Doanh nghiệpKinh doanh

Chỉ gần 8 phút, 1 doanh nghiệp Việt đã lâm vào tình trạng phá sản

Mất việc làm, bị nợ lương, thậm chí gom lương từ những đồ thanh lý ở công ty giải thể là tình trạng dở khóc dở cười của biết bao kiếp làm thuê như câu chuyện của cô gái tên Linh dưới đây.

Chưa đến 5 phút, thị trường Việt Nam lại có 1 doanh nghiệp mới được thành lập. Thế nhưng, chỉ gần 8 phút, 1 doanh nghiệp Việt đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động.

Đen đủi thay, 12 tháng trong 1 năm, tôi rơi trúng vào 3 công ty đều phá sản.

Sự tử tế trong lần vấp ngã đầu

Tôi tốt nghiệp cao đẳng kế toán tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, và tự thấy mình là người may mắn trong lớp bởi được nhận vào làm ngay sau khi thực tập tại một công ty về thương mại điện tử ở Đống Đa, Hà Nội.

3 tháng đầu thử việc, tôi được trả lương 1,5 triệu đồng/tháng. Mức lương tôi được hưởng tăng lên gấp 3 lần sau gần một năm kinh nghiệm tại đây. Với số lượng nhân viên mới trong công ty ngày một nhiều đồng nghĩa với chồng sổ sách mà tôi phải giải quyết ngày càng dày hơn.

Công việc kế toán vẫn diễn ra suôn sẻ. Thế nhưng, vào một buổi sáng đẹp trời, đúng 10h sáng, ban giám đốc gửi mail toàn bộ nhân viên công ty yêu cầu họp gấp mà không nói lý do. Đúng 10h30, trước gần 100 ánh mắt của nhân viên như tôi, giám đốc tuyên bố công ty phá sản, ngừng hoạt động ngay trong buổi chiều mà không đưa ra một lời giải thích.

Tất cả mọi người đều bàng hoàng, không ai tin vào điều mình vừa nghe thấy. Ban giám đốc nhắc lại một lần nữa và hứa sẽ hoàn thiện nốt tháng lương cho mọi người vào cuối tháng và cộng thêm nửa tháng lương tiếp theo.

Không ai nói với ai điều gì, tất cả nhân viên dọn dẹp đồ đặc rồi ra về. Đúng hơn 1 tháng sau, tôi và các đồng nghiệp khác nhận được đủ số tiền mà ông giám đốc đã hứa. Trên đời, còn nhiều người tử tế hơn mình tưởng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thế nhưng, sự tử tế khó gặp lần thứ 2

Sau 2 tháng tìm việc, tôi được bạn giới thiệu làm kế toán cho một công ty về du lịch ở Hà Nội với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Sự hồ hởi sau 2 tháng thất nghiệp càng tăng lên khi chị bạn giới thiệu tôi ghé tai nói thầm: “Lãnh đạo công ty này hào phóng đấy em”.

Quả thực chị nói không sai. Ông chủ mới của tôi rất “thoáng” trong vấn đề chi tiêu nên được mọi người yêu quý. Ngoài được hưởng mức lương hàng tháng, các nhân viên còn được đi du lịch, ăn uống, tặng quà những ngày đặc biệt.

Nhưng, lại nhưng, làm kế toán tại đây tôi không khỏi lo lắng về tình trạng thua lỗ triền miên của hệ thống này.

Và chuyện gì đến sẽ đến, sau 3 tháng làm việc tại đây, tình trạng nợ lương bắt đầu xuất hiện. Đến kỳ trả tháng 6 nhân viên mới nhận được lương tháng 5. Khi tình trạng trì trệ lương nhiều tháng kéo dài cho đến khi không ai có thể im lặng được nữa thì bỗng có 2 người mới đến, xưng là giám đốc công ty và yêu cầu bàn giao toàn bộ sổ sách.

Họ cho biết, tất cả các quyền lợi của “nhân viên cũ” sẽ được “ông chủ cũ” giải quyết và cắt hợp đồng toàn bộ nhân viên.

Khi chúng tôi liên lạc với “vị giám đốc hào phóng” thì thuê bao hiện không liên lạc được. Hơn 3 tháng lương, gần 18 triệu bạc mà tôi đã miệt mài làm việc vì thế không cánh mà bay. Nhưng lương của nhân viên mới như tôi chẳng thấm vào đâu khi có đồng nghiệp bị “xù” hơn 50 triệu đồng. Ai có trải qua mới thấu cảnh, tiền mình đấy mà chẳng biết đòi ai, đành tặc lưỡi coi như “của đi thay người” vậy.

Gom lương từ đôi dép lê ở công ty phá sản

Có lẽ thần may mắn vẫn còn ưu ái tôi. Vì dù hết lần này đến lần khác gặp vận đen, thì tôi vẫn rất có duyên lúc đi xin việc. Chưa đầy 2 tuần bị xù lương ở công ty cũ, tôi được nhận vào làm việc cho một công ty công nghệ ở đường Trường Chinh (HN).

Trước khi gửi CV cho bộ phận nhân sự, tôi đã tìm hiểu trước thì được biết công ty vừa kêu gọi được vốn khá lớn từ đầu năm, và cho rằng đây là tín hiệu tốt để duy trì được lâu dài.

Song, tôi đã lầm. Tình trạng lục đục nội bộ đã diễn ra âm ỉ từ lâu, nhưng chỉ những người trong cuộc mới biết. Sau khi nghe được tin này, tôi viết đơn xin nghỉ việc. Oái oăm thay, lá đơn còn chưa kịp tới tay giám đốc thì công ty thông báo giải thể.

Do công ty không đủ trả lương nên đã bán lại các vật dụng của công ty cho những người có nhu cầu. Cực chẳng đã, nhiều đồng nghiệp kỹ sư công nghệ lương gần 20 triệu đồng/tháng cũng phải chấp nhận ôm máy tính cũ và bàn ghế thanh lý của công ty để “gom lương”. Chỉ trong một ngày, toàn bộ đồ vật ở công ty đã trống trơn, thậm chí đôi dép tông mà ông giám đốc mua 500.000 đồng cũng được một anh kỹ sư rinh về trừ nợ.

Vậy là tôi tay trắng lại hoàn trắng tay. Hi vọng thần may mắn sẽ chấp nhận mỉm cười với tôi lần nữa trong hành trình tìm việc quá đỗi gian nan của mình.

Hồng Linh

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close