Câu chuyệnKinh doanh

Thách thức của Heineken khi đặt cược vào Việt Nam và Đông Nam Á

Mở rộng đầu tư tại thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu song hãng bia lớn thứ 2 thế giới cũng gặp không ít thách thức từ những đối thủ quốc tế và bản địa.

Thách thức của Heineken khi đặt cược vào Việt Nam và Đông Nam Á

Ảnh minh họa.

Sau khi mua lại nhà máy của Carlsberg tại Bà Rịa Vũng Tàu hồi cuối năm 2016, Heineken đã lên kế hoạch tăng công suất cơ sở này gấp 12 lần, lên khoảng 610 triệu lít một năm.

Hãng bia lớn thứ 2 thế giới (theo công suất) cũng quyết định đổi tên chi nhánh tại Việt nam từ Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) thành Công ty TNHH Nhà máy Heineken Việt Nam nhằm tăng tính nhận biết thương hiệu tại thì trường được đánh giá là tăng trưởng nhanh nhất châu Á về đồ uống có cồn. Trước đó, Heineken nắm 60% vốn tại liên doanh này, còn lại thuộc về Tổng công ty thương mại Sài Gòn – Satra.

Cùng với Việt Nam, Heineken cũng đã mở một liên doanh sản xuất tại Myanmar vào giữa năm 2015 và đang lên kế hoạch tương tự cho thị trường Đông Timor với thương hiệu riêng là Regal Seven. Tại Philippines, Heineken cùng Asia Brewery (thuộc LT Group) thành lập AB Heineken Philippines. Liên doanh này trực tiếp cạnh tranh với San Miguel Brewery, hãng bia đang chiếm tới 90% thị phần tại đây.

Chia sẻ trên Nikkei Asia Review, Chủ tịch Heineken khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Châu Á là động lực tăng trưởng chính và tương lai của Heineken sẽ phụ thuộc vào khu vực này”. Lý do chính dẫn đến quyết định xoay trục sang châu Á của hãng bia Hà Lan, theo các chuyên gia, là việc bị cạnh tranh mạnh ở các thị trường truyền thống châu Âu, vốn ít tăng trưởng những năm gần đây.

Áp lực càng tăng sau khi Anheuser-Busch InBev thâu tóm SABMiller trở thành đế chế sản xuất bia lớn nhất thế giới, chi phối 30% thị phần toàn cầu và có doanh thu gấp đôi Heineken. Hai đơn vị này cũng nhanh chóng đánh dấu sự xuất hiện tại những thị trường mới nổi, khi InBev giữ vị trí thống trị tại khu vực Nam Mỹ, trong khi SABMiller giữ 40% thị phần tại khu vực Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, việc chen chân vào những thị trường Đông Nam Á cũng không phải quá trình thuận lợi với Heineken khi những thị trường này đều nằm trong tay số ít doanh nghiệp nội địa, đơn cử như Boon Rawd Brewery, San Miguel Brewery tại Philippines, Sabeco tại Việt Nam hay Shingha Beer tại Thái Lan.

Bên cạnh đó, Heineken cũng không phải đại gia duy nhất nhìn thấy tiềm năng của khu vực Đông Nam Á. Nhưng hãng bia lớn của Nhật Bản như Asahi Holdings hay Kirin Holdings cũng lên kế hoạch thâm nhập tại đây thông qua việc mua cổ phần của chính những doanh nghiệp dẫn đầu. Kirin từng tuyên bố sẽ thâu tóm Mandalay Brewery của Myanmar, còn Asahi cũng đã đánh tiếng đàm phán mua cổ phần tại Sabeco của Việt Nam.

Góp mặt tại thị trường Đông Nam Á từ cách đây nhiều năm, nhưng phải đến năm 2012, Heineken mới thực sự tấn công mạnh vào khu vực này sau khi sở hữu thương hiệu Tiger Beer, nhờ thâu tóm Asia Pacific Breweries. Điểm mấu chốt trong cuộc chiến thị phần tại thị trường bia Thái Lan với hãng bia lớn nhất nước này – ThaiBev.

Tuy nhiên, không chỉ Thái Lan, thương hiệu Tiger Beer cũng trở thành mũi nhọn quan trọng nhất để Heineken giành được thị phần tại Việt Nam. Số liệu từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy, sản lượng bán ra của dòng bia Tiger tăng 36% trong giai đoạn 2012-2015, giúp hãng bia lớn thứ hai thế giới tăng trưởng trên 14% mỗi năm tại thị trường Việt nam.

Nikkei cũng đánh giá, Việt Nam đạt được vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng những quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong Top 10. Đáng kể hơn là đà tăng trưởng này không đến từ những cốc bia hơi giá 5.000 đồng, mà bởi những sản phẩm cao cấp có giá gấp 10 lần.

“Bia này ngon hơn những sản phẩm bia trong nước, và tôi cảm thấy hài lòng khi sử dụng những sản phẩm đắt tiền”, một khách hàng 40 tuổi của Việt Nam chia sẻ.

Sở hữu nhiều dòng sản phẩm khác nhau như Heineken, Tiger, Larue hay Strongbow, nhưng chỉ tính riêng hai thương hiệu đầu tiên đã giúp Heineken chiếm tới hai phần ba phân khúc bia cao cấp (Tiger chiếm 47% và Heineken chiếm 20%). Đây cũng là phân khúc được đánh giá tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian gần đây với tỷ trọng 16% toàn thị trường năm 2011 tăng lên 21% năm 2015.

Không công bố chi tiết kết quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên kết quả kinh doanh của Satra, đơn vị sở hữu 40% trong liên doanh với Heineken cũng phần nào cho thấy quy mô của đơn vị sản xuất bia thứ hai thế giới. Đây cũng là khoản đầu tư vào liên doanh, liên kết lớn nhất của Satra, chiếm gần 50% tổng đầu tư.

Hai năm 2014 và 2015, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết được tính vào kết quả kinh doanh của Satra đạt lần lượt 1.900 tỷ và 2.500 tỷ đồng (phần lớn đến từ khoản đầu tư vào Heineken). 6 tháng đầu năm 2016, riêng khoản cổ tức nhận về từ khoản đầu tư đạt gần 2.120 tỷ đồng, gấp gần 10 lần lợi nhuận gộp từ hoạt động của Satra.

Theo VnExpress

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close