Câu chuyệnCEO ViệtKinh doanhNhân vật
CEO TTC Sugar: Chúng tôi lạc quan về cơ hội phát triển, nhưng không hề chủ quan
Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra đánh giá triển vọng phát triển của ngành đường căn cứ vào các dữ liệu phân tích. Khi so với các thông tin xấu về ngành đường Việt Nam vốn quá nhiều trong thời gian gần đây, đôi khi một số người cho rằng chúng tôi đơn độc và lạc quan hơi quá. Nhưng chúng tôi khẳng định mình lạc quan có cơ sở.
Ngày 25/05/2018 vừa qua, Hiệp hội Mía đường (HHMĐ) đã tổ chức Hội thảo về Giải pháp tiêu thụ mía niên vụ 2017 – 2018. Hội thảo đã tập trung mổ xẻ hàng loạt vấn đề ngành đường và tất cả đang hướng đến sự đồng thuận về cơ chế hoạt động. BizLIVE đã có trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, mã: SBT) về kết quả hội thảo và tương lai của ngành đường Việt Nam.
Đối thủ thật sự của ngành đường Việt Nam là Thái Lan và các nước trong khu vực
Thưa ông, ở góc độ một doanh nghiệp có quy mô hoạt động đầu ngành – TTC Sugar tham gia hội thảo, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả đạt được từ Hội thảo ngành được tổ chức hôm 25/5/2018?
Là thành viên của HHMĐ, TTC Sugar cũng như các thành viên Hiệp hội đánh giá nội dung Hội thảo lần này vô cùng chất lượng vì đã mạnh dạn mổ xẻ hàng loạt các vấn đề nội tại của ngành đường và chỉ ra được nhiều vấn đề rất thiết thực đối với sự phát triển của ngành đường Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Với tư cách một doanh nghiệp thuộc Hiệp hội, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều thay đổi tích cực trong cách thức vận hành cũng như cách thức mà Hiệp hội tập hợp lực lượng nhằm giải quyết các vấn đề đang còn tồn tại của ngành đường. Tôi cho rằng đây là một bước tiến hết sức quan trọng, không có ngành nào có thể lớn mạnh và hội nhập mà thiếu các hoạt động mang tính Hiệp hội.
Khi tất cả các doanh nghiệp ngành đường đều nhận thức được rằng, đối thủ thật sự của ngành đường Việt Nam là Thái Lan và các nước trong khu vực, chứ không phải là giữa các doanh nghiệp đường của Việt Nam với nhau.
Tất cả chúng tôi cùng đồng thuận rằng những chính sách hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ (mà các doanh nghiệp ngành đường và HHMĐ đang có các đề xuất kiến nghị cụ thể tới Chính phủ) là để giải quyết các tồn tại của ngành đường về mặt lâu dài, là căn cơ – nhằm nâng sức cạnh tranh của cả ngành đường Việt Nam, chứ không phải chỉ để giải quyết các vấn đề mang tính tình thế cho từng mùa vụ hay cho riêng một doanh nghiệp nào… Đây mới là sự thay đổi đem lại nền tảng cần thiết cho sự phát triển của ngành đường Việt Nam.
Ở Hội thảo lần này, chúng tôi tin rằng các thành viên của Hiệp hội đã tìm được sự đồng thuận này. Trên nền tảng này, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội sẽ được phát huy từ sự đồng thuận, tiếng nói chung và thống nhất các giải pháp của từng doanh nghiệp thành viên. Có như vậy, ngành đường Việt Nam chắc chắn sẽ nhanh chóng có sự thay đổi và khởi sắc.
Ngành đường Việt Nam sẽ khởi sắc
Vì sao ông tin rằng ngành đường Việt Nam chắc chắn sẽ nhanh chóng có sự thay đổi và khởi sắc?
