Nhân sựQuản trị

Bí kíp cho buổi phỏng vấn thành công: Chớ ‘khua môi múa mép’ những lời lẽ vô giá trị!

Quả thực là ‘Nói nhiều không bằng nói đúng’. Thay vì chuẩn bị trước quá nhiều thứ, bạn hãy ghi nhớ ngay những từ khóa đầy sức thuyết phục này để áp dụng trong buổi phỏng vấn xin việc sắp tới nhé!

 

Bí kíp cho buổi phỏng vấn thành công: Chớ 'khua môi múa mép' những lời lẽ vô giá trị!

Mục đích chính của một buổi phỏng vấn là gì? Với ứng viên, đây là cơ hội để họ thể hiện bản thân cũng như năng lực, thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn mình. Còn với các nhà tuyển dụng, đây là cơ hội để họ trực tiếp đánh giá năng lực của ứng viên và chọn được những nhân viên mới phù hợp với tiêu chí của công việc và công ty. Vậy nên, những biểu hiện hay cách ứng xử, nói năng của các ứng cử viên trở thành yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của một cuộc phỏng vấn.

Ngoài cách cư xử đúng mực và lịch sự, điều các ứng viên nên đặc biệt cẩn trọng là lời ăn tiếng nói. Thông qua giao tiếp, nhà tuyển dụng có thể đánh giá con người và cả năng lực của ứng viên. Vì vậy, khi chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, hãy nhớ lựa chọn từ ngữ. Dưới đây là 5 loại từ, cụm từ ngữ phổ biến và thích hợp mà bạn nên cố gắng đưa vào những câu trả lời của mình một cách thật tự nhiên và hợp lý:

1. Trách nhiệm

Trong suốt cuộc phỏng vấn, bạn nên luôn biểu hiện rằng mình là một người có trách nhiệm. Hãy cho người phỏng vấn thấy rằng đối với một công việc được giao, bạn sẽ không chỉ đơn giản là hoàn thành nó, mà còn hoàn thành trong thời gian được giao và không bỏ sót bất kì yêu cầu bên lề nào khác nữa. Bạn có thể sử dụng một số cụm từ để thể hiện sự trách nhiệm như: “Hoàn thành, phối hợp, định hướng một cách chi tiết, hiệu quả, đạt đúng tiến độ, tổ chức, chuẩn bị, sắp xếp, hỗ trợ, kết quả, làm hài lòng khách hàng, biện pháp,…”

2. Những từ ngữ phản ánh giá trị của công ty

Bạn muốn tỏ ra mình là một người vô cùng phù hợp với công ty? Đơn giản thôi, khi nói về bản thân, hãy khôn khéo sử dụng chính những từ ngữ đã gắn liền với tên tuổi của chính công ty đó. Rất có thể, những cụm từ này cũng được sử dụng thường xuyên trong các giao tiếp nội bộ và các cuộc họp toàn công ty. Nếu bạn không biết phải tìm ra những từ ngữ này như thế nào, hãy tìm hiểu qua slogan hoặc đi lên trang web của công ty và vào phần giới thiệu của họ xem sao. Việc nghe thấy những từ ngữ quen thuộc về công ty từ ứng viên khiến nhà tuyển dụng có cảm giác thỏa mãn và nghĩ rằng bạn đã tìm hiểu rất kỹ càng về công việc và công ty.

3. Đam mê

Một trong những điều mà người phỏng vấn luôn cố gắng nhìn thấy ở bạn, đó là việc bạn sẽ làm công việc của mình như một phần bắt buộc để bươn chải cuộc sống, hay bạn thực sự muốn làm công việc này vì sự đam mê và yêu thích. Rõ ràng, không ai muốn tuyển một người chỉ xuất hiện ở công ty, làm hết việc như được phân công rồi lặng lẽ đi về như một bóng ma. Những người có đam mê, có nhiệt huyết luôn biết cách để khiến công việc trở nên thú vị, và họ cảm thấy thật sự thích thú khi làm việc, và đây mới chính là những gì nhà tuyển dụng hài lòng.

Bí kíp cho buổi phỏng vấn thành công: Chớ khua môi múa mép những lời lẽ vô giá trị! - Ảnh 1.

Vậy nên, dù bạn có đam mê thực sự hay không, hãy cho người tuyển dụng thấy bạn luôn sẵn lòng với công việc bằng một số từ ngữ như: “Nhiệt huyết, đam mê, hứng thú, yêu thích, có động lực, ưu tiên,…”

4. Khả năng lãnh đạo

Bạn chuẩn bị ứng tuyển vào vị trí lãnh đạo? Nếu vậy thì hãy nhớ sử dụng những động từ tích cực và mạnh mẽ. Bằng những trải nghiệm thực tế của bản thân, hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn đã làm được những gì trong vai trò lãnh đạo các dự án trước kia, điều hành thế nào và kết quả ra sao. Trong trường hợp này, những từ ngữ về làm việc nhóm, sự phân phối công việc, điều hành và giám sát nên được sử dụng bao gồm: “Tăng tốc, hoàn thành, xây dựng kế hoạch, điều phối, đàm phán, giám sát, xử lí khủng hoảng,…”

5. Từ ngữ thông dụng trong chuyên ngành

Mỗi ngành đều có những thuật ngữ riêng mà không phải người ngoài nào cũng biết và hiểu. Thế nên, nếu bạn muốn nhận được sự đánh giá cao hơn chút đỉnh từ những người tuyển dụng, hãy sử dụng một số thuật ngữ chuyên ngành trong cuộc trò chuyện. Không cần phải tỏ ra quá sành sỏi hay hiểu biết, chỉ cần vừa đủ để nhà tuyển dụng biết rằng bạn thật sự có kiến thức về ngành nghề này là được. Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết khi sử dụng thuật ngữ là bạn phải thật sự hiểu nó.

Một cuộc phỏng vấn, không phải là một kì thi xem bạn nhớ được bao nhiêu từ đã được nêu ở trên, mà là một cuộc khi sử dụng từ ngữ phù hợp và khiến cho nhà tuyển dụng muốn thuê bạn làm việc. Điều bạn thật sự cần ghi nhớ, đó là luôn biết cân nhắc lời nói và từ ngữ, hãy sử dụng những động từ tích cực và mạnh mẽ, dùng từ thích hợp với vị trí ứng tuyển, và cách cư xử đúng mực khôn khéo. Hãy biết cách biến bản thân mình trở nên có giá trị!

Quỳnh Anh

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close