Cách sốngKỹ năngQuản trịSống

5 câu hỏi bạn cần trả lời trước khi quyết định thay đổi thói quen

Trước khi đặt báo thức dậy sớm hơn thường lệ hai giờ đồng hồ, hoặc khởi động chiến dịch giảm cân, hãy tự hỏi, bạn làm điều này để làm gì?

5 câu hỏi bạn cần trả lời trước khi quyết định thay đổi thói quen

Trong một thế giới đang ngày càng xem trọng chuyện tự phát triển bản thân, rất dễ để bạn tìm được một lý do cho quyết định thay đổi thói quen sống. Mỗi ngày, dường như lại có thêm một nghiên cứu mới hoặc quyển sách vừa phát hành khuyên bạn nên dậy lúc mấy giờ, ăn gì và ngủ ra sao.

Nhưng, theo Anisa Purbasari Horton – Trợ lý Biên tập chuyên mục Lãnh đạo của Fast Company thì thói quen thành công của mỗi người rất khác nhau. Có thể một ai đó có thói quen sinh hoạt định kỳ đặc biệt đã đưa họ đến thành công, song chưa chắc lịch sinh hoạt đó sẽ hiệu quả với bạn. Anisa, hiện phụ trách các bài viết chuyên về phát triển bản thân, doanh nhân và môi trường làm việc tương lai, đưa ra lời khuyên rằng:

Trước khi thực sự bắt tay vào thay đổi chế độ ăn uống, hay điều chỉnh giờ thức giấc, bạn hãy tự hỏi bản thân 5 câu hỏi sau.

1. Mục tiêu cuối cùng của tôi là gì?

Khi nhà văn Daniel Dowling trở thành cây viết tự do toàn thời gian, ông đã nhận ra rằng bản thân không đủ năng lượng để thực hiện hết những điều ông muốn làm. Ông cần phải làm việc theo một cách khác. Đó là điều chỉnh khối lượng công việc vừa sức bản thân. Dowling đã thực hiện một loạt thay đổi, từ tập thể dục khi vừa thức dậy, rời khỏi bàn làm việc sau mỗi 30 đến 45 phút, ăn sáng với lượng chất béo và protein có ích trước khi ông bắt đầu làm việc. Trước đó, Dowling đã thường bắt đầu viết với cái bụng trống rỗng, và nhận ra rằng ông dần bị đuối sức khi viết đến phần cuối của bản thảo.

Đó là những thay đổi bền vững, nhưng hơn hết, Dowling có một mục tiêu rõ ràng vào cuối ngày – giữ cho trí óc được sắc bén cũng như có thể viết được những bản thảo chất lượng cao trong thời gian dài. Nếu không có một mục tiêu rõ ràng, ông sẽ không thể duy trì công việc đều đặn.

Nếu không biết được vì sao mình cần thay đổi, bạn sẽ thường nhanh chóng bỏ cuộc hoặc không nuôi dưỡng thói quen mới được lâu dài.

2. Nhịp sinh hoạt hiện tại có điểm nào đang không ổn?

Đôi khi, khuôn mẫu xã hội nói với bạn rằng “như thế này là tốt” nhưng lại không có bất cứ lý do nào để  thuyết phục bạn. Đối với người mới bắt đầu, đọc về thói quen dậy sớm của nhiều người có thể dẫn đến suy nghĩ rằng bạn phải dậy sớm mới thành công. Không nhất thiết như vậy. Nếu bạn thấy rằng việc dậy sớm có thể làm bạn mệt mỏi và thiếu năng lượng, thì không có lý do gì để ép bản thân phải đặt báo thức từ 5 giờ sáng, thay vì 7 giờ như hiện tại.

Là CEO của Bulletproof – Dave Asprey từng viết trên Fast Company rằng: “Bắt đầu làm việc lúc 10 giờ sáng không có nghĩa bạn là nhân viên tồi. Bất kể bạn nghe gì về sự phát triển bản thân, hãy nhớ rằng ngoài tuýp người dậy sớm còn có tuýp người hoạt động hiệu quả vào ban đêm”.

Dĩ nhiên, nếu sếp của bạn yêu cầu phải đến cơ quan sớm hơn, thì bạn sẽ cần điều chỉnh lịch sinh hoạt cá nhân. Nhưng nếu cơ quan không yêu cầu điều đó, thì hãy cứ tuân theo lịch sinh hoạt hiệu quả nhất của riêng bạn.

