Doanh nghiệpKinh doanh

Doanh nghiệp được phép lỗ bao nhiêu năm?

Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không nhiều người trả lời được rõ ràng. Bài viết của chị Bùi Thị Lệ Phương (CEO & Founder tại CTy Tài chính Kế toán Thuế Centax) đăng trong Group Quản Trị và Khởi nghiệp sẽ giải đáp thắc mắc cho những ai quan tâm vấn đề này.

Những doanh nghiệp mới thành lập, doanh thu thường thấp, những khoản chi phí trong doanh nghiệp thường cao nên doanh nghiệp có thể bị lỗ trong những năm đầu. Vậy doanh nghiệp sẽ được phép lỗ trong bao nhiêu năm? Tôi xin chia sẻ cùng các bạn bài viết Doanh nghiệp được phép lỗ trong bao nhiêu năm?

1. Quy định của Luật phá sản

Căn cứ Luật Phá sản số 51/2014/QH13 tại Điều 4 quy định như sau:

“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”

Căn cứ theo quy định trên thì doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán tức là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy luật phá sản không quy định doanh nghiệp bị lỗ trong bao nhiêu năm thì bị tuyên bố phá sản mà chỉ quy định những doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì bị phá sản.

2. Quy định của pháp luật thuế

Căn cứ Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 9 quy định việc xác định lỗ và chuyển lỗ như sau:

“1. Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.

2. Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

…..

Quá thời hạn 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ, nếu số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp sau.”

Căn cứ theo các quy định trên thì doanh nghiệp có số lỗ phát sinh trong kỳ thì được chuyển lỗ liên tục, thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Quá thời hạn 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ, nếu có số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo.

Tuy nhiên có nhiều bạn hiểu lầm là doanh nghiệp được phép chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên được phép lỗ trong vòng 5 năm. Thực tế không có văn bản pháp luật nào quy định doanh nghiệp được phép lỗ trong bao nhiêu năm.

Kết luận: Pháp luật không quy định doanh nghiệp được phép lỗ trong bao nhiêu năm. Tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, để doanh nghiệp xác định lỗ lãi của mình

Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp cận một chân lý trong tài chính doanh nghiệp: ” Tiền mặt quý hơn lợi nhuận”. Bởi vì: Doanh nghiệp lỗ trong bao nhiêu năm, cũng không bị bắt đóng cửa. Nhưng nếu doanh nghiệp không có tiền để trả lương, mua vật tư, trả nợ tới hạn… thì nguy cơ bị đóng cửa rất cao.

3. Một số lưu ý

Theo điều 17 Thông tư 151/2014/TT­BTC từ quý 4/2014, doanh nghiệp không cần phải nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính quý, nhưng vẫn phải nộp tiền thuế TNDN tạm tính quý nếu có phát sinh.

1. Nếu số thuế tạm nộp (hàng quý) thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên thì DN phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán. Tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý 4 đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

2. Nếu số thuế dưới 20% mà DN chậm nộp so với thời hạn quy định (thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm) thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

Ví dụ :

Năm 2015, Công ty A đã tạm nộp thuế TNDN là 100 triệu đồng. Khi quyết toán năm, số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán là 150 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng.

– 20% của số phải nộp theo quyết toán là: 150 x 20% = 30 triệu đồng.

– Phần chênh lệch từ 20% trở lên có giá trị là: 50 triệu – 30 triệu = 20 triệu đồng.

Kết luận:

– Công ty phải nộp số thuế còn phải nộp sau quyết toán là 50 triệu đồng. Đồng thời, Công ty bị tính tiền chậm nộp đối với số thuế chênh lệch từ 20% trở lên (là 20 triệu đồng) tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý 4 (từ ngày 31/1/2016) đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu.

– Số thuế chênh lệch còn lại (là 50 – 30 = 20 triệu đồng) mà Công ty chậm nộp thì bị tính tiền chậm nộp từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ quyết toán (từ ngày 1/4/2016) đến ngày thực nộp số thuế này.

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close