Ở phương Tây, thuật ngữ “Epic fail” để chỉ những thất bại thảm hại, tồi tệ chưa từng có trong lịch sử. Định nghĩa của “thất bại thảm hại” trong đời sống và kinh doanh: Khi bạn không “Cắm trại trong tâm trí” của khách hàng, người thân, con cái, nhân viên và sếp, thì bạn đã “thất bại thảm hại”!
Vậy chính xác cắm trại trong tâm trí có nghĩa là gì?
Cắm trại trong tâm trí người khác có nghĩa là bạn có thể đặt mình vào vị trí của người đó, thấu hiểu và cảm nhận cuộc sống dưới góc nhìn của họ.
Có rất nhiều công ty tốn kém nhiều chi phí để quảng cáo, thu hút và thuyết phục khách hàng mua hàng, nhưng sau đó họ quên luôn khách hàng, quên rằng đó cũng là một con người, có mong muốn riêng. Đây là một tình huống để mô tả việc quên lãng khách hàng diễn ra đơn giản như thế nào. Khi mới thành lập công ty, tất cả mọi người đều rất nhiệt huyết và cống hiến hết mình để thấu hiểu những khách hàng đầu tiên. Thế rồi doanh nghiệp bắt đầu phát triển mạnh mẽ, số lượng nhân viên cũng tăng theo nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nếu là một công ty luật ban đầu chỉ có bốn khách hàng, giờ đây tăng đến 100. Công ty bán hàng trực tuyến mới mở chỉ có 10 người mua hàng mỗi tháng giờ con số tăng lên đến 500. Và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Bạn trở nên vô cùng bận rộn, chỉ tập trung vào quản lí công ty, thực hiện các chiến dịch phát triển mà quên đi cảm xúc của khách hàng.
Trong nhiều trường hợp, bạn thờ ơ hoặc quên đi những gì đang diễn ra trong tâm trí khách hàng, bạn quên “cắm trại trong trong tâm trí” họ. Bạn ngừng tập trung vào những nỗi sợ, mong muốn, hay thực sự họ cần gì ở bạn. Thay vào đó, bạn chỉ tập trung vào quá trình và hệ thống. Đương nhiên bạn cần tất cả những điều này cho công việc kinh doanh nhưng khi bạn ngừng quan tâm tới suy nghĩ của khách hàng, họ sẽ cảm thấy mất đi sự kết nối với bạn và chính bạn ngăn mình tiến lên mức thành công cao nhất.
“Cắm trại trong tâm trí” thậm chí còn có thể được sử dụng trong bất kì khía cạnh nào trong cuộc sống của bạn – với sếp của bạn, đồng nghiệp của bạn, vợ/chồng bạn và thậm chí là với con của bạn. Có những người bận rộn đến nỗi họ bỏ lỡ khoảng thời gian dành cho con cái. Để rồi khi họ muốn gần bên con cái thì bọn nhỏ ngày xưa giờ đã lớn hoặc không cần đến sự quan tâm đó nữa.
Bạn nghĩ việc biết tất cả tên bạn của con mình sẽ giúp mối quan hệ giữa bạn và con thay đổi thế nào? Sẽ ra sao nếu bạn biết con đang chững lại ở đâu, chúng đang chật vật ở lớp nào, chúng thích/không thích giáo viên nào, xu hướng của bọn trẻ hiện nay là gì, chúng thích mẫu bạn trai/bạn gái như thế nào?
Thay vào đó, sẽ thế nào nếu bạn nhìn vào mắt các con và hỏi chúng nhiều câu hỏi mà bạn biết chắc qua đó giữa hai bên sẽ có một cuộc nói chuyện đầy kết nối và đẩy mối quan hệ tốt hơn? Sẽ thế nào nếu thay vì nói “Hôm nay thế nào con?”, bạn hỏi, “Hôm nay tan học con và bạn A có chơi bóng bầu dục hay bóng rổ cùng nhau không, hay hai đứa chỉ đọc sách thôi? À đúng rồi, bố nghĩ chắc là hai đứa đọc sách thôi vì ngoài trời hôm nay rất nóng. Hai đứa vẫn đọc cuốn sách B chứ?”
Hay giả như bạn có con gái lớn tuổi hơn và biết rằng con bé đang bực bội trong công việc, thay vì hỏi “Công việc thế nào rồi con”, bạn có thể hỏi những câu như, “Cái cậu C vẫn làm con chậm tiến độ đấy à? Con có dự định đến Singapore vào tháng Bảy nữa không?”
Bạn sẽ không còn những cuộc đốc thoại và hỏi những câu hỏi chung chung nữa. Thay vào đó, các con của bạn sẽ hiểu sự quan tâm và mong muốn gần gũi hơn của bạn.
Một trong những điều tệ hại đặc biệt là trong các công ty tập đoàn lớn, là khi một hội đồng lãnh đạo đang quyết định xem khách hàng muốn và cần gì. Mọi người mua những gì họ muốn, không nhất thiết phải là những gì họ cần, nhưng hãy cùng bàn luận xem điều gì thực sự quan trọng sau khi họ đã trở thành khách hàng của bạn.
Khi công ty đã dành tặng nhiều lợi ích và sản phẩm tốt vậy mà khách hàng vẫn không tiếp tục mua hàng, đó là vì công ty chưa “cắm trại trong tâm trí” khách hàng. Nếu “hội đồng” chỉ tự giả định nhu cầu khách hàng mà không trực tiếp lắng nghe họ thì thất bại đã được định sẵn.
Để có thể tránh kết quả này, dưới đây là một số chiến lược để “cắm trại”:
– Gửi khảo sát đến cho khách hàng để xem họ muốn và cần gì
– Gặp trực tiếp khách hàng hỏi về điều họ mong muốn
– Tổ chức trao thưởng để động viên khách hàng tham gia khảo sát
– Hiểu về nhu cầu khách hàng và xu hướng thông qua công cụ theo dõi website, mạng xã hội.
– Không bao giờ đặt giả thiết về nhu cầu khách hàng mà không dựa vào phản hồi, dữ liệu.
Tất cả những chiến lược trên có thể giúp bạn lắng nghe và “cắm trại trong tâm trí” khách hàng. Cho phép họ nói với bạn điều họ muốn để bạn cung cấp cho họ.
Theo Trí Thức Trẻ