Khởi nghiệpKinh doanh

Bí quyết xây dựng “văn hóa máu lửa” từ startup Việt

Beeketing là startup Việt đang chinh chiến trên thị trường thế giới. Mới đây, CEO Quân Trương (Trương Mạnh Quân) – người nằm trong danh sách 30 người trẻ Việt Nam nổi bật của Forbes – đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa tại Beeketing.

Đối với startup, bài toán xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn là một thử thách. Với yêu cầu phát triển rất nhanh, nhưng đội ngũ lại nhỏ và quỹ lương cũng hạn chế, thì chỉ việc chia sẻ chung một văn hóa và tầm nhìn mới có thể giúp startup giữ chân những con người của mình.

Đối với Quân Trương – người được xếp vào danh sách 30 người trẻ Việt Nam dưới 30 tuổi nổi bật của Tạp chí Forbes năm vừa qua (30 Under 30 Vietnam 2016), vẫn có những bí quyết rất hiệu quả có thể dùng để gây dựng văn hóa trong startup. Mới đây, trong sự kiện “Những bài học trong quá trình xây dựng văn hóa startup”, vị CEO này đã chia sẻ lại chính những kinh nghiệm của mình trong việc tạo nên một văn hóa làm việc đầy “máu lửa” tại Công ty Beeketing.

Gương mặt Quân Trương được giới thiệu bởi Forbes

Beeketing là một trong những startup Việt gây ấn tượng nhất năm 2016. Là một giải pháp marketing online “quốc tịch” Việt Nam nhưng hướng đến toàn cầu, hiện Beekting đã có doanh thu 1 triệu USD/năm với mức tăng trưởng 200%/tháng.

Giờ đây, Beeketing đang trở thành công cụ dùng hằng ngày của những người kinh doanh online tại Mỹ. Trên kho tải ứng dụng của Shopify, Beeketing đứng đầu bảng xếp hạng chỉ sau 4 tháng ra mắt. Bản thân Quân Trương cũng được Forbes bình chọn chính bởi những thành công nổi bật của Beeeketing trên thị trường thế giới.

Lương sếp có thể thấp hơn lương nhân viên, lương CEO bằng 0, nhưng vẫn phải giữ tinh thần “máu lửa”

Một startup sẽ luôn mất một khoảng thời gian ban đầu để tìm người dùng và có doanh thu. Vậy trong khoảng thời gian này (early-stage), công ty vẫn lỗ, các nhà sáng lập cần làm gì để giữ tinh thần cho những cộng sự?

Quân Trương chia sẻ, Beeketing ở những ngày đầu cũng lỗ khoảng 3.000 USD/tháng. Để giữ tinh thần cho mọi người, Quân vẫn duy trì mức lương như đã có cho các nhân viên trong công ty, còn đội ngũ sáng lập thì chịu giảm lương, bản thân Quân cũng không nhận lương trong một thời gian dài.

Điều đó có nghĩa là “lương nhân viên còn cao hơn lương sếp”. Quân nói: “Đội quản lý có lương 7 triệu đồng, đội nhân viên có người được 8 – 9 triệu, hầu như không ai được trên 10 triệu đồng cả. Còn bản thân tôi không nhận lương trong 6 tháng”.

Dù lương thấp nhưng văn hóa làm việc “máu lửa” vẫn cần được duy trì. Đối với Beekeeting, bí quyết chính là cả công ty dần đạt được những thành tựu. Những thành công, dù có thể không lớn, nhưng đến liên tục là chất xúc tác để các nhân viên luôn nghĩ về tương lai tươi đẹp và từ đó làm việc hào hứng.

“Cần có rất nhiều thành công nhỏ. Ví dụ như ở công ty tôi thì sau 3 tháng được một vị người Nhật đầu tư, 2 tháng sau thì công ty sang Mỹ vì tham gia một cuộc thi, một tháng sau nữa thì được giới thiệu trên tivi. Những lúc như thế tôi đều chụp ảnh, tải lên group chat để mọi người cùng vui”, Quân Trương nói.

Những thành tựu nhỏ nói trên tích tụ lại đã biến Beekting thành một trong những startup Việt hiếm hoi “chinh chiến” trên thị trường thế giới và đang thu về cả triệu USD như lúc này. Quân Trương dự kiến Beeketing sẽ sớm vươn đến mức doanh thu 2 triệu USD/năm.

Khi đi làm, phải có điều gì đó để tự hào

Có một “tuyệt chiêu” tuy nhỏ nhưng hết sức quan trọng trong bài toán dùng người là làm sao để các nhân viên luôn cảm thấy thích thú, tự hào với công việc mình đang làm.

Quân Trương chia sẻ rằng ở Beeketing, họ chỉ tuyển người giỏi và thực sự đam mê công việc mình làm. Để dẫn chứng, Quân đưa ra so sánh thú vị giữa một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương mới trở thành nhân viên Beeketing với mấy người bạn của anh đang công tác tại ngành khác:

“Vừa rồi tôi tuyển một sinh viên Ngoại thương mới ra trường, hỏi là muốn làm gì trong tương lai thì trả lời là “em không biết, em chỉ đi làm thôi”. Mình cũng thấy nhiều bạn là sinh viên Ngoại thương, dù ra trường rất thông minh nhưng lại chẳng có mục tiêu gì cả.

