Câu chuyệnKinh doanh

Sự than thở của doanh nhân về môi trường kinh doanh

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ, đây là câu nói của một vị lãnh đạo trong ngành dệt may khi than thở về môi trường kinh doanh tại Việt Nam: “Môi trường kinh doanh khó quá, cơ chế khó quá, xin-cho nhiều quá, nên ban ngày tôi phải làm kinh doanh, còn tối thì đi quan hệ.”

Sáng 11/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức sự kiện Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016.

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc đã chia sẻ những đánh giá của mình về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo ông Lộc, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp, bởi tố chất của con người Việt Nam, tính năng động của con người Việt Nam, và đặc biệt là tính trụ vững rất bền bỉ của các doanh nghiệp Việt Nam trong các năm qua.

Ông Lộc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam khác doanh nghiệp nước ngoài, bởi doanh nghiệp Việt Nam không những phải đối phó với thị trường, đối phó với công nghệ, mà doanh nghiệp Việt Nam còn phải ứng biến trong những quan hệ với chính quyền, quan hệ với công chức. Ngoài ra là các rủi ro từ bất ổn trong hệ thống chính sách.

“Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam đã trụ được trong bối cảnh khó khăn như vậy, vẫn phát triển được, thì điều đó chứng tỏ sức sáng tạo, sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn”, ông Lộc nhận định.

Ông Vũ Tiến Lộc dẫn lại câu nói của một lãnh đạo trong ngành dệt may, than thở rằng:“Môi trường kinh doanh khó quá, cơ chế khó quá, xin-cho nhiều quá, nên ban ngày tôi phải làm kinh doanh, còn tối thì đi quan hệ.”

Theo vị Chủ tịch VCCI, chừng nào, chúng ta chưa có hệ thống thể chế, chính sách minh bạch, bình đẳng, ổn định yểm trợ cho doanh nghiệp, doanh nhân thì chừng đó, sức lực của doanh nhân còn bị san sẻ, một phần cho thị trường và một phần lớn hơn cho xử lý các mối quan hệ. Như vậy, doanh nhân Việt Nam không thể phát triển được.

Ông Lộc chia sẻ, với chủ trương của chính phủ mới, môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn và doanh nghiệp chỉ cần dành thời gian để nghĩ đến thương trường, nghĩ đến sản phẩm dịch vụ, nghĩ đến công nghệ. Trong trường hợp như vậy, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ bứt phá được, sẽ vượt lên.

Ông nói: “Chính phủ đang quyết nâng bậc của Việt Nam trong ASEAN, làm sao cho môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trở thành 1 trong 3 nền kinh tế tốt nhất trong ASEAN. Như vậy, Chính phủ quyết nâng bậc còn doanh nghiệp phải nâng tầm, nâng cấp.”

Ngoài ra, ông Lộc khẳng định: “Một định hướng quan trọng của Chính phủ là cơ chế bỏ xin-cho, vậy thì doanh nhân không được đi quan hệ nữa.”

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close