Câu chuyệnCông nghệKinh doanhThời đại số
Chuyện về chiếc máy ảnh số đầu tiên trên thế giới và “cái chết” vì quá cầu toàn của KODAK
Nếu chịu chấp nhận rủi ro và tử bỏ dần cái lợi to lớn theo những chiếc máy ảnh số, có lẽ số phận Kodak ngày nay đã khác.
Chụp ảnh ngày nay không còn là thứ xa lạ với con người khi mà chỉ với chiếc điện thoại chúng ta có thể thoả sức ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống. Thế nhưng, vào những năm 70 của thế kỉ trước, để có được một bức hình lại không phải điều đơn giản khi máy ảnh thời đó sử dụng phim và không thể xem trước cho tới khi ảnh được rửa.
…
Nếu bạn có ý tưởng, thậm chí là một sản phẩm thử nghiệm hoạt động tốt, bạn sẽ chia sẻ nó với cả thế giới phải không nào? Thế nhưng, không phải lúc nào mọi người cũng chịu chấp nhận những thứ mới mẻ.
…
Chụp ảnh không cần phim
Vào năm 1975, một nhân viên làm việc tại Kodak – công ty sản xuất phim cho máy ảnh lớn nhất thế giới. Anh ta tới gặp sếp của mình và giới thiệu với sếp một thiết bị có phần thần thánh khi chụp được ảnh mà không cần sử dụng tới phim, hay chính là chiếc máy ảnh kĩ thuật số mà chúng ta sử dụng ở thời nay.
Đối chiếu với hiện tại, chẳng còn mấy người sử dụng máy phim để chụp ảnh, đa phần đã chuyển sang sử dụng máy ảnh số. Đó sẽ là cơ hội ngàn năm có một của Kodak, chẳng khác gì Apple trong cuộc đua điện thoại màn hình cảm ứng. Thế nhưng, người sếp ngày nào gạt phăng ý tưởng tỷ đô kia vì ông ta cho rằng máy ảnh số không hữu ích, nó sẽ không thể thay thế máy ảnh phim.
Steven Sasson, cha đẻ của máy ảnh kĩ thuật số.
Người nhân viên kia chính là Steven Sasson, cha đẻ của máy ảnh số. Ông làm việc tại Kodak từ năm 1973 và trong quá trình làm việc ông đã nảy sinh ra ý tưởng về một chiếc máy ảnh không cần dùng phim.
Với ý tưởng ban đầu, Steven thử nghiệm vô số bước khác nhau để biến chiếc máy ảnh thành hiện thực cũng như tích hợp cho nó một chiếc màn hình để có thể xem được ảnh luôn mà không cần tráng phim.
Tới năm 1975, sản phẩm của Steven đã hoàn thành, tất nhiên màn hình hiển thị không nét căng như những chiếc máy ảnh hiện đại, nhưng nó là một bước tiến đột phá và nếu có được sự hỗ trợ, nhóm làm việc chuyên nghiệp hơn… Steven sẽ khai sinh ra một kỉ nguyên máy ảnh mới.
Steven cùng phát minh của mình.
Trong lần giới thiệu với các sếp, chiếc máy ảnh của Steven chỉ mất 50 mili giây để chụp ảnh nhưng nó mất tới 23 giây để hiển thị hình ảnh lên màn hình. Thời đó chưa có thẻ nhớ hay những thiết bị lưu trữ hiện đại, hình ảnh sau khi chụp được lưu vào một chiếc băng cassette. Steven sau đó có thể sử dụng một thiết bị khác để chiếu ảnh từ chiếc băng này lên màn hình rộng.
Chiếc máy ảnh ngày nào của Steven, nó được lưu trữ với một chiếc băng cassette.
Do sáng tạo, phát minh một mình nên thiết bị của Steven chưa hoàn hảo, nó tồn nhiều thời gian để vận hành. Sếp của ông tại Kodak tỏ ra thất vọng, ông cho rằng chẳng ai muốn xem ảnh trên một màn hình lớn như chiếc TV cả. Mặc cho Steven cầu xin sếp thêm thời gian, tài nguyên để hoàn thiện sản phẩm, Kodak vẫn từ chối phát minh này.
