Khám pháQuản trịSốngTruyền thông

Mồ hôi trên đất đỏ

Hoa cà phê nở nhanh, tàn cũng vội, để kịp thai nghén ra những “hạt ngọc” của Tây Nguyên. Cà phê ở vùng đất này được gọi một cách mỹ miều như vậy, không phải bởi cà phê làm cho vùng đất này nổi tiếng toàn cầu, mà bởi mỗi hạt cà phê cần tới 9 tháng 10 ngày để đơm hoa và kết trái, trên mỗi gốc cà phê là tâm tình, là ước vọng, là mồ hôi và cả nước mắt của biết bao người vùng đất đỏ bazan.

Về với Buôn Ma Thuột, thủ phủ của Tây Nguyên những ngày này, cà phê là câu chuyện được nhắc tới khắp mọi nơi. Giá cà phê đã qua thời giông bão, đạt mức cao nhất 5 năm trở lại đây, trên 45 triệu đồng/tấn mà như người nông dân ở đây chia sẻ là “đã chấp nhận được”, nhưng dù có vậy có những nỗi lo vẫn cứ vơi đầy.

Ea Tu, một xã nằm không xa thành phố Buôn Ma Thuột, nếu chỉ đi qua có lẽ dễ cảm nhận sự trù phú của cư dân nơi đây. Những vườn cà phê xanh ngát, trồng xen lẫn là mít, là tiêu…, những mái nhà kiên cố và không khó gặp những xe hơi biển trắng đậu trước hiên nhà.

Nhưng không, Ea Tu nằm trong danh sách những xã gặp khó khăn. Với phần đông đồng bào dân tộc trong xã, trồng cà phê kỹ thuật cao chỉ là khái niệm mới được nghe nói tới. Công nghệ tưới nhỏ giọt, bón phân theo phân kỳ sinh trưởng, cà phê có chỉ dẫn địa lý, cà phê organic… là câu chuyện còn khá xa vời.

Thiếu vốn, thiếu hiểu biết về quy trình kỹ thuật canh tác, sự thoái hoá đất đai cũng như sự lão hoá của cây cà phê… khiến năng suất của rất nhiều hộ trồng cà phê nơi đây chỉ trên dưới 1 tấn/ha, mức bằng ¼ so với những khu vực trồng được chăm bón tốt. Với năng suất này, không ít hộ trồng cà phê thua lỗ, không trả nợ được ngân hàng.

Hoa cà phê vẫn trắng, và đàn ong vẫn đi lấy mật, nhưng điệu trầm bổng của tiếng cồng chiêng vẫn khó cất lên.

Dẫn chúng tôi đi xuyên khu vườn của một người dân Ea Tu, ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinacafé Biên Hòa cho biết, ở Tây Nguyên còn nhiều vùng gặp khó khăn với cây cà phê, không chỉ ở khu vực này. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu chung ở 3 vấn đề tái canh, đất trồng và kỹ thuật thu hoạch chế biến.

Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Đắk Lắk, thì cà phê trên 20 năm tuổi chiếm 23,5% diện tích, từ 15 đến 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích. Chiếm 92,79% chủ yếu vẫn là các giống thực sinh cũ, chất lượng kém, không thể thích ứng vời những diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

img
92,79% DIỆN TÍCH, chủ yếu vẫn là các giống thực sinh cũ, chất lượng kém

Chính những lý do này đã, đang và ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến năng suất thu hoạch của người trồng cà phê. Việc thực hiện tái canh cũng gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do người nông dân thiếu vốn, thiếu kiến thức về kỹ thuật tái canh lẫn khả năng tiếp cận nguồn vốn, chần chừ trong việc tái canh vì phải mất đến 2-3 năm không có thu hoạch từ cây cà phê, do đó đời sống người nông dân khó khăn do không có thu nhập nào khác.

Biến đổi khí hậu, thâm canh, chạy theo lợi nhuận, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý… đã khiến đất trồng cà phê tại Đắk Lắk ngày càng xuống cấp, thoái hóa trầm trọng. Trong khi đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của người nông dân về việc như việc sử dụng phân bón, kỹ thuật bón phân cho loại đất trong từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây không đúng quy trình, khuyến cáo của các nhà sản xuất đã ảnh hưởng nhiều đến dộ phì nhiêu của đất. Ngoài ra, người nông dân cũng chưa nắm vững kỹ thuật nên dẫn đến lạm dụng nước, lượng nước tưới dư thừa cuốn theo (gây thất thoát) nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc cà phê Việt Nam mất sản lượng và giảm chất lượng sau thu hoạch, đó là thói quen thu hoạch hạt cà phê xanh và chín lẫn lộn. Cũng theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Đắk Lắk, tỷ lệ quả chín của sản phẩm thu hoạch đạt yêu cầu kỹ thuật (đạt 90%) chỉ chiếm có 2%, còn lại phần lớn có tỷ lệ quả chín từ 70% – 90%, chiếm 58%, đây là yếu tố chính làm giảm chất lượng sản phẩm cà phê tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua. Ngoài ra, kỹ thuật sơ chế, phơi sấy, bảo quản hạt cà phê thu hoạch của người trồng cà phê còn non kém cũng dẫn đến chất lượng hạt nát vụn, ẩm mốc.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã “ghi danh” trên thị trường cà phê thế giới với vị thế là nước xuất khẩu cà phê số 1 (phần lớn là Robusta). Vị trí này là một niềm tự hào, một tín hiệu lạc quan đối với những người yêu cà phê Việt Nam nói chung. Nếu chia thế giới cà phê theo hai thái cực Arabica và Robusta, Việt Nam sẽ là “cường quốc” Robusta, và vị trí còn lại “cường quốc” Arabica thuộc bề Brazil.

