CEO ViệtNhân vật

Ông Trần Lệ Nguyên: Tôi nhận thấy mình như một bác sĩ khi tiếp quản Tường An

Tường An là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dầu ăn nhưng hiệu quả kinh doanh quá thấp. Với vị trí chủ tịch HĐQT, ông Nguyên cho biết mình sẽ “bắt mạch từ từ để tìm ra tìm ra bệnh của Tường An và chữa bệnh dần”.

Ngày 6/10, đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) đã bầu bổ sung hai thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ còn lại 2012- 2017 là ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Hạnh. Trong đó, ông Trần Lệ Nguyên được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyên cũng chính là tổng giám đốc của Tập đoàn KIDO (KDC) – doanh nghiệp đang tiến hành chào mua công khai 65% cổ phần của Tường An.

Sau đại hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với tân chủ tịch Trần Lệ Nguyên về những dự định của ông tại Tường An trong thời gian tới.

KIDO chi tới 963 tỷ đồng mua Tường An, đây có phải là động thái nhằm đưa KIDO vươn lên vị trí số 1 trong ngành dầu ăn?

Đúng như vậy. Mức giá 78.000 đồng cho một cổ phiếu TAC là mức giá cao nhưng Tường An là doanh nghiệp có nền tảng tốt. Tài sản lớn nhất của Tường An là thương hiệu này đã ăn sâu vào người tiêu dùng Việt hơn 40 năm nay. Tôi mong muốn đóng góp giá trị đưa Tường An trở về với hào quang của những thập niên 90.

Mong muốn của KIDO sau khi mua chi phối 65% cổ phần của Tường An là phủ đủ 450.000 điểm bán mặt hàng dầu ăn trên toàn quốc. So với độ phủ của ngành bánh kẹo chỉ hơn 100.000 điểm, mì gói 220.000 điểm thì quy mô thị trường ngành dầu ăn còn rất lớn, nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển.

Nếu làm tốt hệ thống phân phối này, trong tương lai, các nhà đầu tư nước ngoài vào VN sẽ tìm tới mình và đó cũng là tiền đề để phát triển thêm nhiều sản phẩm sau này. Trước mắt, ngành đông lạnh đang phát huy tốt hệ thống này, chúng tôi cũng đang nghĩ tới việc mở rộng hệ thống phân phối thông qua các thương vụ M&A khác.

Quan trọng hơn, dầu ăn là ngành hàng thiết yếu, gia đình nào cũng cần và chúng tôi muốn mình làm thật tốt để đáp ứng nhu cầu này.

Sau đại hội cổ đông bất thường này, KDC cũng mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex. Cùng với 27% cổ phần được nắm giữ bởi Vocarimex, KIDO sở hữu tổng cộng 92% cổ phần TAC.

Hiện tại, KIDO sở hữu 24% vốn Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và có kế hoạch tăng sở hữu tại doanh nghiệp này lên trên 51%.

Ông sẽ làm gì ngay sau khi tiếp quản Tường An?

Tường An là doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường dầu ăn Việt Nam, nhưng do thiếu sự quyết liệt, thay đổi mạnh mẽ nên đã bị các thương hiệu ngoại lấn lướt. Tôi nhận thấy mình như một bác sĩ khi tiếp quản Tường An, sẽ bắt mạch từ từ để tìm ra những “bệnh” và chữa bệnh dần.

Làm kinh doanh, ngại nhất là không có doanh số, nhưng Tường An có, mình chỉ quản trị thật tốt để tăng hiệu quả hơn mà thôi. Các khoản đầu tư của KDC vào dầu ăn không phải là đầu tư mạo hiểm, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng.

Tại sao công ty có doanh thu tới 4.000 tỷ nhưng tỷ suất lợi nhuận lại rất thấp chỉ có vỏn vẹn 2%. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều sản phẩm tốt hơn tốt cho sức khỏe, chất lượng cao, phân khúc này ở thị trường dầu ăn các công ty nước ngoài gần như nắm hết và đây cũng là mảng đem lại nhiều lợi nhuận cao, ít nhất cũng 4-5%. Nếu mình cải thiện từ 2 lên 4% thì cũng mang lại thêm vài trăm tỷ đồng.

Có thể sang năm 2017, những thay đổi này sẽ được nhìn thấy và phát huy hiệu quả. Tôi tin tỉ suất lợi nhuận khi đó có thể tăng trên 50% so với mức khiêm tốn hiện nay.

Trước mắt, Tường An sẽ tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của KIDO để mở rộng thị trường, trong đó đẩy mạnh thị trường phía Bắc vốn bị bỏ ngỏ thời gian dài vừa qua.

Thực tế, từ trước đến nay Tường An cũng chi những khoản khổng lồ cho quảng cáo nhưng không hiệu quả, không đủ sắc bén để thâm nhập vào nhận thức của người tiêu dùng. Điều này cho thấy cứ bỏ nhiều tiền ra là được mà cần cung cấp cho người tiêu những thông tin về sản phẩm, họ hiểu nó an toàn, tốt thì mới chịu xài.

KIDO được xem rất mặn mà các thương vụ M&A, ông có quan tâm những cuộc IPO của các công ty Nhà nước lớn gần đây không?

Tại sao lại không chứ? Thông thường, các doanh nghiệp nhà nước sau khi có sự tham gia quản trị của khối tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài đều phát triển tốt.

Đơn cử như việc KIDO đã mua lại Vocarimex. Khi chúng tôi mua, giá cổ phiếu chỉ có 13.500 đồng nhưng nay khi lên sàn đã là gần 30.000 đồng. Giá trị doanh nghiệp tăng lên nhiều và bản thân nhà nước cũng được hưởng lợi từ quá trình cổ phần hóa do quản trị minh bạch, hiệu quả hơn.

Có những đột phá mà chỉ tư nhân mới làm được. Việc nhà nước thoái vốn các công ty lớn đem lại rất nhiều lợi ích cho các bên. Chúng tôi sẽ chọn thời điểm phù hợp để tham gia.

Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia mua công ty nhà nước họ chỉ cần thị phần của doanh nghiệp. Trong khi các công ty trong nước sẽ muốn giữ lại thương hiệu. Đó là điều mà chính phủ rất quan tâm.

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close