Quản trịThương hiệu
Thể thao – Mảnh đất vàng cho tài trợ thương hiệu Việt
Năm 2016 chứng kiến nhiều dấu ấn khởi sắc của làng thể thao Việt Nam. Thêm vào đó là sự thay đổi về định nghĩa và xu hướng làm đẹp từ bên trong – đẹp tức là phải khoẻ của giới trẻ đã khiến cho các hoạt động thể thao, rèn luyện trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam.
Chính những yếu tố đó đã khiến “Thể thao” đang ngày càng trở thành môt mảnh đất tiềm năng cho các Doanh nghiệp Việt khai thác hoạt động Tài trợ thương hiệu.
Thể thao có thực sự là xu hướng?
Trong một nghiên cứu mới đây của hệ thống SocialBeat về các xu hướng thảo luận nổi bật nhất trên mạng xã hội, chủ đề “Thể thao” được xếp thứ 2 khi chiếm tới 18% thị phần thảo luận; chỉ đứng sau Âm nhạc với 20%. Điểm thú vị là ngay cả chủ đề Điện Ảnh vốn tưởng như dễ khai thác, dễ gắn yếu tố PR cho các nhãn hiệu lại cũng đứng sau “Thể thao” với 17% thị phần thảo luận.
Sự bứt phá mạnh mẽ của Thể thao có thể được lý giải bởi 2 nguyên nhân: việc xuất hiện và truyền thông liên tục về các sự kiện thể thao nổi bật; và xu hướng “Đẹp là phải khoẻ” đang thống lĩnh trong các hạng mục lifestyle và làm đẹp của toàn thế giới.
Cùng với sự đi lên của các hoạt động thể thao, chăm sóc sức khoẻ cá nhân hoặc theo nhóm thì các “món ăn” cho nhu cầu Xem-Nghe thể thao cũng phong phú với rất nhiều giải đấu, sự kiện nổi bật nối tiếp nhau liên tục trong năm như các giải bóng đá các quốc gia; giải Quần vợt quốc tế; giải cầu lông; giải bóng rổ nhà nghề; ….
Và các nhà Quảng cáo, chủ thương hiệu tại Việt Nam tất nhiên không thể bỏ lỡ những cơ hội để tạo dấu ấn của mình ở các giải thi đấu được dư luận, cộng đồng quan tâm nhiều như vậy.
Sau thành công vang dội ở SEA Games 28, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên liên tục nhận được nhiều lời đề nghị tài trợ đến từ Nguyễn Kim, Tập đoàn Hoà Bình, Vietjet Air….và vô số các nhà tài trợ khác.
Tới Olympic 2016, khi một lần nữa dư luận dậy sóng vui mừng vì thành tích xuất sắc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, các chủ thương hiệu, a.k.a nhà tài trợ, cũng không bỏ lỡ cơ hội ghi dấu tên tuổi của mình khi đứng ra tặng thưởng cho thành tích của Vận động viên Hoàng Xuân Vinh (Công ty CPĐT Thể thao; Tập đoàn Thể thao Động Lực; Nhà phân phối đồng hồ Gallewatch; Khách sạn Mường Thanh…).
Hay như trong lĩnh vực bóng đá – môn thể thao vua trong nước, các “ông lớn” đã góp không ít tiền của, công sức vào các chiến dịch tài trợ thương hiệu cho các đội bóng nước nhà; và đã không ít thương hiệu thành công rực rỡ về độ phủ thương hiệu khi đi kèm với tên đội bóng được yêu thích:
Qua tổng hợp 10.000 bài đăng từ Facebook, 200 trang tin tức và 50 diễn đàn, blog, hệ thống SocialBeat đã ghi nhận “Top 10 đội bóng được bàn luận nhiều nhất”. Đây đều là các đội bóng được nhắc nhiều đến trong giải V.Leauge.
