Câu chuyệnKinh doanh
Sau cuộc gặp Donald Trump – CEOs Silicon Valley: Vẫn còn nhiều dấu hỏi
Sau những mối “hiềm khích” giữa giới công nghệ Silicon Valley và ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử của ông, hôm 14/12, họ đã có cuộc gặp mặt chính thức tại Trump Tower (New York).
Chỗ ngồi và dụng ý của Tổng thống
Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng và Thung lũng Silicon có cuộc gặp gỡ chính thức kể từ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Theo AFP, cuộc gặp gỡ được chính cha đẻ PayPal Peter Thiel – một trong số những lãnh đạo công nghệ hiếm hoi ủng hộ ứng cử viên Donald Trump – giúp kết nối và tổ chức, với hy vọng xoa dịu những căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông Trump và giới công nghệ vốn bị sứt mẻ nặng nề trong suốt cuộc đua vào Nhà Trắng của ông.
Trong phát biểu của mình, ông Trump thể hiện sự trân trọng và đề cao tầm quan trọng của những nhà lãnh đạo công nghệ như Sheryl Sandberg – COO Facebook, Sergey Brin và Larry Page – nhà sáng lập Google, Satya Nadella – CEO Microsoft, Chuck Robbins – CEO Cisco, Ginni Rometty – CEO IBM, và Brian R Krzanich – CEO Intel, trong đó có ba công ty có vốn hóa lên đến hơn 3.000 tỷ USD là Apple, Alphabet và Microsoft.
Ông nói: “Các bạn không giống với bất cứ ai trên thế giới này. Chúng tôi muốn các bạn tiếp tục sự đổi mới đáng kinh ngạc”. Tỷ phú 70 tuổi này cũng cho biết, đã có hàng trăm cuộc gọi đến từ những công ty công nghệ để xin tham dự cuộc họp nhưng đã bị từ chối vì “công ty không đủ lớn”.
Tổng thống đắc cử khẳng định buổi họp này chỉ dành cho những gã khổng lồ ngành công nghệ. Theo đó, CEO của Twitter Jack Dorsey không được mời tham gia cuộc họp vì công ty này được đánh giá là… không đủ lớn. Tuy nhiên, cuộc họp có cả ba người con của Trump là Don Jr, Ivanka và Eric Donald Trump Jr, khiến một lần nữa dấy lên nghi ngại về xung đột lợi ích giữa đế chế kinh doanh và chính phủ của ông Trump.
Việc sắp xếp chỗ ngồi trong cuộc họp của ông Trump cũng cho thấy nhiều ẩn ý từ vị Tổng thống đắc cử. Theo GS. Adam Galinsky tại Đại học Columbia, ông Trump ngồi giữa bàn, vị trí của một nhà lãnh đạo trong một cuộc họp nội các, khác hẳn với cuộc họp với giới kinh doanh, nơi ông chủ phải ngồi ở đầu bàn. Vị trí phía bên trái và phải của ông Trump được ngầm hiểu đó là những người cùng phe với Tổng thống. Những nhà lãnh đạo các thương hiệu công nghệ nổi tiếng nhất như Amazon, Google, Facebook, Apple, Oracle và Tesla chính là những người mà Tổng thống đắc cử chọn về “phe” mình.
Như vậy, với mỗi tấm ảnh về buổi họp được công bố, người ta luôn thấy CEO Jeff Bezos, CEO Tim Cook hay CEO Larry Page có mặt cùng Tổng thống đắc cử. Vị trí gần ông Trump nhất, đồng nghĩa với việc được ông tôn trọng, đánh giá cao nhất là Peter Thiel (đóng vai trò là cầu nối giữa ông và giới lãnh đạo công nghệ) và Mike Pence – Phó tổng thống đắc cử, cũng vốn là người không có được sự ủng hộ của giới công nghệ.
Ông Trump còn đặc biệt sắp xếp các lãnh đạo cùng một công ty ngồi cách biệt nhau. Ví dụ, đại diện Google cũng như Alphabet có hai thành viên là Larry Page và Eric Schmidt, đều bị xếp ngồi xa nhau. Tương tự, đại diện Microsoft có Satya Nadella và Brad Smith cũng ngồi chéo nhau. GS. Galinsky nhận định ông Trump muốn giảm sự kết nối giữa những thành viên công ty và cũng có thể là cách Tổng thống đắc cử phô trương quyền lực với những lãnh đạo Silicon.
Cựu Chủ tịch của Goldman Sachs Gary Cohn, người đã rời khỏi ngân hàng đầu tư này vào đầu tuần để phục vụ trong vai trò Trưởng ban cố vấn kinh tế cho ông Trump. Nhà sáng lập SpaceX là Elon Musk, CEO Uber Travis Kalanick cũng vừa được bổ sung vào ban này.