Mọi chỉ số phân tích đều cho thấy rằng, về nội tại, thị trường đường Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn, cụ thể với các yếu tố như dân số “vàng” và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, mức tiêu thụ đường bình quân còn thấp – thấp so với cả tiêu chuẩn dinh dưỡng bắt buộc, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn giữ ở mức cao trong nhiều năm tới…
Theo tính toán của ISO thì trong vài năm tới, Việt Nam cần thêm 1 – 1,5 triệu tấn đường cho nhu cầu dinh dưỡng cá nhân và đáp ứng cho sự phát triển bùng nổ của công nghiệp thực phẩm. Đây là dư địa phát triển cho các doanh nghiệp đường Việt Nam và theo tôi nhận thấy, không riêng TTC Sugar, nhiều doanh nghiệp đường lớn khác cũng đã nhận ra cơ hội này và họ cũng có sự chuẩn bị khá tốt.
Thu hoạch mía niên vụ 2017 – 2018
Thị trường đường ở Việt Nam lại có đặc thù là qua quá nhiều khâu trung gian và vì vậy giá giao dịch hay được gọi là “giá thị trường” đôi khi hoàn toàn không mang tính đại diện bởi đó là giá giữa các doanh nghiệp thương mại với nhau, không phải giá giữa bên sản xuất và end-user (người tiêu dùng cuối).
Đã từng có một số quan điểm không nên hỗ trợ các doanh nghiệp đường nữa mà hãy mở cửa cho nhập đường Thái Lan vì giá họ rẻ, các doanh nghiệp đường Việt Nam làm ăn không hiệu mà chỉ tập trung vào việc đề xuất sự hỗ trợ. Nhận định này, theo tôi là thiếu cơ sở chưa phân tích đầy đủ các thông tin liên quan.
Nói điều này để thấy rằng, Hiệp hội có vai trò quan trọng như thế nào trong việc cung cấp thông tin toàn diện về ngành đường Việt Nam. Để các thành viên của Hiệp hội thấy rằng nếu chúng ta không lên tiếng, nếu các doanh nghiệp đường Việt Nam không nhất quán để ứng xử cho khôn khéo ở giai đoạn mang tính bước ngoặt này, có khi chính chúng ta sẽ là người trao cơ hội phát triển thị trường nội địa này cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng làm được.
Ngành đường không đơn giản như các mặt hàng tiêu dùng khác, ở đầu chuỗi giá trị nó gắn với hàng chục vạn hộ nông dân, là sinh kế của người dân ở rất nhiều tỉnh thành – mà ở một vài nơi – chưa có cây gì có thể thay thế được cây mía. Vì vậy, bất cứ quyết sách nào cho ngành đường cũng phải tính đến yếu tố an sinh xã hội, đến vai trò của ngành trong tổng thể ngành kinh tế.
TTC Sugar định huớng cuộc chơi ở tầm khu vực
Được biết như một doanh nghiệp tiên phong, cụ thể TTC Sugar đã có các bước đi nào để tận dụng cơ hội ở thị trường nội địa như ông vừa nêu?
Như đã chia sẻ ở trên, ngay từ đầu chúng tôi xác định lực lượng mà chúng tôi phải cạnh tranh là các doanh nghiệp mía đường Thái Lan và các nguồn đường khác đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngay từ năm năm trước, nếu các bạn xem lại các tuyên bố về định hướng phát triển của TTC Sugar sẽ thấy rằng chúng tôi đã hướng tới cuộc chơi ở tầm khu vực.
Chúng tôi đã có các nghiên cứu phân tích về các doanh nghiệp đường Thái Lan, ngành đường Thái Lan từ vài năm trước với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm về ngành đường trên thế giới. Một phần các nghiên cứu này được chúng tôi chia sẻ dưới hình thức Hội thảo quốc tế mía đường hàng năm, với mong muốn không riêng chúng tôi mà các doanh nghiệp mía đường khác của Việt Nam cũng từng bước tự tin hơn trong quá trình hội nhập.
