Câu chuyệnKinh doanh

“Sản phẩm ghi “made in Vietnam” mà thực ra được “made” ở nước khác là một sự lừa dối!”

Ông Đỗ Hoà cho biết, với ông hàng hoá sản xuất ở đâu không thành vấn đề, không có sự kỳ thị sản phẩm nước nào hay thương hiệu của doanh nghiệp nào nhưng nếu biết sản phẩm ghi “made in Vietnam” mà thực ra được “made” ở nước khác là sự lừa dối đáng chê trách.

“Sản phẩm ghi “made in Vietnam” mà thực ra được “made” ở nước khác là một sự lừa dối!”

Chuyên gia marketing Đỗ Hoà

Một chiếc khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk có tới 2 nhãn mác, một là “Made in China” và một là “Made in Vietnam”, Hoàng Khải, ông chủ Khaisilk đã thừa nhận Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái.

Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo về việc kiểm tra, xem xét làm rõ các thông tin nêu trên. Trường hợp, có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.

Trước sự việc này, nhiều ý kiến bình luận dưới góc độ truyền thông, pháp luật, góc độ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng… đã được đưa ra. Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Hoà, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị cho biết, ông không bình luận về mặt pháp lý vì đã có nhiều người am tường pháp luật chia sẻ, ông chỉ nêu lên sự việc dưới góc độ bản thân về sự khác nhau giữa “made in Vietnam” và “made in China”.

Đặt vấn đề: “Tôi có mua và sử dụng hàng “made in China” không?”, ông Hoà khẳng định “có” mua bởi với ông, đơn giản là sản xuất ở đâu không thành vấn đề, miễn mình thấy chất lượng tương ứng với giá trị, và nếu mình có nhu cầu thì mình mua. “Tôi không có sự kỳ thị sản phẩm của nước nào hay thương hiệu của doanh nghiệp nào cả”, ông Hoà cho hay.

Còn hàng “made in Vietnam”, ông cho biết, mình cũng là sản phẩm “made in Vietnam” và ông chưa bao giờ tránh né câu hỏi “where are you from?”- (bạn đến từ đâu- PV) khi còn đi đây đi đó làm việc. “Tôi thỉnh thoảng có phê bình, chỉ trích một số dịch vụ, sản phẩm hàng hóa Việt Nam, nhưng cơ bản là vì tôi sử dụng và tôi muốn họ hoàn thiện hơn nữa”, ông Hoà nói thêm.

Quay lại vấn đề ý nghĩa về sự khác nhau giữa “made in Vietnam” với “made in China”, ông Hoà cho biết, nếu hai sản phẩm giống nhau về mặt chức năng, thì cho dù hàng “made in Vietnam” có kém chất lượng một ít, xấu hơn một tí, và kể cả giá cao hơn, ông vẫn có thể sẽ chọn mua hàng “made in Vietnam”.

“Từ khi thôi làm công ty nước ngoài, tôi thường mặc áo quần “made in Vietnam”, giày thể thao tôi cũng thường chọn giày “made in Vietnam”, cho dù giá đắt hơn “made in China”, “made in Thailand”. Gần đây tôi có nhu cầu mua thêm một smartphone, và tôi chọn mua một chiếc “made in Vietnam”, ông Hoà cho hay.

Lý giải nguyên nhân vì sao chọn mua hàng “made in Vietnam” khi có thể, ông Hoà cho biết, vì nhận thức rằng mua sản phẩm này là ông đã góp phần ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam, và quan trọng hơn là góp phần tạo ra, duy trì công ăn việc làm cho người Việt.

“Với quan điểm cá nhân như vậy, nên nếu biết một sản phẩm ghi “made in Vietnam” mà thực ra là được “made” ở nước khác, thì tôi coi đó là sự lừa dối đáng chê trách. Cũng cần nói thêm là khi còn làm CEO một doanh nghiệp, tôi đã phản đối việc đưa hàng “made in China” vào bán trong Hội chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao”, ông Hoà nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hoà, các doanh nghiệp nếu trước đây vì hoàn cảnh mà phải lừa dối người tiêu dùng, thì nên điều chỉnh lại chính sách kinh doanh ngay sau khi mình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Bởi kinh doanh chính trực không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là vì lợi ích của doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.

NGUYỄN THẢO

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close