Thế giớiThời sự

“Đại công trường” giải thoát kẹt xe cho Đông Nam Á

Những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á đang oằn mình gánh nạn kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Vì thế họ mạnh tay đầu tư vào hệ thống giao thông như một giải pháp sống còn đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

“Đặc sản” trên đường phố

Maye Cristobal – nữ luật sư 26 tuổi mất một tiếng rưỡi đồng hồ để đi đoạn đường 5km từ nhà đến công ty. “Như là địa ngục vậy”, nữ luật sư nói về sự tắc nghẽn giao thông mỗi ngày. Tương tự, nhân viên truyền thông 25 tuổi – Joshua Dalupang mất hai giờ rưỡi để đi hết chặng đường dài 22km. Họ chỉ là một vài gương mặt trong 13 triệu dân Manila – thủ đô của Philippines đang “chết lặng” hàng giờ trong dòng xe ùn tắc.

Những chiếc Uber chưa được cấp phép hoạt động tại quốc gia này vẫn đắt khách bởi người dân biết rằng sử dụng phương tiện này nhanh hơn đi tàu điện. “Tàu điện luôn quá tải và lúc nào cũng như muốn vỡ tung”, Dalupang nói về tuyến tàu điện số 3 – tuyến bận rộn nhất của Manila.
Kẹt xe đã trở thành một “đặc sản” của thủ đô Philippines. Theo Numbeo – một cơ sở dữ liệu trực tuyến về xu hướng xã hội, Manila là một trong 10 thành phố kẹt xe trầm trọng nhất thế giới.

Tăng trưởng kinh tế nhanh khiến thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt, thúc đẩy doanh số bán xe hơi vượt 400.000 chiếc vào năm 2016. Trong khi đó, các phương tiện giao thông công cộng hoặc không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoặc quá xuống cấp nên không đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới. 18 tỷ USD là số tiền Philippines tổn thất hằng năm do kẹt xe, theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Manila là “đại diện tiêu biểu cho khủng hoảng giao thông” tại Đông Nam Á – khu vực có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Thủ đô Jakarta của Indonedia nổi tiếng với cơn ác mộng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới trong nhiều năm. Thành phố này thuộc top 5 nơi chật chội nhất thế giới. Trong ngày làm việc, mỗi người cần hơn một giờ đồng hồ để đi hết quãng đường khoảng 5 dãy nhà đến công ty. Một du khách phải cần ít nhất 3 giờ đồng hồ để về trung tâm thành phố.

“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6%/năm, Việt Nam cũng đang đối mặt với “khủng hoảng giao thông” như Jakarta và Manila”, Nikkei Asian Reviewviết. Một nghiên cứu năm 2016 do Đại học Công nghệ TP.HCM thực hiện, ước tính TP.HCM thiệt hại 820 triệu USD/năm do kẹt xe, gây cản trở vận chuyển hàng hóa đến và đi từ cảng và sân bay.

Đến tháng 5/2017, thành phố này có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, tăng 5,8% so với năm trước, bao gồm 600.000 xe bốn bánh và 7,4 triệu xe hai bánh. Tại Jakarta, mỗi ngày có thêm 1.000 xe tham gia giao thông. Chính phủ nước này ước tính, tắc nghẽn giao thông tại thủ đô 10 triệu người gây thiệt hại 5 tỷ USD/năm.

Lực lượng lao động trẻ vừa là nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế vừa là tác nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng tại Việt Nam, Indonesia, Philippines.

Theo ước tính đưa ra hồi đầu năm nay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đến năm 2020, 7 nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Campuchia, mỗi năm sẽ cần đầu tư ít nhất 147 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo đà tăng trưởng. Thế nhưng, thực tế con số này chỉ dừng lại ở 55 tỷ USD. Tính theo tỷ lệ GDP, các quốc gia này cần phải đầu tư 6,1% vào cơ sở hạ tầng, nhưng mới chỉ đầu tư được 2,3%.

Giải cứu “đô thị”

Các nước trong khu vực ASEAN phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng như một mục tiêu khẩn cấp để tự “cởi trói”. 3 nhà cầm quyền gồm Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã hiện thực hóa sứ mệnh trong việc giải quyết vấn đề này bằng đầu tư mạnh hơn vào vận tải. Trong khi đó, metro cũng đang được xây dựng tại 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM.

Malaysia hiện dẫn đầu trong phát triển giao thông công cộng, mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị và xây dựng đường sắt cao tốc với tổng trị giá 8,86 tỷ USD. Và Bangkok – nơi “giữ kỷ lục” về ùn tắc giao thông tại Đông Nam Á cho đến cuối những năm 1990, đang mở rộng các tuyến đường sắt, tập trung tại trung tâm thành phố và sân bay. Cho đến năm 2025, 6 nước lớn nhất khối ASEAN sẽ có đường sắt đô thị đưa vào hoạt động.

Indonesia bắt đầu ý tưởng xây dựng đường tàu điện ngầm Jakarta MRT từ những năm 1980. Công trình được bắt đầu vài lần nhưng chưa bao giờ đi đến hồi kết. Mọi thứ đình trệ chủ yếu do vấn đề quản lý và tài chính. Chỉ sau khi Widodo trở thành thống đốc của Jakarta vào năm 2012, dự án trị giá 1,5 tỷ USD mới được tái khởi động.

Sau khi đã trở thành tổng thống, ông Widodo vẫn thăm công trường MRT thể hiện sự tâm huyết đối với công trình này. Sau 25 năm vất vả với giao thông ùn ứ và các dự án treo, người dân Jakarta cuối cùng đã được “giải cứu”. “Tuyến MRT đầu tiên của Indonesia phải hoàn thành vào năm 2019 và phải được thực hiện bằng mọi giá”, Thống đốc Jakarta vừa nhậm chức Anies Baswedan tuyên bố.

Tháng trước, Tổng thống Philippines Duterte thăm Nhật Bản, đã đàm phán với Thủ tướng Shinzo Abe để đảm bảo cam kết xây dựng tuyến tàu điện ngầm trị giá 7 tỷ USD. Đó là một phần trong nỗ lực của ông nhằm đầu tư 8.400 tỷ pesos (tương đương 165 tỷ USD) để mở ra “kỷ nguyên vàng cơ sở hạ tầng” trong nhiệm kỳ 6 năm.

Đường sắt, đường bộ, cầu và sân bay chiếm 2/3 kế hoạch chi tiêu đó. Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Philippines – Arthur Tugade cũng có tham vọng một phần đường sắt này sẽ đi vào hoạt động thương mại trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Manila như một đại công trường với một đường hầm dài 25,3km, có 13 trạm từ vùng ngoại ô phía bắc của thủ đô đến ga cuối tại sân bay ở phía nam Manila. Một khi hoàn thành vào năm 2025, thời gian di chuyển từ hai điểm bắc – nam Manila chỉ còn 30 phút thay vì 2 – 3 giờ như hiện nay.

TĂNG KHÁNH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close