Câu chuyệnKinh doanh

Những lợi ích từ số hóa cho SMEs

Số hóa doanh nghiệp là đòn bẩy thúc đẩy năng suất và giảm chi phí, củng cố năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vốn đang chiếm đến 98% số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Khối SMEs chiếm 98% số doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp 43% GDP, sử dụng hơn 50% lực lượng lao động, theo số liệu năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, đến 80% SMEs đang hoạt động chủ yếu ở môi trường ngoại tuyến, vậy nên cần đẩy mạnh số hóa, tiếp cận công nghệ mới nhằm gia tăng năng lực kinh doanh.

Số hóa để mở rộng cơ hội

Sự phát triển của internet đã phá bỏ các rào cản truyền thống khiến các doanh nghiệp lớn khó có thể độc diễn các mô hình kinh doanh, mà là cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia thị trường. Tuy nhiên các SMEs đang gặp nhiều thử thách về cách thức tiếp cận môi trường số.

Theo bà Pearl Nguyen – Giám đốc phát triển kinh doanh của Google tại Việt Nam, những thách thức đó là do các yếu tố cơ bản như: thiếu nhận thức về lợi ích của internet trong khi lại quan niệm rằng chi phí cao và không có khả năng tiếp cận vốn. Họ cũng thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ hoặc thời gian trong khi bị phụ thuộc vào các giao dịch ngoại tuyến bằng tiền mặt và lo ngại về bảo mật trực tuyến.

Chia sẻ kinh nghiệm về số hóa cho lĩnh vực marketing, bà Trần Lê Quỳnh Anh – Giám đốc tiếp thị số Coca Cola Việt Nam cho rằng, thách thức với người phát triển thị trường là liên kết được kênh trực tuyến và ngoại tuyến để hoàn thành các giao dịch kinh doanh. Làm sao để khách hàng luôn giữ được sự phấn khích trong suốt quá trình trải nghiệm và thu hút họ ngay ở kênh ngoại tuyến. Nếu kênh trực tuyến cho phép xác định được mục tiêu tiếp cận thì các giao tiếp tại cửa hàng giúp gia tăng giao dịch, thúc đẩy doanh số.

Ông Daryl Tay – Giám đốc điều hành UPS Việt Nam chia sẻ, các SMEs cần hiểu được xu thế số hóa của nền kinh tế với những giải pháp và mô hình kinh doanh mới, sáng tạo đang diễn ra hằng ngày. Xu thế toàn cầu cho thấy các doanh nghiệp không còn tiếp cận theo cách truyền thống mà dịch chuyển lên môi trường số để mở rộng phạm vi kinh doanh, chính là cơ hội lớn cho các SMEs.

Châu Á đang chiếm đến 60% miếng bánh thương mại điện tử toàn cầu, dự kiến đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2020, chỉ riêng Trung Quốc ước doanh thu 1.000 tỷ USD. Các SMEs Việt Nam cần lưu ý, ASEAN đang nằm trong khu vực tăng trưởng nhanh dựa vào tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.

“Như vậy, các SMEs cần dịch chuyển lên môi trường số và gia nhập chuỗi cung ứng điện tử để định hướng người dùng và mở rộng phạm vi thị trường”, Daryl Tay khuyến cáo.

Giảm chi phí, tăng năng lực

Bà Nguyễn Thanh Mai – chủ một công ty nhỏ chuyên sản xuất và cung cấp hương liệu cho hệ thống spa ở TP.HCM chia sẻ: doanh nghiệp của bà lần đầu tiếp cận IT với chi phí đầu tư phần mềm cả chục triệu đồng nhưng lại không có người quản lý IT.

Sau khi tư vấn nhiều nơi, bà chọn mua phần mềm Fast chạy trên nền đám mây Azure của Microsoft. “Ban đầu tôi cũng băn khoăn khi có sự cố thì làm sao, nhưng thấy thuyết phục về khả năng vận hành 24/7 lại không cần cài bản quyền, việc triển khai chỉ trong một giờ và chi phí khoảng 5 triệu đồng/năm là phù hợp với khả năng của mình nên tôi chọn lựa”, bà Mai cho biết.

Ông Nguyễn Quang Tuyến – đại diện công ty Fast chia sẻ nhiều khác biệt của việc số hóa IT trên nền tảng “đám mây” (như Azure) so với các nền tảng truyền thống là rút ngắn thời gian triển khai cơ sở hạ tầng máy chủ trung bình 4 – 6 ngày xuống còn 1 ngày, triển khai trực tiếp mà không cần qua nhà cung cấp thứ 3 như trước đây.

Việc không cần đầu tư máy chủ cũng giúp chi phí đầu tư ban đầu giảm xuống, trong khi chi phí vận hành linh hoạt theo nhu cầu sử dụng, doanh nghiệp không phải chi phí bảo trì hoặc thuê nhân lực mà chỉ cần bảo mật user admin.

Xu hướng nổi trội của doanh nghiệp ngày nay là tận dụng nền tảng điện toán đám mây để triển khai nhanh các ứng dụng phục vụ kinh doanh. Theo ông Trương Văn Quang – chuyên gia tư vấn chiến lược của Microsoft Việt Nam, xu hướng dịch chuyển lên môi trường số (digital transformation) là để tăng trưởng kinh doanh và giảm thiểu rủi ro.

Nền tảng đám mây linh hoạt cung cấp sự chuyển đổi số giúp các SMEs ứng dụng công nghệ với chi phí phù hợp hơn. Đồng thời tạo cơ hội để đánh giá lại toàn bộ quy trình vận hành – sản xuất – kinh doanh, mới có thể mạnh dạn trao quyền cho nhân viên thúc đẩy bộ máy vận hành linh hoạt để kịp thời thay đổi sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

Dự báo đến năm 2020, mỗi giờ có khoảng 1 triệu thiết bị mới kết nối vào internet trên toàn cầu, qua đó sẽ gia tăng các cơ hội kinh doanh nhưng đồng thời là thách thức khi doanh nghiệp chậm thay đổi. Theo ông Quang, đến 2025 khoảng 60% doanh nghiệp phải dịch chuyển lên “đám mây” nhằm ưu tiên xử lý các tài nguyên dữ liệu, thúc đẩy nền tảng dữ liệu lớn (big data) tăng trưởng nhanh và quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ông Quang so sánh, trước đây nếu ứng dụng Microsoft Exchange Server thì kích thước doanh nghiệp ít nhất cũng từ 200 khách hàng trở lên, hiện nay ngay cả những start up 5 – 10 người, thậm chí 1 người vẫn có thể sử dụng theo nhu cầu. Hoặc trước đây doanh nghiệp sử dụng hệ thống ERP Dynamics của Microsoft phải đầu tư đến vài triệu USD thì hiện nay chi phí chỉ vài chục ngàn.

“Tất cả các nhà cung cấp đang dịch chuyển công nghệ “lên mây”, đóng gói và cung cấp cho người dùng với chi phí ngày càng thấp hơn và an toàn hơn. Điều đó tạo ra cơ hội lớn hơn bao giờ hết để xóa bỏ khoảng cách giữa các mô hình doanh nghiệp lớn – nhỏ”, ông Quang chia sẻ.

HOÀNG DUY

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close