Đặt niềm tin và muốn giúp nhân viên thực sự tìm được đam mê, tôi cho bạn trẻ này luân chuyển khắp các phòng ban với tinh thần “Em cứ thử đi”. Công việc khởi đầu của bạn nhân viên cựu sinh viên Ngoại Thương này là Dịch vụ khách hàng, sau đó mới chuyển sang Marketing. Khi các bạn không thấy thích công việc đó, cảm thấy không có định hướng, tôi sẽ sẵn sàng chuyển các bạn sang vị trí mới.

Trong khi đó, dường như có một thế giới u ám hơn hẳn ở môi trường khác. Tôi có biết một số bạn bè làm ngành khác, cứ đến 4 giờ chiều là ngáp ngủ như con cá. Hỏi thế thì các bạn đi làm làm gì? Họ trả lời đi làm lấy lương cao, thưởng cao. Bên tôi thì không như thế”.

Điều quan trọng, theo vị CEO của startup có doanh thu triệu USD là “công việc phải tạo cảm hứng cho chính bạn”.

“Ví dụ bạn kể “Hôm qua tôi ra một sản phẩm giết được cả một công ty Mỹ”, thì sẽ “sướng” hơn rất nhiều. Các bạn đi làm phải có điều gì đó tự hào”, Quân nói.

‘Khích tướng’: Hỏi thăm ân cần, giúp nhân viên mua cả ô tô

“Biết mục tiêu cá nhân của từng nhân viên, trao cho họ thử thách và “tưởng thưởng” xứng đáng thì họ sẽ làm máu lửa” cũng là một “bí quyết vàng” nữa trong kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong startup của CEO Quân Trương.

Quân chia sẻ thời điểm Beeketing chỉ có dưới 30 người, vị CEO này rất tích cực thực hiện các cuộc gặp mặt trực tiếp với từng nhân viên của Công ty. Thời lượng mỗi cuộc gặp chỉ từ 30 phút – 1 tiếng, khi tại bàn làm việc, khi tại ngay hàng lang, với tính chất như người trong nhà.

“Tôi hỏi chi tiết tình hình gia đình, người yêu như thế nào, sao mãi chưa lấy chồng… Từ đó hiểu hơn về các vấn đề trong công việc, cuộc sống cá nhân của họ. Những ai có ý định nghỉ cũng cho mình biết để có phương án chuẩn bị”, Quân Trương nói.

Từ những cuộc gặp “tâm tình” như thế này, CEO của Beeketing biết rõ những mục tiêu, mong ước của nhân viên công ty. Để giúp các mục tiêu đó thành hiện thực thì khác với các nhà quản lý khác, Quân Trương không hề trực tiếp tăng lương thưởng cho nhân viên. Cách Quân làm là giao nhiệm vụ công việc tương xứng với mục tiêu của mỗi nhân viên, từ đó mỗi mục tiêu khi thành hiện thực thì sẽ đều rất ý nghĩa.

Quân đã chia sẻ về câu chuyện giúp nhân viên mua được ô tô như thế này:

“Có bạn bảo muốn mua một xe phân khối lớn 200 triệu đồng. Tôi bảo bạn ấy cố gắng làm cái này cái kia thì sẽ tăng lương lên 20 – 30 triệu đồng/tháng, khoảng một năm sẽ có xe… Có vị CTO nói muốn mua xe Range Rover giá 3 – 4 tỷ đồng, tôi giao trách nhiệm hoàn thiện hệ thống. Có bạn nói chỉ muốn tạo ra một sản phẩm có một triệu người dùng, tôi cho cơ hội quản lý các sản phẩm”, Quân Trương chia sẻ.

Từ đó, Beeketing dần hình thành nên văn hóa hướng đến mục tiêu (goal-oriented). Giờ đây, ở startup này, các nhân viên đã không cần phải đến đúng 8h, bấm chấm công vào máy và bắt buộc phải làm việc ngay ngắn trong 8 tiếng đồng hồ như nhân viên công sở bình thường.

Tất nhiên, sự thoải mái này cũng đi kèm trách nhiệm cao trong công việc. Quân Trương chia sẻ một “chiêu” trong việc đặt yêu cầu cao lên nhân viên: “Trước đây, đến 7h tối mình sẽ bảo mọi người về đi mai làm. Thế nhưng khi nói thế thì những người đi làm sẽ không có trách nhiệm với việc của họ. Bây giờ chuyển sang bảo “ông chưa xong ông ở lại, tôi về trước, không phải ngại””.

Không bao giờ được gọi khách hàng là “thằng”

“Ở công ty mình, khách hàng luôn đúng”, CEO Quân Trương nói.

Một ví dụ của văn hóa này là nhân viên của Beeketing sẽ không bao giờ gọi khách hàng là “thằng”. CEO Beeketing kể: “Hôm rồi mình mới tuyển một nhân viên vào, người này hay gọi khách hàng là “thằng khách hàng này”, “thằng khách hàng kia”. Tôi phải chỉnh luôn là không bao giờ được nói khách hàng là “thằng””.

Theo giải thích của Quân thì Beeketing bán giải pháp marketing online ra khách hàng. Vì thế, văn hóa tôn trọng khách hàng, khách hàng là thượng đế luôn phải được quan trọng. Giữ được suy nghĩ này trong nội bộ toàn công ty, Beeketing mới có thể đưa ra các sản phẩm tốt hơn.

VŨ HÁN/Trí Thức Trẻ (tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close