Đồng hành cùng các đội bóng lớn là sự tham gia của các Nhà tài trợ chính. Quan sát các thương hiệu tài trợ được nhắc kèm với các đội bóng, phần lớn thuộc ngành Bất động sản như T&T Group với Hà Nội T&T, FLC Group và FLC Thanh Hóa; Lĩnh vực khai thác khoáng sản với đại diện là VINACOMIN và đội bóng Than Quảng Ninh; Ngân hàng với SHB và Bắc Á Bank… Đặc biệt, trong Top 10 chỉ có thương hiệu NutiFood là đại diện duy nhất của lĩnh vực Thực phẩm. Trong khi lĩnh vực thực phẩm – đồ uống lại là ngành có nhiều khía cạnh có thể khai thác ở lĩnh vực Thể thao do có sự tương đồng về cá tính thương hiệu hoặc insight khách hàng.
Thực tế thì việc khai thác quảng cáo trong các hoạt động thể thao đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng ngay cả khi nghiên cứu các hoạt động quảng cáo trong bộ môn được thảo luận nhiều nhất là Bóng đá sân cỏ, chúng ta vẫn sẽ nhận ra nhiều khoảng trống.
Vậy câu hỏi cần đặt ra lúc này là: Sân chơi này có dành cho mọi người? Và các nhà quảng cáo nên khai thác thế nào để thực sự “ghép” được thương hiệu của mình với đối tượng mà họ tài trợ.
Có một sự thật không thể phủ nhận là việc tài trợ thương hiệu đem lại các lợi ích về mặt: Độ phủ thương hiệu; Quản trị quan hệ thương hiệu; và vô vàn gia vị cho các chiến dịch truyền thông. Và cuộc chơi lớn này, rõ ràng không dành cho tất cả mọi đối tượng. Trước khi đi vào chọn lựa đối tượng để tài trợ, các thương hiệu cần trả lời được các yếu tố sau:
- Cá tính thương hiệu của bạn là gì?
- Đối tượng tiếp cận tiềm năng của Thương hiệu là gì?
- Có sự tương quan, liên quan giữa đối tượng được tài trợ và đặc tính thương hiệu muốn tài trợ không?
- Có thể gia tăng doanh thu từ việc tài trợ không? Cost per reach có thực sự thuyết phục không?
- Độ bền vững hình ảnh của đối tượng nhận tài trợ?
Và hãy nhớ, tài trợ đôi khi không nhất thiết được định danh bằng tiền! Điểm làm cho một gói tài trợ trở nên khác biệt chính là cách thức truyền thông và tốc độ phản ứng của thương hiệu đối với sự kiện hoặc đối tượng được tài trợ.
Khi đã đạt được phần lớn câu trả lời “Có” cho các câu hỏi nêu trên; đó là lúc mà Doanh nghiệp suy nghĩ tới việc “Khai thác ra sao để lồng ghép thương hiệu của mình với đối tượng được tài trợ?”.
Có rất nhiều hình thức để tài trợ; và không phải lúc nào khái niệm tài trợ cũng được định danh bằng tiền. Dưới đây SocialBeat xin điểm một số hình thức tài trợ phổ biến cho các hoạt động, nhân vật hoặc sự kiện thể thao
Những hoạt động tài trợ phổ biến
Những hoạt động thường thấy của các nhà tài trợ sẽ là việc xuất hiện trong tên của đội bóng, hay là việc quảng cáo qua các bảng biểu trên sân cùng những thông tin đưa tin về quá trình đầu tư đầu tư hoặc các hoạt động trực tiếp giữa nhà tài trợ và đội bóng.
Quỹ đầu tư tài trợ cho các đội bóng là không hề nhỏ, nhưng hiệu ứng lan tỏa về truyền thông là vô cùng lớn khi lượng khán giả yêu thích bóng đá rất đông đảo.