Quá trình “chiếu” ảnh từ băng cassette ra màn hình của Steven.
Chiếc DSLR đầu tiên trên thế giới
May mắn thay, các sếp tại Kodak không ngăn cấm Steven tiếp tục phát triển chiếc máy ảnh. Tới năm 1989, Steven cùng Robert Hills đã tạo nên chiếc máy ảnh kĩ thuật số có gương lật (DSLR) đầu tiên trên thế giới. Tất nhiên, Kodak không tài trợ, giúp đỡ cũng như ủng hộ sản phẩm này. Chiếc DSLR đầu tiên thậm chí có cả thẻ nhớ bên trong và hình ảnh được trình chiếu cũng nhỏ hơn, tiện cho việc theo dõi.
Vào năm 1991, Kodak có giới thiệu phiên bản số của chiếc Nikon F3, người chụp sẽ vác trên vai bộ thiết bị lưu trữ để lưu lại hình ảnh. Mặc dù vậy nó có giá lên tới 30.000$ và Kodak vẫn không chịu theo đuổi camera kĩ thuật số.
Tất cả các nhận định, nhà nghiên cứu hay một người bình thường cũng hiểu rằng, nếu Kodak tập trung phát triển máy DSLR, nó sẽ là bước tiến lớn cho công ty, một sản phẩm thay đổi thế giới. Nhưng không, một lần nữa, Kodak tiếp tục từ chối Steven.
Tàn cuộc
Mãi về sau này, người ta mới biết rằng không phải Kodak không nhìn ra tiềm năng của máy ảnh số, chỉ có điều họ cho rằng phát triển máy ảnh số sẽ đánh dấu chấm hết cho doanh số bán phim máy ảnh. Khi có những chiếc máy ảnh số trên tay rồi, sẽ chẳng có ai mua phim nữa.
Thời điểm bấy giờ, Kodak có nguồn thu chủ yếu từ bán phim máy ảnh cũng như in ấn, họ không dám liều mình chuyển sang những chiếc máy ảnh đó. Nhớ lại, Steven nói rằng ông nhắn nhủ với sếp rằng thời đại máy ảnh số sẽ đến, Kodak sẽ chẳng thể làm gì để ngăn cản nổi nó.
Cả Steven cùng người bạn Hills (hai người sáng tạo nên chiếc DSLR) đều cho rằng một chiếc máy ảnh như thế xuất hiện trên thị trường sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Một khi nó được ra mắt, đó sẽ là thứ to lớn tiếp theo mà con người biết tới.
Dycam Model 1, chiếc máy ảnh kĩ thuật số đầu tiên được bán ra tại Mỹ vào năm 1990.
Và đúng thế, chỉ vài năm sau phát minh của Steven cùng Hills, những chiếc máy ảnh kĩ thuật số đầu tiên bắt đầu được bán ra trên thị trường. Tất nhiên nó không tới từ Kodak. Người ta bắt đầu kéo nhau đi mua máy ảnh số do sự tiện lợi mà nó mang lại.
May mắn thay, những phát minh của Steven và Hills đều thuộc sở hữu của Kodak, mặc dù họ không chấp nhận, đầu tư cho những phát kiến trên, thế nhưng nhờ Steven và Hills, Kodak vẫn kiếm được hàng tỷ USD từ việc bán bản quyền chiếc máy ảnh số do nhân viên của mình phát triển.
Tới năm 2007, bản quyền camera số hết hiệu lực, nguồn thu từ phim ngày một giảm, Kodak vật lộn trước vô vàn khó khăn chỉ vì quyết định tham lam của họ ngày nào. Và tới năm 2012, Kodak chính thức nộp đơn xin phá sản, kết thúc khoảng thời gian dài từng thống trị thị trường.
Kết
Không ai biết trước tương lai sẽ ra sao, cũng chẳng ai có thể định đoạt số phận chính mình. Thế nhưng, đôi lúc chỉ vì quá ưa an toàn, ngại va chạm, thử thách chúng ta có thể hối hận vì những quyết định mình đã đưa ra trước đây.
Theo Trí Thức Trẻ/TH