Trên thế giới, Arabica chiếm khoảng 80% chủng loại cà phê, được trồng nhiều ở các nước Nam – Trung Mỹ như Brazil, Colombia, Mexico, một số nước Châu Phi…Khoảng 20% còn lại là loại Robusta được trồng nhiều nhất tại một số nước nhiệt đới xích đạo, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, xét về sản lượng cung cấp cho thị trường toàn cầu, hạt cà phê Robusta tương đối “hiếm” so với Arabica.

Với ngành cà phê, còn có một niềm tự hào khác đó là Việt Nam đã có những nhà chế biến lớn như VinaCafé, Trung Nguyên,… làm chủ thị trường nội địa và xuất khẩu cà phê thành phẩm đi các nước khác.

Nhưng có lẽ là chưa đủ, cũng theo ông Vũ, nếu so với những thương hiệu nổi danh toàn cầu về cà phê chế biến như Starbuck, Nestlé thì các doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhỏ bé. Ngành cà phê toàn cầu đã thu mua những hạt cà phê do Việt Nam sản xuất với giá 2 USD/kg và để chế biến thành phẩm với giá bán tương đương 100 USD/kg, gấp 50 lần.

Làm sao để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân Việt Nam luôn là điều mà ông Vũ và những người phục vụ ngành cà phê trăn trở.

Đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân trồng cà phê Tây Nguyên, nhưng vẫn là chưa đủ để thay đổi toàn bộ diện mạo ngành cà phê vùng đất đỏ bazan.

“Cách đây 10 năm, cây cà phê đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu người nông dân, nhưng những năm gần đây cà phê cũng mang lại không ít những nỗi niềm, năng suất và chất lượng hạt cà phê đều suy giảm dẫn đến giá trị hạt cà phê không tương xứng với công sức mà người nông dân bỏ ra”, ông Vũ nói và cho biết, ông và các doanh nghiệp đồng hành đã quyết làm “một điều nho nhỏ” cho vùng đất này, cho “cái nghiệp cà phê” mà ông gắn bó suốt 30 năm qua.

Theo đó, hai công ty Vinacafé Biên Hòa và Phân bón Bình Điền sẽ cùng đơn vị quản lý là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk và Trung tâm Khuyến nông sẽ tiến hành các bước khảo sát, đánh giá và xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng theo chuỗi và năng suất cao. Thông qua chương trình sẽ đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất cà phê chất lượng, gom các hộ đang canh tác nhỏ lẻ thành một vùng canh tác tập trung, để nâng cao năng suất cho 06 thôn và 06 buôn tại Ea Tu, Buôn Ma Thuột.

Chương trình này được xây dựng với sự chung sức, đồng lòng của “4 nhà”…với chiến lược xuyên suốt là đặt yếu tố con người làm trọng tâm, hướng đến lợi ích lâu dài của người nông dân trồng cà phê, từ đó tạo đà phát triển bền vững, cải thiện được đời sống của người nông dân trên chính mảnh đất được thiên nhiên ban tặng và góp phần nâng cao vị thế cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.

Sau khi triển khai và đánh giá kết quả, chương trình sẽ được hoàn thiện tiếp tục mở rộng ra các khu vực khác tại Đắk Lắk và Tây Nguyên, sẽ còn có thêm các doanh nghiệp khác ngoài Vinacafé Biên Hòa và Bình Điền tham gia chương trình ý nghĩa này.

Ngành cà phê Việt Nam vẫn đang phát triển, có những tín hiệu vui khi giá cà phê tăng trở lại, tỷ trọng lượng cà phê qua chế biến được xuất khẩu đã tăng lên, thị trường xuất khẩu mở rộng, những chương trình đầu tư vào thủ phủ cà phê Tây Nguyên vẫn được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng. Trong nhịp điệu phát triển đó, có những ước mong nho nhỏ để mỗi hạt mồ hôi đổ xuống trên đất đỏ Tây Nguyên không còn mặn chát.

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close