3. Thay đổi nào sẽ mang đến hiệu quả cao nhất?

Một thay đổi, dù là nhỏ nhất, cũng rất khó để duy trì, đặc biệt khi đó là những thay đổi mang tính chất “ngưng làm một điều gì đó”. Giả sử, hiện nay mỗi tối trước khi đi ngủ bạn thường lướt Facebook hoặc xem Instagram, và bạn đang muốn ngưng thói quen này. Trên thực tế, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tập ngưng thói quen đọc ban đêm nhiều hơn là tập chuyển từ xem màn hình điện thoại sang đọc sách.

Fast Company dẫn lời giáo sư chuyên ngành tâm lý và marketing – Art Markman: “Thật không may là cơ chế phát triển thói quen của não bộ không thể học được cách ngưng làm điều gì đó”. Vì vậy, sẽ dễ dàng hơn, nếu bạn phát triển một thói quen tích cực thay thế cho thói quen mà bạn đang muốn ngưng lại.

4. Tôi cam kết thay đổi đến mức nào?

Khi bạn bắt đầu thay đổi thói quen, bạn cần phải đảm bảo là không để công việc, những kỳ nghỉ hoặc dịp lễ hội nào chen ngang quá trình đi đến mục tiêu đã đặt ra. Nhưng hãy đối diện với thực tế, rằng: ở một vài thời điểm, quá trình thay đổi thói quen sẽ bị cắt ngang vì sự kiện đột xuất. Vậy, ngoài việc hiểu rõ lý do bản thân cần thay đổi, bạn cũng phải trung thực về mức độ cam kết theo đuổi sự thay đổi của cá nhân.

Liệu bạn có sẵn lòng gạt qua những lời rủ rê, những cơ hội hấp dẫn để duy trì thói quen mới đang hình thành hay không? Ví dụ như bạn muốn bắt đầu tập thể dục sau giờ làm việc. Liệu, bạn có sẵn lòng hy sinh thời gian xem phim trực tuyến để có một giờ tập luyện tại phòng gym không?

Trên Fast Company, Laura Vanderkam chia sẻ về việc thay đổi thói quen thành công: “Hãy sắp xếp lại cuộc sống để biến thói quen mới thành hiện thực”. Bố của Vanderkam – một giáo sư về tôn giáo, đã bắt đầu đọc Kinh Thánh 30 phút mỗi ngày trong suốt 39 năm thay cho thói quen uống cafe mỗi sáng. Nhà báo Jodi Helmer sẽ không xếp lịch cho bất cứ hoạt động nào trước 9 giờ 30 phút sáng, để có đủ thời gian viết nhật ký mỗi ngày.

5. Tôi nên chọn cách nào để bản thân thay đổi hiệu quả?

Cố vấn phát triển sự nghiệp và điều hành – Suzan Bond đặt mục tiêu tập yoga mỗi sáng. Đột nhiên, cô bị chấn thương và không thể duy trì nhịp tập đều đặn mỗi ngày. Cô quyết định thay bằng bài tập yoga nhỏ 4 phút tại nhà, qua hướng dẫn của một ứng dụng trên điện thoại. Cô cho phép mình tập vào bất cứ thời gian rảnh nào trong ngày, thay vì dành cố định một khoảng thời gian để tập như trước đó.

Cô nhận ra cô có thêm động lực luyện tập khi dùng bút đánh dấu trên lịch để bàn những ngày cô có tập yoga. Bond đã chọn cách thay đổi thói quen phù hợp với tính cách và mục tiêu cá nhân. Cô đã từng cố gắng cô gạt sự cầu toàn ra và thay đổi thói quen nhưng không thành.

“Tuân thủ một bài tập 4 phút mỗi ngày giúp tôi có được sức mạnh từ những thói quen nhỏ nhất mà không phải cầu toàn như trước. Một phần trong tôi thực ra chỉ cần bản thân duy trì nhịp vận động thường xuyên mỗi ngày là được”, Bond chia sẻ.

Cuối cùng, đi cùng với việc xác định “vì sao”, bạn cũng cần biết rõ “cách nào” để bản thân thay đổi thói quen hiệu quả nhất, trước khi chính thức bắt tay vào thực hiện.

(Nguồn: FastCompany)
LÂM NGHI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Close