Cách sốngSống

Niềm tin sai lầm này có thể là lý do giờ này bạn vẫn chưa thành công

Có phải người ta thành công bởi họ được sinh ra với tài năng để chiến thắng?

Niềm tin sai lầm này có thể là lý do giờ này bạn vẫn chưa thành công

Niềm tin sai lầm: Những người có tài năng được sinh ra để thành công

Chúng ta thường nghĩ nhiều người thành công bởi họ có tài năng. Bằng cách nào đó, chúng ta tin rằng họ được sinh ra để thành công. Thậm chí, một số người còn khuyên bạn: Nếu không đủ tài năng thì tốt nhất hãy bỏ cuộc. Bạn không phải được sinh ra để trở thành nghệ sĩ piano hay một họa sĩ tài năng, nếu bạn không có duyên kinh doanh, hãy ngừng lãng phí thời gian.

Đó là niềm tin sai lầm!

Tài năng có thể là một lợi thế lớn cho nhiều người, nhưng thành công không chỉ dựa vào điều này. Thành công là kết quả của rất nhiều yếu tố. Vì thế, trước khi đổ lỗi cho sự “tầm thường” của bản thân, bạn cần biết: Tài năng là kết quả của sự luyện tập từ sớm. Năng khiếu bẩm sinh không thể giúp bạn chơi quần vợt giỏi hay giải toán nhanh. Nếu không có sự luyện tập, mọi tài năng tự nhiên đều bị lãng phí.

Tài năng không phải yếu tố duy nhất làm nên thành công. Nếu bạn không có tài năng, bạn có thể nỗ lực bằng nhiều con đường khác đạt được mục tiêu. Lý do những người thành công có vẻ là “những người có tài” rất đơn giản: Họ bắt đầu thực hành những kỹ năng rất sớm, từ khi chưa ai chú ý tới họ. Họ nỗ lực rất nhiều trong một khoảng thời gian dài.

Không ai là người bất tài, chúng ta chỉ thiếu kiên nhẫn

Khi bạn nói bản thân không đủ tài năng để làm điều gì, nghĩa là bạn thực sự cảm thấy khó khăn, trở ngại ngay từ đầu. Điều bạn cần làm là kiên nhẫn và tin rằng thực hành, rèn luyện những kỹ năng sẽ giúp bạn tiến bộ từng ngày.

Tay vợt nổi tiếng Roger Federer chưa bao giờ bỏ cuộc. Bắt đầu cầm vợt từ khi 4 tuổi, Federer chắc chắn có năng khiếu với môn tennis. Nhưng, anh sẽ không thể giành được nhiều danh hiệu Grand Slam nếu không khổ công luyện tập trong nhiều năm qua. Federer bắt đầu theo con đường quần vợt chuyên nghiệp từ năm 8 tuổi và chưa từng dừng luyện tập trong suốt những năm qua.

Tương tự, thiên tài piano Lang Lang hàng đầu Trung Quốc bắt đầu học piano từ khi 3 tuổi. Trớ trêu thay, lúc 9 tuổi Lang Lang từng bị giáo viên nhạc cho là “không có năng khiếu”. Nhưng, may mắn thay Lang Lang đã không bỏ cuộc và tiếp tục dốc sức luyện tập. Vì thế chúng ta mới có nghệ sĩ tài năng Lang Lang như hôm nay.

Tiến lên là can đảm, lùi lại là hối tiếc. Trong cuộc sống, bạn phải dũng cảm đối mặt với các thách thức. Nếu chùn bước, từ bỏ trước những khó khăn, bạn sẽ không bao giờ thành công và sẽ phải hối tiếc vì những cơ hội đã bị bỏ qua. Thành công phụ thuộc vào sự kết hợp giữa nỗ lực và kiên trì thực hành nhiều hơn là khả năng thiên bẩm.

Những người thành công không chỉ thực hành, họ luyện tập theo cách thông minh hơn

Các nhà nghiên cứu từ đại học Johns Hopkins nhận ra, con người có thể cải thiện công việc bằng cách thực hành có hiệu quả các kỹ năng chuyên môn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thử những cách thực hành khác nhau đem lại hiệu quả rõ rệt hơn so với việc lặp đi lặp lại quá trình giống nhau. Quá trình luyện tập đó giúp não của bạn làm việc hiệu quả hơn, cải thiện kỹ năng nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn.

Ví dụ, khi luyện tập piano, thay vì cứ chơi đi chơi lại một bản nhạc, bạn hãy phân chia thời gian và tập trung vào các kỹ thuật chơi khác nhau. Bạn có thể chơi nhanh hơn, chậm hơn, thay đổi phong cách bản nhạc để những buổi thực hành không nhàm chán. Thực hành không hẳn chỉ là sự lặp lại, những người thành công không chỉ luyện tập nhiều hơn, họ còn luyện tập theo cách thông minh hơn.

Thực hành là nhân tố hàng đầu làm nên một tài năng. Đã đến lúc quên việc bạn có tài hay không, hãy bắt tay vào thực hành và hoàn thiện bản thân để sở hữu bất cứ điều gì bạn mơ ước.

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close