Khi mà Bóng đá sân cỏ là cuộc chiến của những thương hiệu lớn thì các thương hiệu khác có thể khai thác từ việc tập trung vào các bộ môn Thể thao trong nhà. Đây cũng là những bộ môn có xu hướng bàn luận cao với Futsal 12%, Bắn súng 9% và Bơi lội 8%. Bên cạnh đó hàng năm, việc có nhiều giải đấu liên quan đến các bộ môn này mang đến cơ hội cho các thương hiệu.
Đầu tiên, các doanh nghiệp có thể khai thác các quảng cáo qua hoạt động cổ vũ của các cổ động viên. Với việc một khu vực cổ vũ mang áo với màu nhận diện thương hiệu của bạn hay là sự xuất hiện trên những băng rôn, các thanh đập cổ vũ cũng là một trong những hướng đi có sức ảnh hưởng không hề nhỏ.
Thứ hai, các Thương hiệu có thể cân nhắc việc hợp tác với các vận động viên để trở thành những “Influencer – Người ảnh hưởng” của ngành quảng cáo. Xu hướng hiện nay là khai thác Micro Influencers; các Marketer hay những nhà quảng cáo hoàn toàn có thể nghĩ đến việc sử dụng hình ảnh của các vận động viên làm đại diện thương hiệu hay chia sẻ những câu chuyện thương hiệu.
Bên cạnh việc hợp tác với các vận động viên đạt thành tích cao, đã có những ảnh hưởng nhất định thì việc đầu tư cho các vận động viên trẻ, có tiềm năng phát triển cũng là một lựa chọn hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho đời sống của các vận động viên còn gặp nhiều khó khăn – chủ đề đang nhận được sự chia sẻ của xã hội. Các hoạt động này cần được thực hiện khéo léo và đảm bảo sự liên kết giữa các vận động viên với thương hiệu và thông điệp của bạn.
Thứ ba chính là một hướng đi cho các hoạt động phát triển nội dung. Việc xây dựng những nội dung tương tác với các hoạt động thể thao sẽ là cách để tập trung sự chú ý của cộng đồng. Bên cạnh hoạt động đưa tin, bàn luận về các chủ đề thể thao có liên quan đến hình ảnh thương hiệu, thì với xu thế hiện nay, nếu bạn có thể tọa ra các trò chơi tương tác trên mạng xã hội gắn với hình ảnh thể thao thì chắc chắn mức độ tương tác sẽ tăng cao.
Kết luận
Những tổng kết về chủ đề Thể thao trên Internet và Mạng xã hội đã cho thấy đây hoàn toàn xứng đáng là một miền đất lý tưởng cho các hoạt động truyền thông và quảng cáo. Việc nắm bắt các xu hướng này sẽ giúp các công ty, thương hiệu xây dựng chiến lược hoặc thay đổi trong quá trình triển khai cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Việc xây dựng thương hiệu thông qua Tài trợ trong thể thao nhất là tại thị trường bùng nổ như Việt Nam, đòi hỏi một sự nhanh nhạy để chọn lựa đúng đối tượng tài trợ – quyết liệt và nỗ lực trong việc đưa ra quyết định gắn thương hiệu của mình với một hình ảnh vẫn còn nhiều mới mẻ – sự bền vững trong ngân sách đầu tư; bởi chắc chắn đây là một chặng đường dài; và chỉ cần thiếu đi 1 yếu tố thôi thì toàn bộ chiến dịch/việc tài trợ của bạn sẽ mau chóng bị đổ ra biển – lãng phí vô ích. Cũng giống như một món đồ chơi hiện đại, nhiều tính năng, mới mẻ sẽ trở nên vô ích nếu không có nguồn điện; một chiến dịch Tài trợ thương hiệu sẽ khó thành công nếu không có các hoạt động khai thác hiệu quả.
- Link full bộ infographic: https://goo.gl/FllVdW
- Link video: https://youtu.be/sAbP3KjMQpk
Giang Trần
SocialBeat HCM Branch Manager