức tổ chức và bán hàng theo mô hình này không quá khó và bắt đầu thấy mình đứng ngồi không yên với ý nghĩ về một CSA ở Việt Nam.
Tâm sự với vị sếp người Pháp – cũng là một người ăn chay – về ý tưởng của mình, Hiên ngạc nhiên khi cô ủng hộ mình, dù cô biết rằng điều này sẽ khiến nhân viên của cô sớm rời công việc để đi theo tiếng gọi của CSA. Người sếp còn giúp Hiên gặp gỡ các nhà nông đang làm CSA mà cô quen biết để Hiên học hỏi thêm kinh nghiệm.
Hiên cũng nhận được sự khuyến khích của ba mẹ khi anh kể cho họ nghe về ý tưởng của mình, về chuyện thực hiện giấc mơ trên mảnh đất quê hương. Rồi Hiên trở về Việt Nam thật, chỉ với hành trang là kiến thức về CSA và số tiền không nhiều dành dụm được sau thời gian làm việc ở xứ người.
Hiên nói đã vấp phải muôn vàn khó khăn ban đầu, vì thực tế ở Việt Nam khác xa với những gì anh mường tượng trước đó. Hiên nhìn thấy nhiều nông dân xung quanh anh dùng hóa chất quá liều lượng để diệt trừ sâu bọ, bón phân không khoa học trên những cánh đồng trồng lúa, vườn rau của họ. Anh không dùng bất cứ loại hóa chất nào nhưng mảnh đất của anh lại đang bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, từ nguồn nước tưới tiêu nên phải bỏ nhiều thời gian để cải tạo lại đất.
Hiên đang tìm sự trợ giúp của các nhà khoa học về việc cải tạo đất hữu hiệu hơn để thuyết phục những nhà nông chân đất láng giềng cùng làm. “Việc nào khởi đầu cũng gian nan, nhưng không sao, miễn mình có đủ tâm huyết và động lực để theo đuổi”, Hiên quả quyết.
Gieo mầm sạch – “tui trước, anh sau”
Và đây, những nông dân thứ thiệt ở miền Tây Nam bộ đang chọn cách làm nông nghiệp sạch theo kiểu “tui đã làm rồi đây, được vầy nè, anh làm thử coi”. Con đường dọn dẹp những thứ thực phẩm bẩn, phân bón, thuốc hóa học theo cách đặc sệt miền Nam này còn lắm gập ghềnh nhưng “mầm sạch” được gieo trên ruộng nhà mình, nhà nhiều người… đã đâm chồi nảy lá.
Sau 2 năm sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) rồi chuyển hướng lên phương pháp trồng hữu cơ, anh Trần Thanh Tiền (ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) giờ đã gầy dựng cho mình thương hiệu dưa lưới Việt Nông Xanh. Loại dưa lưới này đang được bán khắp các cửa hàng kinh doanh nông sản, trái cây sạch ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và siêu thị Tứ Sơn ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Anh Tiền kể lại khởi sự làm nông nghiệp sạch ban đầu năng suất rất kém, mẫu mã sản phẩm cũng xấu nên thương lái chê không mua. Nhìn qua những nhà xung quanh, thấy bà con vẫn giữ lối sản xuất có sử dụng phân bón, thuốc hóa học và thương lái hè nhau mua. Anh không khỏi chạnh lòng, nhưng rồi phải tìm cách để cải thiện tình hình.
Tự làm nông nghiệp sạch đã khó, thuyết phục bà con làm theo thì “khó còn khó hơn”. Anh Tiền tâm sự để thuyết phục nông dân, thì phải chứng minh bằng những trường hợp cụ thể. Ví dụ, một ruộng sản xuất trong nhà lưới thì dịch bệnh và côn trùng sẽ không có, tức không phải sử dụng phân thuốc hóa học. Nếu làm ngược lại thì sẽ phải sử dụng phân bón và thuốc rất nhiều.
Là một giáo viên đã về hưu, bà Hồ Thị Kim Gương (ngụ xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) không chọn cho mình cuộc sống an nhàn bên con cháu mà quyết định nối nghiệp ông bà bằng việc dấn thân vào con đường sản xuất nông nghiệp. Và bà Gương chọn con đường sản xuất lúa gạo sạch với thương hiệu gạo Đồng An được thị trường đón nhận ngày càng nhiều hơn.
Bà Gương nói rằng: “Thấy tôi làm lúa theo phương pháp mới, không phun thuốc hóa học, mọi người xung quanh nói tôi sao dại quá, không thể sản xuất được với điều kiện như vậy. Chỉ có bón phân, phun thuốc hóa học thì may ra cây lúa mới phát triển được, chứ việc canh tác theo hướng quay về tự nhiên thì chẳng có một hạt gạo để mà ăn”.
Mặc cho nhiều lời chê bai, bà Gương vẫn quyết tâm làm gạo sạch. Bởi bà giáo nghĩ rằng con người sống nhờ đất, đã lấy của đất rất nhiều, khiến đất suy kiệt dinh dưỡng, năng suất lúa những năm gần đây không còn cao nữa.
“Vì vậy, tôi nghĩ cần phải làm một điều gì đó để cho đời tốt lành hơn. Và tôi quyết định làm lúa gạo sạch”, bà Gương quả quyết. Và ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 3/2017, mẫu gạo được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM kiểm tra cho kết quả 100% không có hàm lượng chất gây hại trong gạo.
Tờ giấy chứng thực chất lượng đó đã giúp bà giáo về hưu thêm sự tự tin và bà quyết định mở rộng diện tích sản xuất từ 0,4ha lên trên 50ha.
(Theo TBKTSG – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)