CEO ViệtKhởi nghiệpKinh doanhNhân vật
Chủ thương hiệu Genki Japan House Nguyễn Thị Kim Huyền: Muốn vượt sóng lớn phải có thuyền to
“Chân thành với khách hàng, lấy tâm soi sáng trí” chính là bí quyết giúp Nguyễn Thị Kim Huyền – Chủ thương hiệu Genki Japan House “cứu” công ty thoát khỏi bờ vực phá sản.
Nuôi khát vọng
Sinh ra tại vùng biển Lagi, Bình Thuận, được nuôi lớn bằng số tiền lương còm cõi và sự chật vật của bố mẹ để lo cho 4 đứa con ăn học, nên ngay từ khi còn là cô bé 7 – 8 tuổi, Huyền đã biết leo cây điều hái quả đem về bán cho hợp tác xã kiếm lời, rồi gom lon sữa bò bán ve chai, phụ gia đình nuôi heo, bán nước mía, làm rượu, xay bột mì, đan lát, bán bánh, bán vé số tại nhà… Khi lên cấp 2, thấy nhiều người mua vé số với hy vọng đổi đời, Huyền đã nghĩ phải học thật giỏi mới có cơ hội thay đổi số phận chứ không thể trông chờ vào vận may trúng số.
“Ngày trước, ba tôi thường dạy anh em tôi rằng “bất học bất tri lý”, hay “phi thương bất phú” nên dù phải phụ gia đình kiếm tiền nhưng tôi luôn nỗ lực, chăm chỉ học hành và từ cấp 1 đến cấp 3 luôn đạt kết quả tốt. Ở trường, tôi cũng là thành viên năng nổ trong các hoạt động đoàn, đội và còn là “ca sĩ” của trường, xã và huyện”, Huyền kể.
Khao khát trở thành doanh nhân, Huyền quyết tâm thi đậu vào Trường Đại học Ngoại thương và năm cuối thực tập, Huyền được nhận vào làm nhân viên kinh doanh ngành giao nhận vận tải với mức thu nhập hơn chục triệu đồng, con số mơ ước của nhiều sinh viên vào những năm 2001 – 2002.
Ước mơ làm chủ
Tốt nghiệp năm 2002, Huyền làm việc cho một công ty tàu biển vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Sau đó Huyền cùng hai cộng sự thành lập công ty riêng. Đến năm 2008, công ty gặp cùng lúc nhiều sự cố tưởng chừng phải ngưng hoạt động, nhưng Huyền mạnh dạn thay đổi cổ đông, đổi tên công ty thành Công ty Global Maritime Services, chuyển văn phòng về trung tâm quận 1, TP.HCM.
Tâm niệm “làm kinh doanh mà không mạo hiểm thì khó thành công” và “muốn vượt sóng lớn phải có thuyền to”, Huyền đi từ nước này đến nước khác như con thoi, rồi đi khắp các tỉnh, thành trong nước để tìm đối tác và cơ hội làm ăn, tháo gỡ dần khó khăn để phục hồi và phát triển Công ty.
Với sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ, sau một thời gian ngắn, Global Maritime Services đã có hơn 30 thành viên và hệ thống đại lý toàn cầu, thực hiện dịch vụ giao nhận cước tàu, làm thủ tục hải quan cho các công ty xuất nhập khẩu, đặc biệt trong ngành nước giải khát và thủy hải sản.
Sau đó, với sự kết nối từ các đối tác trong và ngoài nước, Huyền tiếp tục thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Lương Nguyên, làm đại diện tại Việt Nam cho nhiều công ty lớn về thủy sản tại các nước châu Âu. Cứu được Công ty thoát khỏi bờ vực phá sản, Huyền đúc kết: “Bí quyết của tôi là chân thành với khách hàng và lấy tâm soi sáng trí”.
Mang tinh hoa ẩm thực Nhật Bản về Việt Nam
Khát khao mở rộng việc kinh doanh, năm 2015, Huyền quyết định tham gia thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) với việc cho ra đời thương hiệu Genki Japan House (GJH). Chuyện “khai sinh” GJH cũng rất thú vị, Huyền kể: “Năm 2012, tôi được tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – SSEAYP 39 và được chính phủ Nhật tài trợ một chuyến đi tham quan đất nước mặt trời mọc, đồng thời cũng được chọn là người trao bức tranh hoa sen cho Chính phủ Nhật. Từng đi nhiều nước và đam mê ẩm thực, nhất là ẩm thực và văn hóa Nhật, sau chuyến tham gia SSEAYP 39, tôi luôn ấp ủ dự định đưa tinh hoa ẩm thực đúng chuẩn Nhật về Việt Nam”.
Gần 2 năm đi đi về về giữa Việt Nam – Nhật Bản, tháng 7/2017, Huyền ký với Azuma Holdings Ishito Brand – nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu Nhật Bản để cung cấp thực phẩm chất lượng Nhật và mở showroom GJH đầu tiên tại Hà Nội. Điều khác biệt lớn nhất của GJH khiến khách hàng tín nhiệm là tất cả thực phẩm đều nhập khẩu từ Nhật Bản, không nhập hàng Nhật từ nước thứ ba nên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng.
“Thời điểm đó, thị trường nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản tại Việt Nam đang bị bỏ ngỏ về chất lượng, nguồn gốc, nhiều khách hàng chuộng hàng Nhật không tìm được nơi tin cậy để mua hàng và đó chính là cơ hội để GJH phát triển”, Huyền chia sẻ.
Chỉ một thời gian ngắn, GJH đã trở thành đối tác tin cậy của hơn 500 nhà hàng cao cấp và khách sạn, resort 5 sao. Trong đó có những khách sạn, nhà hàng đưa ra yêu cầu rất khắt khe về chất lượng thực phẩm như các hệ thống khách sạn Marriott, InterContinental, Sheraton, Hải Đăng, Nikko, Daewoo, nhà hàng Nhật Kimono, Sushi House, Shinbashi, Hanayuki, Yen Sushi, Sorae.
Tiếp tục hành trình đưa thương hiệu GJH vươn tầm xa hơn, Huyền thành lập LNS US LLC tại Houston, Texas (Mỹ) và LNS US LLC sẽ là công ty kết nối thị trường Mỹ, Nhật, Việt, mang thực phẩm Nhật từ Việt Nam sang Mỹ rồi chuyển thủy hải sản, thịt bò từ Mỹ về Việt Nam.
Bên cạnh đó, Huyền cũng tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu đá hoa cương vào thị trường Mỹ vốn rất lớn và tiềm năng. Với sự cố gắng không ngơi nghỉ cùng sự sát cánh của các cộng sự, Huyền kỳ vọng một ngày không xa, LNS US LLC với thương hiệu Genki Japan House sẽ có chỗ đứng vững chắc không chỉ tại Việt Nam mà còn tại thị trường Mỹ.
MINH QUÂN