Các nghiên cứu giúp khẳng định rằng, về thổ nhưỡng – tình trạng đất đai, Thái Lan tương đồng với Việt Nam. Thái Lan cũng chưa có giải pháp nào vượt trội về nông nghiệp, lợi thế lớn nhất của họ là Luật mía đường 1984, lợi thế này cũng đang lung lay khi đối mặt với các cam kết khi mở cửa hội nhập và cụ thể là vụ kiện của Brazil gần đây lên WTO.
Các thông tin này giúp chúng tôi tự tin hơn với chiến lược phát triển của mình ở thị trường nội địa, mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa, đầu tư vào các hoạt động R&D để phát triển các sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp… Đặc biệt ở lĩnh vực phát triển thị trường, chúng tôi đầu tư mạnh cho việc xây dựng và phát triển các kênh phân phối, các lĩnh vực phụ trợ cho phân phối như kho bãi, vận tải… đến nay chúng tôi đã hoàn thiện bức tranh phân phối với tất cả các kênh từ sỉ tới lẻ và địa bàn phân phối đã phủ khắp 64 tỉnh.
Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra đánh giá triển vọng phát triển của ngành đường căn cứ vào các dữ liệu phân tích. Khi so với các thông tin xấu về ngành đường Việt Nam vốn quá nhiều trong thời gian gần đây, đôi khi một số người cho rằng chúng tôi là người đơn độc và lạc quan hơi quá. Nhưng chúng tôi khẳng định mình lạc quan có cơ sở, và nếu mọi người xem lại các dữ liệu phân tích, nhìn ngành đường với góc nhìn toàn diện hơn, tôi tin đại đa số mọi người sẽ đồng tình với chúng tôi.
Nhà máy TTC Sugar
Chúng tôi tự tin nhưng cũng phải nói rõ là không chỉ một mình doanh nghiệp có thể làm được hết. Chúng tôi là doanh nghiệp, trong quá trình phát triển, chúng tôi phải nỗ lực để mang lại lợi ích cân bằng của tất cả các bên tham gia, xem đó là phương châm để có hoạt động kinh doanh lâu bền.
Vì vậy trong quá trình triển khai các giải pháp, với tư cách doanh nghiệp, chúng tôi cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan quản lý, từ Hiệp hội và cả sự đồng thuận từ các doanh nghiệp cùng ngành nữa. Các doanh nghiệp cùng ngành không chỉ và không nên chỉ có mối quan hệ duy nhất là cạnh tranh.
Tôi cho rằng đứng trước vận mệnh phát triển của cả ngành đó là lúc các doanh nghiệp phải nhìn xa hơn việc cạnh tranh thông thường để hợp tác cùng nhau nhằm bảo vệ cơ hội phát triển của ngành, bảo vệ ngành khỏi các tác động bên ngoài. Đó là lý do tôi chia sẻ sự lạc quan của mình về hoạt động của Hiệp hội ở phần trên.
Có phải vì vậy mà kết quả kinh doanh của TTC Sugar vẫn đang bám sát mục tiêu Đại hội giao? Và khó khăn thách thức là gì khi chỉ còn 1 tháng nữa TTC Sugar bước vào niên vụ 18/19? Các mục tiêu cụ thể của niên vụ tới là gì?
Chúng tôi có chiến lược dài hạn, và bên cạnh đó, như tôi nói là có chiến thuật để ứng phó với những tình huống phát sinh ngoài dự báo. Vì vậy, năm nay chúng tôi vẫn đang bám sát mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua dù tình hình thị trường ở những tháng cuối niên độ xấu hơn dự báo rất nhiều. Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc niên vụ 17/18, có thể khẳng định các chỉ tiêu về mặt lợi nhuận và hiệu quả hoạt động năm nay TTC Sugar sẽ cán đích.
Dĩ nhiên, với tư cách điều hành, tôi mong các con số này lớn hơn nữa, nhưng ở góc độ là nhà quản lý tôi thấy tự hào với đội ngũ của mình vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để hoàn thành các chỉ tiêu này.
