Câu chuyệnChiến lượcKinh doanhQuản trị

‘Giục tốc bất đạt’ – Bài học kinh doanh xương máu Samsung phải trả hàng tỉ đô để đánh đổi

Thảm họa Note 7 của Samsung cho thấy bài học: Nhanh là tốt, nhất là trong thế giới công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay nhưng thể đánh đối lấy sự an toàn của sản phẩm thì không nên.

‘Giục tốc bất đạt’ – Bài học kinh doanh xương máu Samsung phải trả hàng tỉ đô để đánh đổi

Samsung ghét sự thất bại.

Hiển nhiên là như vậy rồi, chẳng ai thích sự thất bại cả. Tuy nhiên hầu hết các công ty khi gặp phải sự cố như Samsung lại không có cách giải quyết như vậy.

Ví dụ minh họa tốt nhất cho điều kể trên là câu chuyện đã trở thành huyền thoại ở tập đoàn Samsung xảy ra vào những năm 1995. Khi ấy chủ tịch công ty này đã đốt 150.000 chiếc điện thoại bị lỗi ngay trước mặt công nhân nhà máy của hãng tại Gumi, Hàn Quốc.

Ngọn lửa bùng cháy trước mặt hàng ngàn công nhân như ngầm đưa ra lời cảnh báo: Đừng bao giờ để chuyện như vậy xảy ra một lần nữa!

2 thập kỷ sau, trước sự cố Galaxy Note 7, các nhân viên tập đoàn Samsung lại đang đối mặt với ngọn lửa khủng khiếp hơn thế. Thậm chí, những chuyên gia trong nội bộ còn nói rằng có thể lần này Samsung không chỉ đốt những thiết bị điện tử bị lỗi mà còn nhiều thứ khác nữa.

Chắc chắn rằng những cuốn sách nói về việc Samsung đã chuyển mình thành tập đoàn điện tử tiêu dùng hàng đầu sẽ phải xem xét lại.

Ngoài ra, một vài tuần tới, Samsung còn chuẩn bị cho một cuộc tái cơ cấu cấp lãnh đạo diễn ra hàng năm. Trong bối cảnh công ty đang rơi vào khủng hoảng, chắc chắn nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao sẽ bị “lung lay”. Đây rõ ràng không phải sự cố thông thường. Nó đã “thổi bay” hàng tỷ USD vốn hóa thị trường của Samsung và tạo cơ hội cho Apple cũng như Google chiếm lấy những khách hàng vốn đang bắt đầu chán thương hiệu Samsung.

“Đóng cửa bảo nhau”

Trong nội bộ, Samsung đang dùng chiến thuật “đóng cửa bảo nhau”. Bất cứ nhân viên nào của Samsung đều không được phép nhắc đến tiến trình điều tra cũng như chính xác những gì đang xảy ra với sự cố Note 7.

Giả thuyết tốt nhất đặt ra trong trường hợp này là Samsung có thể đang nỗ lực che đậy thông tin hết mức có thể cho tới khi diễn ra buổi tái cơ cấu lãnh đạo thường niên vào năm nay. Và sau đó mới bắt đầu tìm cách hồi phục.

Có thể tóm gọn lại sự cố Note 7 như thế này: Sau nhiều báo cáo về những chiếc Note 7 phát nổ khiến nhiều người bị thương và khiến cả một chuyến bay của hãng hàng không Southwest Airline phải sơ tán, Samsung cuối cùng đã quyết định sẽ triệu hồi toàn bộ thiết bị, ngừng sản xuất Note 7 vĩnh viễn. Thật không may, chỉ ít lâu sau đó, một sản phẩm nữa của Samsung cũng bị thu hồi là máy giặt khiến danh tiếng của Samsung đã điêu đứng nay lại càng thảm hại hơn.

Tờ Business Insider có được nguồn tin thân cận cho biết mảng điện tử của Samsung đang đánh giá lại tất cả mọi khâu, từ marketing, thiết kế đến kỹ thuật để đảm bảo rằng những chuyện tương tự như vậy không xảy ra thêm một lần nào nữa. Điều này có nghĩa rằng không chỉ đội ngũ lãnh đạo mà cả văn hóa của công ty cũng thay đổi.

Samsung xây dựng thương hiệu của mình với tư cách là công ty đầu tiên đem đến thị trường những công nghệ mới nhất và thú vị nhất, từ những TV cho tới điện thoại thông minh. Ít ai biết, trước khi Apple công bố chiếc Apple Watch đầu tiên, Samsung đã cho ra mắt tới 6 chiếc smartwatch. Ngoài ra, họ cũng là công ty luôn đi đầu trong những công nghệ sản xuất TV mới lạ như chiếc TV OLED màn hình cong.

Tuy nhiên chiến lược đó giờ lại trở thành gánh nặng.

Theo bài viết trên trang Bloomberg, Samsung đã quá vội vàng tung ra Note 7 để cố gắng đánh bại iPhone 7 và đó có thể là nguyên nhân khiến sản phẩm này bị lỗi. Nguồn tin này nhận định theo lẽ thông thường, đáng ra Samsung sẽ xử lý mau lẹ vấn đề của Note 7 và giờ đã có thể tiếp tục guồng công việc như bình thường.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, công ty đã chậm lại và đang đánh giá mọi thứ trong cả chu kỳ phát triển sản phẩm. Sự cẩn trọng và từ tốn trong quá trình điều tra này chứng tỏ rằng Samsung đang có sự thay đổi không nhỏ về văn hóa.

“Không thay đổi, không thể tồn tại”

Cho đến thời điểm này, có vẻ như Samsung đang ý thức được sâu sắc việc nếu như không thực hiện những thay đổi sâu sắc, họ sẽ có số phận tương tự như những tên tuổi lừng lẫy một thời khác như BlackBerry hay Nokia.

Tờ Business Insider cho biết trong khi một số người tỏ ra hết sức lạc quan rằng khủng hoảng của Note 7 chỉ là chất xúc tác mà công ty cần để thay đổi cung cách hoạt động. Một số khác lại khẳng định chắc chắn: “Nếu không thay đổi, chúng tôi sẽ không tồn tại”.

Một phần trong sự thay đổi này chính là việc đảm bảo rằng sản phẩm của mình ở trạng thái hoàn hảo nhất trước đi ra mắt chính thức. Nhanh là tốt, nhất là trong thế giới công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay nhưng thể đánh đối lấy sự an toàn của sản phẩm thì không nên. Với Note 7, Samsung đã nhận được bài học xương máu và họ hiện đã sẵn sàng để thay đổi.

Đương nhiên thay đổi không bao giờ là dễ dàng. Văn hóa khẩn trương đã “ăn vào máu” công ty và lan tỏa ra khắp mọi nơi trong doanh nghiệp, kể cả những bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất chất bán dẫn hay pin.

Vấn đề này càng trở nên cực kỳ quan trọng trong bối cảnh năm 2017 sắp đến gần. Một nguồn tin cho biết, trước khi xảy ra thảm họa Note 7, Samsung đã chuẩn bị cho sự ra mắt của một sản phẩm bom tấn vào đầu năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của vụ Note 7 bởi Samsung sẽ phải cân nhắc lại thật kỹ trước khi giới thiệu sản phẩm mới. Đây cũng là sản phẩm rất được kỳ vọng bởi nó chứa đựng những thay đổi lớn vè thiết kế.

Tuy nhiên, nếu muốn lại có những sản phẩm thành công vượt trội, Samsung phải nhớ kỹ bài học “giục tốc bất đạt” và “an toàn là trên hết”.

Theo Trí Thức Trẻ/BI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close