AFP dẫn lời người phụ nữ đình đám Silicon Valley Safra Catz – CEO Oracle tiết lộ, ông Trump cho biết việc thêm Musk và Travis Kalanick vào ban cố vấn kinh tế nhằm tạo ra việc làm mới trên khắp nước Mỹ từ Thung lũng Silicon đến khắp các khu trung tâm.
Đằng sau sự thân mật
Kể từ sau cuộc bầu cử, có một sự lo lắng bao trùm Silicon Valley khi Tổng thống và Phó tổng thống đắc cử đều hướng đến việc thắt chặt nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, muốn các công ty công nghệ mang việc làm trở lại nước Mỹ và nghiêm khắc hơn với người nhập cư. Đó đều là những cam kết quyết liệt của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, đồng thời sẽ là thách thức lớn đối với các công ty ở Silicon nếu nó thực sự trở thành chính sách.
Việc tăng thuế, hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc sẽ khiến Apple và nhiều công ty công nghệ khác đau đầu do phần lớn thiết bị, vật tư, phần cứng đều được sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trước đây, Steve Jobs đã từng thẳng thắn trả lời ông Obama về việc Apple phải được sản xuất tại Trung Quốc do Mỹ mất lợi thế cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, trước sự cứng rắn của ông Trump, liệu Tim Cook có thể giữ vững quan điểm của huyền thoại Steve Jobs hay không? Sau cuộc họp, ông Trump đã có cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Apple, nhưng sau đó CEO Tim Cook từ chối bình luận bất cứ điều gì về cuộc gặp.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump cũng cho biết đã nói chuyện với Tim Cook về việc xây một nhà máy sản xuất lớn tại Mỹ: “Tôi đã nói với Tim Cook rằng tham vọng của tôi là Apple xây một nhà máy khổng lồ, lớn nhất và tốt nhất hiện tại, dù chỉ rộng hơn nhà máy ở Trung Quốc một chút cũng được”.
Tổng thống đắc cử tuyên bố những người trong căn phòng hôm đó có thể gọi cho ông hay người của ông để được giúp đỡ bất cứ điều gì. “Chính quyền của tôi đang làm việc với lĩnh vực tư nhân để cải thiện môi trường kinh doanh và giúp các công ty dễ dàng tạo ra việc làm mới trên khắp Mỹ”, ông Trump cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tỏ ra rất sẵn lòng lắng nghe và hỗ trợ giới công nghệ, những động thái ngoại giao và các kế hoạch của ông Trump khiến Silicon Valley không khỏi lo lắng.
Một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói với China Daily rằng Bắc Kinh sẽ “phản đòn” sau khi ông Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, một hành động được cho là phá vỡ chính sách “Một Trung Quốc”. Các chuyên gia phân tích e ngại Trung Quốc sẽ áp dụng luật chống độc quyền đối với các công ty công nghệ Mỹ. Đồng thời, nếu mối giao hảo Trung – Mỹ bị phá vỡ, Bắc Kinh có thể chuyển hợp đồng mua máy bay Boeing 11 tỷ USD sang cho Airbus.
Các hãng công nghệ lớn cũng đang chịu áp lực khi phải đưa hàng nghìn tỷ USD đang cất giữ ở bên ngoài trở về nước Mỹ. Theo báo cáo của Capital Economics, “ông lớn” Apple tích lũy 91,5 tỷ USD, General Electric và Microsoft mỗi công ty có hơn 100 tỷ USD ở nước ngoài và được chính phủ kêu gọi đưa tiền về nước nhằm tạo cú hích mạnh cho GDP Mỹ. Tuy nhiên, nếu chính phủ của ông Trump không tạo điều kiện để đưa số tiền đó về nước, các công ty phải đối mặt với khoản thuế khổng lồ.
Cindy Cohn – Giám đốc điều hành Electronic Frontier Foundation còn lo ngại về việc ông Trump muốn kiểm soát vấn đề mã hóa, bảo mật trên các thiết bị công nghệ. “Niềm hy vọng của tôi là ngành công nghiệp công nghệ sẽ đứng về phía người sử dụng của mình khi diễn ra tình trạng mã hóa và kiểm soát đồng loạt”, Cindy Cohn nói với Guardian.
Kết thúc cuộc họp kéo dài hai tiếng, các lãnh đạo đình đám nhất Silicon lặng lẽ sải bước ra về và từ chối trả lời mọi câu hỏi của phóng viên.
TĂNG KHÁNH