Các chỉ tiêu của niên vụ tới đã nằm trong chiến lược 5 năm, đến thời điểm này các phân tích dự báo của chúng tôi về ngành vẫn đang đúng vì vậy sẽ không có điều chỉnh nào lớn cho mục tiêu năm tiếp theo so với kế hoạch 5 năm. Chúng tôi sẽ vẫn tập trung mạnh cho kinh doanh, mở rộng thị phần – đặc biệt là thị phần nội địa. Tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch về kho bãi, logistic… những phần còn lại, chúng tôi cho là mình đã sẵn sàng.
Một vấn đề khác, có thể hiểu là khách quan, do diễn biến thị trường chứng khoán thời gian gần đây, tuy nhiên mã SBT đang giảm khá sâu, ông nhận định như thế nào về việc này?
Ở khía cạnh hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp cũng như một nền kinh tế, hoạt động của nó có lúc thăng lúc trầm. Bên cạnh đó kết quả hoạt động của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đang ở vào giai đoạn nào trong vòng đời doanh nghiệp: giai đoạn đầu tư – giai đoạn phát triển – hay giai đoạn trưởng thành… hiểu được điều này để đặt kỳ vọng cho phù hợp với doanh nghiệp.
Ở TTC Sugar chúng tôi là một doanh nghiệp đã có gần 40 năm phát triển ở ngành này, đang ở trong giai đoạn trưởng thành, vì vậy chúng tôi hướng đến sự ổn định về mặt chiến lược phát triển, theo đó tốc độ phát triển về mặt bình quân chung nếu so với các ngành mới xuất hiện là không thể so sánh.
Về khía cạnh thị giá, thị giá của một doanh nghiệp là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, cũng như thị giá của doanh nghiệp ở từng thời điểm còn chịu ảnh hưởng của nhiều khía cạnh cả khác quan lẫn chủ quan. Riêng ở Việt Nam, thị giá đôi khi còn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố “thông tin rỉ tai” hoặc là thông tin từ những nguồn không chính thức không thể kiểm chứng. Tôi không biết đặc điểm này có ở các thị trường chứng khoán ở nơi khác không nhưng tôi cho rằng ở Việt Nam yếu tố này có năng lực chi phối khá mạnh.
Cổ phiếu SBT đã từng bị tác động mạnh bởi yếu tố này. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi đã xem xét khía cạnh này cùng với nhiều chuyên gia uy tín, và chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện hiệu quả hơn nữa hoạt động Quan hệ nhà đầu tư (Investor Relations – IR).
Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu Công bố thông tin, chúng tôi hiểu, các nhà đầu tư, cổ đông… có nhu cầu được cập nhật thường xuyên hơn nữa về hoạt động của chúng tôi. Từ đó, tránh tình trạng nhà đầu tư có thể bị chi phối bởi các nguồn không chính thức khác và do đó có thể ra những quyết định đôi khi không có lợi cho thị giá của SBT. Việc này đã và đang được chúng tôi tích cực điều chỉnh.
Tôi rất tiếc về những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây, và trong tình hình chung không thuận lợi đó thì tuần qua, SBT thuộc nhóm những cổ phiếu bị tác động mạnh trong đợt giảm giá này.
Chúng tôi thực sự cảm nhận và chân thành chia sẻ, không ít các cổ đông đã không đạt được kỳ vọng khi đầu tư SBT và về tâm lý không ít cổ đông thất vọng về việc này… Cho đến nay, tôi và ban điều hành đang nỗ lực để đảm bảo các chỉ số sinh lợi mà các cổ đông kỳ vọng trên kết quả kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Năm nay và các năm tiếp theo TTC Sugar vẫn tự tin rằng có thể đảm bảo mức cổ tức bình quân hàng năm ở mức 6 – 10%/năm. Tôi tin là khi mọi hoạt động được điều chỉnh lại theo chiều hướng đúng đắn và thị giá của cổ phiếu SBT sớm muộn cũng sẽ quay lại với đúng giá trị thực.
Xin cám ơn ông!
HỒNG QUÂN