Câu chuyệnKinh doanh

Khi doanh nghiệp truyền thông dựa trên sự sợ hãi bởi thông tin mập mờ

Khi dư luận đang hoang mang trước những thông tin mập mờ, đánh tráo khái niệm, thì việc truyền thông dựa trên nỗi sợ hãi có thể đã được tận dụng triệt để.

Công thức PAS kinh điển

Theo ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink, một công thức được xem là kinh điển, đặc biệt đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), đó là PAS. Đây là viết tắt của 3 từ: Problem (Vấn đề) – Agitate (Kích động) – Solution (Giải pháp).

P: Problem (vấn đề): Đó là đưa ra vấn đề nào đó mà xã hội lo sợ bằng hàng loạt phát hiện kinh hoàng trên báo chí.

A: Agitate (Kích động): Làm trầm trọng hóa bằng những đe dọa của những bằng chứng thực tế hoặc vẽ ra bởi các thế lực liên minh có chủ đích nhằm xã hội tẩy chay cái vấn đề đó. Phần này họ hay dùng các đòn bẩy từ các bên thứ 3 như số liệu nghiên cứu, các Tổ chức chuyên môn công bố, Quan chức thị sát…

S: Solution (Giải pháp): Sau khi cả xã hội lo sợ tránh xa sản phẩm cũ thì nhãn hàng mới tung sản phẩm của mình vào thay thế với giải pháp an toàn hơn. Nhãn hàng sẽ truyền thông thật mạnh để chiếm thị trường.

Khi doanh nghiệp truyền thông dựa trên sự sợ hãi bởi thông tin mập mờ

Nhiều doanh nghiệp truyền thông dựa trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng bởi những thông tin mập mờ, đánh tráo khái niệm

Ông Hà Anh Tuấn nhận xét  công thức này rất tốt nếu mục đích của nhãn hàng là chân chính, sự cảnh báo là có thật và đúng logic khoa học. Tuy nhiên, có nhiều nhãn hàng chơi chiêu bài lập lờ đánh lận con đen bằng cách tạo bằng chứng khoa học giả hoặc không đúng bản chất để gây hiểu lầm cho xã hội để nhằm mục đích áp dụng chiêu PAS để hạ đối thủ cạnh tranh.

Trong thời điểm đang khủng hoảng niềm tin về thực phẩm như hiện nay, công thức PAS dường như khá hiệu quả. Dĩ nhiên không phải bây giờ mà cách đây 10 năm, có một doanh nghiệp đã rất thành công khi áp dụng điều này với sản phẩm nước tương. Khi người tiêu dùng hoang mang với thông tin nước tương chứa chứa 3-MCPD gây ung thư thì doanh nghiệp này tung ra tuyệt chiêu nói rằng sản phẩm của mình không có 3-MCPD. Sản phẩm “cứu tinh” thị trường này đã giúp cho doanh thu của doanh nghiệp nói trên tăng lên gấp 3 lần.

Những ngày qua, công thức PAS dường như đang được “tái sử dụng” với sản phẩm nước mắm. Câu chuyện bắt đầu khi một tờ báo đăng tải nghi vấn hai nhãn hàng nước mắm công nghiệp với 17 phụ gia.

Tiếp đó, đến ngày 17/10, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) đã công bố kết quả khảo sát chất lương nước mắm trên toàn quốc với con số đưa ra là 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng cho phép. Và nước mắm có hàm lượng đạm càng cao thì hàm lượng thạch tín cũng cao tương ứng.

Điều đáng nói là ngay sau đó, đã xuất hiện quảng cáo của hai nhãn hàng nước mắm trên một tờ báo với thông điệp không thạch tín. Song song với đó là chiêu Viral Makerting (lan truyền thông tin trên mạng), thông qua các cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội với bản danh sách đầy đủ những nhãn hãng được cho là có sản phẩm nước mắm nhiễm asen.

Báo cáo của Vinastas cùng bản danh sách nước mắm nhiễm asen đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khiến người tiêu dùng hoảng hốt. Ngay lập tức có siêu thị đã nhanh tay hạ nước mắm truyền thống ra khỏi kệ hàng. Doanh nghiệp nước mắm truyền thống “kêu trời” vì bị trả lại hàng…

Gậy ông đập lưng ông

Khá may mắn trong câu chuyện “nước mắm nhiễm asen” lần này là người tiêu dùng đã không quá bị dắt mũi. Lý do là bởi các chuyên gia đã nhanh chóng lên tiếng, dù chính thức trên báo chí hay trên trang cá nhân của họ. Những thông tin rõ ràng về asen hữu cơ và asen vô cơ (thạch tín) được cộng đồng tự giác chia sẻ.

Theo đó, bản chất trong nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, khác với asen vô cơ (sử dụng liều cao gây ung thư, tử vong), asen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí có ở châu Âu còn cho phép hàm lượng asen trong nước chấm lên tới 30 mg/lít.

Cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống mà đại diện là VASEP, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Phan Thiết – Bình Thuận, Phú Quốc cùng với Hội Lương Thực Thực Phẩm TP Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng tự cứu mình bằng cách họp và gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.

Xét đề nghị của các hiệp hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có ngay thông tin chính thức về loại và hàm lượng asen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương xem xét việc công bố thông tin của Vinastas; giao Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động báo chí đối với trường hợp nêu trên.

Khi doanh nghiệp truyền thông dựa trên sự sợ hãi bởi thông tin mập mờ

Bộ Y tế khẳng định thông tin nước mắm có nhiễm thạch tín là không chính xác

Và sau 5 ngày kể từ khi Vinastas đưa ra công bố, chều tối 22/10, Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng sau khi lấy hàng trăm mẫu nước mắm để kiểm nghiệm rằng: ‘Thông tin nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho Asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác”.

Còn bên hàng Quốc hội chiều 22/10, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Trước việc các hiệp hội gửi đơn đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ việc Vinastas công bố thông tin thất thiệt gây thiệt hại không nhỏ cho những người sản xuất nước mắm truyền thống, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như nhiều cơ quan chức năng liên quan để làm rõ. Theo Bộ trưởng, ai đưa ra thông tin sai sự thật, dùng thủ đoạn để tung tin gây hoang mang, tạo dư luận xấu cho nhân dân thì phải được xem xét, xử lý.

Theo Tổng cục thống kê, người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200-7.500 tỷ đồng.

Đã có thời điểm, nước mắm công nghiệp chiếm lĩnh 75% thị phần, tuy nhiên thời gian gần đây, các sản phẩm nước mắm truyền thống dường như đang có dấu hiệu hồi sinh, trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguyên liệu tự nhiên, thay vì các sản phẩm công nghiệp.

Đối diện với nguy cơ mất đi phần nào miếng bánh béo bở, có lẽ doanh nghiệp nào đó đã sử dụng chiến dịch “truyền thông bẩn” để gây thiệt hại cho ngành nước mắm truyền thống. Nhưng lần này, chiến dịch khó thành công bởi “gậy ông đập lưng ông” khi người tiêu dùng đã thực sự tức giận do biết mình bị lừa dối bởi thông tin mập mờ, đánh tráo khái niệm.

Lan Trần/Congly.vn

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close