Sự thiếu hụt lao động trẻ đã dẫn đến tình trạng có đến 2 vị trí công việc dành cho mỗi ứng viên ở Tokyo. Vì vậy, nhiều công ty Nhật phải xem xét đến việc tuyển dụng thêm lao động nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng là một trong những “nghi thức” không dễ vượt qua với các ứng viên nói chung và ứng viên nước ngoài nói riêng.
Trên thực tế, ngay cả các sinh viên Nhật Bản vẫn phải được rèn luyện để thích nghi tốt với các quy tắc khi bắt đầu đi làm. Do đó, việc “hiểu luật” khi ứng tuyển vào doanh nghiệp Nhật đối với những ứng viên đến từ các nền văn hóa khác là rất quan trọng.
“Đây là một dạng bài kiểm tra khả năng thích nghi của ứng viên, giúp những môi trường làm việc đa văn hóa vận hành tốt hơn”, Rochelle Kopp – nhà điều hành Hãng tư vấn đa văn hóa Nhật Bản (Japan Intercultural Consulting) cho biết.
Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi ứng tuyển vào một doanh nghiệp Nhật:
Trang phục phù hợp
Tính đồng nhất là điều tối quan trọng: một bộ vest màu đen được xem là trang phục phỏng vấn phù hợp, đi kèm với nó là một chiếc áo sơ mi trắng đơn giản, giày và túi màu đen có kiểu dáng trang trọng.
Cần tránh để râu, nhuộm tóc, đeo hoa tai lớn, trang điểm đậm, vẽ móng cầu kỳ, đeo cà vạt màu trắng, đen hoặc màu lòe loẹt.
Nếu ứng viên có mặc áo khoác, hãy cởi ra trước khi bước vào tòa nhà. Đối với người Nhật, đây là một dấu hiệu của sự tôn trọng, được áp dụng vào cả những dịp mang tính trang trọng khác. Chẳng hạn, hiếm có ai mặc áo khoác trong một đám tang tại Nhật Bản.
“Nghi lễ” khi bước vào phòng phỏng vấn
Theo website tuyển dụng Rikunabi, khi gõ cửa phòng phỏng vấn, ứng viên luôn luôn phải gõ 3 cái. Họ sẽ khiến nhà tuyển dụng khó chịu khi chỉ gõ 2 cái, vì đây là cách người Nhật kiểm tra xem toilet có người ở trong hay không.
Sau khi gõ cửa, hãy chờ cho đến khi được cho phép vào phòng. Lúc mở và đóng cửa phòng, đừng gây ra tiếng ồn lớn.
Sau đó nói “Xin lỗi” (“Excuse me”), cúi đầu chào và đi đến phía bên trái chiếc ghế dành cho mình. Ứng viên cần tự giới thiệu tên, trường đại học và cúi chào lần nữa, rồi chờ được hỏi hoặc được yêu cầu trước khi ngồi xuống ghế.
Cúi chào đúng cách
Khi cúi chào, đừng cúi gằm đầu xuống. Hãy cúi gập người về phía trước từ hông và giữ lưng thẳng. Đặt 2 cánh tay ở 2 bên hông và đừng gập đầu gối.
Website tuyển dụng MyNavi cho biết, ứng viên nên cúi chào một góc 30 độ (so với phương thẳng đứng) khi bước vào phòng phỏng vấn và cúi sâu hơn với một góc 45 độ khi kết thúc buổi phỏng vấn. Hãy cúi chào khi đứng yên một chỗ, đừng vừa chào vừa bước đi.
Khi ngồi trên ghế, hãy lưu ý ngồi thẳng và đừng tựa lưng vào ghế. Ứng viên nam nên đặt bàn tay trên mỗi bên đầu gối tương ứng. Ứng viên nữ nên đặt tay này lên tay kia và đặt trong lòng.
Một sinh viên đang cúi chào nhà tuyển dụng tại một ngày hội việc làm ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Bloomberg |
Lựa chọn từ ngữ cẩn thận
Người Nhật có nhiều từ khác nhau cho những khái niệm đơn giản, phụ thuộc vào việc người đối diện là ai. Hãy sử dụng từ ngữ mang tính trang trọng, lịch sự chứ đừng nói chuyện như thể với bạn bè tại quán bar.
Mặt khác, nếu cần đưa cho nhà tuyển dụng bất kỳ tài liệu gì, hãy sử dụng cả 2 tay để thể hiện thái độ trân trọng.
Trở ngại cuối cùng
Vào cuối buổi phỏng vấn, Rikunabi gợi ý nên cảm ơn nhà tuyển dụng và cúi đầu trong khi vẫn còn đang ngồi. Sau đó đứng lên và lặp lại một lần nữa. Nói “Excuse me” khi bạn rời khỏi phòng và đóng cửa lại một cách nhẹ nhàng.
Đừng kiểm tra điện thoại trong khi đang rời khỏi buổi phỏng vấn. Hãy giữ thái độ đúng mực như thể buổi phỏng vấn vẫn còn tiếp tục, cho đến khi rời khỏi tòa nhà.
Các sinh viên Nhật vẫn thường được cảnh báo rằng nhà tuyển dụng có thể quan sát họ vào bất kỳ thời điểm nào kể từ khi họ rời khỏi ga tàu để đi đến công ty phỏng vấn.
Một số lưu ý khác: Đừng bao giờ đến muộn. Ở Nhật, đến điểm hẹn trước 5 – 10 phút được xem là đúng giờ. Phải di chuyển ghế ngồi trở về vị trí cũ (thường là để bên dưới bàn làm việc) trước khi rời khỏi phòng phỏng vấn. Rochelle Kopp cho biết từng nghe nói về việc một ứng viên tiềm năng đã bị nhà tuyển dụng Nhật từ chối vì quên làm việc này và “tạo ấn tượng là một người lơ đãng”. “Nghi thức phỏng vấn” có vẻ phức tạp nhưng với sinh viên Nhật Bản, đây vẫn chưa là gì so với các quy tắc mà họ phải đối mặt khi bắt đầu bước vào một công ty Nhật Bản truyền thống. Có đủ kiểu quy tắc cho mọi tình huống tại nơi làm việc, từ vị trí đứng trong thang máy, vị trí ngồi trong xe taxi đến cách thức trao đổi danh thiếp. Cấp trên phải được tôn trọng tuyệt đối, và đối với người mới vào, tất cả mọi người đều là “cấp trên”. Cuối cùng, đừng áp dụng quy tắc ưu tiên phụ nữ (“ladies first”) của phương Tây vào nơi làm việc ở Nhật mỗi khi bước vào hoặc rời khỏi một căn phòng, vì văn hóa ở đây ưu tiên những người có thâm niên cao. |