Câu chuyệnKinh doanh
Coupang – ứng dụng được cho là “Amazon của Hàn Quốc” thua lỗ hàng tỷ USD
Coupang – ứng dụng được cho là “Amazon của Hàn Quốc” công bố khoản thua lỗ lên tới 1,7 nghìn tỷ won trong giai đoạn giữa năm 2015 và 2017.
Coupang chiếm được lòng khách hàng bằng dịch vụ thương mại điện tử chuyên biệt hóa tại Hàn Quốc, huy động được tới 1 tỷ USD từ ông trùm Nhật Bản Masayoshi Son. Và, đó có thể là lý do tờ CNBC cho rằng Amazon còn e dè chưa thể đặt chân vào thị trường Hàn Quốc.
Tuy nhiên hiện các chuyên gia phân tích đang đặt câu hỏi liệu từng đó có đủ để Coupang tồn tại khi mà các chaebol quyền lực nhất xứ kim chi cũng đang dùng nguồn lực sẵn có của họ để nhằm thống trị lĩnh vực mua sắm trực tuyến giống như cách họ làm với thế giới bán lẻ truyền thống.
Trong khi doanh thu của Coupang tăng thì chi phí cũng ở mức cao khiến thua lỗ lên tới mức 638 tỷ won (tương đương 592 triệu USD) vào năm ngoái. Các nhà bán lẻ được chống lưng bởi các chaebol lớn như SK và Lotte cũng đang xây dựng web bán hàng bằng số tiền họ kiếm được từ các cửa hàng vật lý, vây kín Coupang và khiến startup 8 năm tuổi này không còn không khí để thở.
Nhà sáng lập của Coupang
“Trong cuộc chiến tiền bạc, Coupang đang mất tiền và đó là điều họ khó có thể nỗ lực trong khi các công ty lớn hơn thì có. Họ đang phải cắt giảm biên lợi nhuận để tăng thị phần nhưng điều đó chưa đủ giúp họ giữ chân được khách hàng bởi lẽ đương nhiên khách hàng sẽ chỉ đến với những công ty có giá rẻ hơn mà thôi”.
Coupang nổi lên như một lực lượng mới của thị trường tiêu dùng Hàn Quốc vào năm 2010, vào thời điểm mà các hãng bán lẻ lâu đời chỉ đang tập trung bảo vệ mảng kinh doanh có lãi của họ. Cũng rất hiếm các câu chuyện startup thành công ở một đất nước mà 10 tập đoàn lớn nhất kiểm soát hơn 1/4 tổng tài sản của toàn bộ các doanh nghiệp.
Tham gia thị trường sớm giúp Coupang vẫn duy trì được vị thế đứng đầu nhưng khoảng cách đang được thu hẹp lại. Thị trường mua sắm trực tuyến Hàn Quốc đã tăng 19% trong năm ngoái lên tới 78,2 nghìn tỷ won.
Trong khi Coupang mới chỉ huy động được 1,8 tỷ USD vốn đầu tư thì các chaebol có sẵn túi tiền rủng rỉnh của họ. Lotte lên kế hoạch dành 3 nghìn tỷ won trong 5 năm tới để thúc đẩy mảng thương mại điện tử trong khi đó E-mart – chi nhánh bán lẻ của tập đoàn Shinsegae thì cam kết đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ won.
Được thành lập bởi sinh viên bỏ học Harvard có tên Bom Kim – Coupang khởi đầu theo mô hình của Groupon và hiện bán mọi thứ từ thực phẩm hữu cơ đến hàng điện tử tiêu dùng. Họ gần giống với Amazon. com bởi vừa bán hàng hóa của mình và của các bên thứ 3.
Trong năm 2014, một năm trước khi tập doàn Softbank của Son đầu tư và định giá công ty ở khoảng 5 tỷ USD, Coupang tuyên bố mở dịch vụ vận chuyển Rocket Delivery để cam kết chuyển hàng hóa đến tay khách hàng trong vòng 24 giờ. Nhưng, do phải giải quyết quá nhiều vấn đề liên quan tới pháp lý, Rocket đã dần trở nên quá đắt đỏ. Mảng này cần tới hàng nghìn nhân viên của Coupang và hơn 50 địa điểm chứa hàng, tiêu tốn của công ty 150 tỷ won vào năm ngoái. Trong khi các đối thủ cạnh tranh được rót vốn bởi các chaebol cũng quyết liệt chiến đấu điển hình là E-Mart tuyên bố họ sẽ chuyển hàng trong nửa ngày để đấu với Coupang.
Kể từ khi nhận đầu tư vào năm 2015, doanh thu hàng năm của Coupang tăng từ 1,1 nghìn tỷ won lên mức 2,7 nghìn tỷ won. Cùng thời điểm, họ cũng tuyên bố khoản thua lỗ lên tới 1,7 nghìn tỷ won trong giai đoạn giữa năm 2015 và 2017.
Coupang cũng dự kiến rằng thua lỗ có thể tiếp tục tăng do họ quan tâm tới việc phát triển lượng cơ sở khách hàng hơn là kiếm tiền trước khi nhắm tới khả năng IPO. Họ cũng coi Amazon là hình mẫu, và công ty này cũng thua lỗ nhiều năm trước khi có lãi.
Coupang cũng cạnh tranh với Ticket Monster – một hãng bán lẻ trực tuyến chống lưng bởi Groupon; KKR&C và WeMakePrice – đơn vị được chống lưng bởi công ty mẹ của nhà sản xuất game Nexon Co. Cả 3 startup đang cạnh tranh nhau và không hề có lợi nhuận khi mà Ticket Monster công bố mức thua lỗ 115 tỷ won vào năm ngoái còn WeMakePrice thua lỗ 41 tỷ won.
Khi mà một vài công ty thương mại điện tử chấp nhận bán giá rẻ hơn cả chi phí để chiếm thị phần thì hiển nhiên đến một thời điểm, túi tiện của họ sẽ cạn kiệt và cần thêm vốn để tiếp tục cuộc chiến.
“Câu hỏi quan trọng là khi nào Coupang có thể tiếp tục thu hút thêm vốn. Thị trường thương mại điện tử đang trong khủng hoảng bởi cuộc chiến giá rẻ mà Coupang đóng vai trò không nhỏ trong đó”.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg