Kinh doanhTài chính - Ngân hàngThị trườngThương mại điện tử

Thanh toán điện tử Việt Nam còn nhiều trở ngại

Mặc dù Hợp tác liên bộ trong việc thanh toán điện tử đã có những kết quả nhất định nhưng các tồn tại cho thấy sự kết nối với tất cả các bộ, ngành, đơn vị vẫn cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Những thành quả bước đầu trong hợp tác liên bộ

Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2016 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của NHNN, do Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) thực hiện, đã đánh giá kết quả sau một năm triển khai thỏa thuận liên Bộ Tài chính – Công thương – Ngân hàng Nhà nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử quốc gia; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bộ ngành liên quan thông qua việc ký kết các thỏa thuận liên bộ để xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình thúc đẩy thanh toán điện tử trong bán lẻ và thương mại điện tử…

“Triển khai hiệu quả dịch vụ thuế điện tử và đưa ra các giải pháp tích hợp thanh toán điện tử trong dịch vụ công trực tuyến; hướng tới mục tiêu mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn và bền vững”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

ảnh 1

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Số liệu cụ thể hơn, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính và ngành Thuế đã đảm bảo hệ thống cung cấp dịch vụ khai và nộp thuế điện tử cho trên 561 nghìn doanh nghiệp trên cả nước.

Trong đó, có trên 542 nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan Thuế, đạt tỷ lệ trên 96,72% số doanh nghiệp đang hoạt động (số liệu tính đến hết tháng 10/2016).

Tính từ 1/1/2016 đến 31/10/2016, tổng số tiền các doanh nghiệp đã thực hiện nộp điện tử vào ngân sách qua cổng thanh toán thuế điện tử của Tổng cục Thuế là trên 370.600 tỷ đồng, chiếm 53,46% tổng thu ngân sách nhà nước.

Số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ với các ngân hàng là trên 525 nghìn, chiếm tỷ lệ gần 93,64% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có trên 250.000 POS được lắp đặt, số lượng giao dịch qua POS đạt gần 67 triệu giao dịch (tăng khoảng 71% so với cùng kỳ năm 2015) với giá trị giao dịch đạt gần 160 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015).

[quote_box_left]10 tháng, tổng số tiền các doanh nghiệp đã thực hiện nộp điện tử vào ngân sách qua cổng thanh toán thuế điện tử của Tổng cục Thuế trên 370.600 tỷ đồng, chiếm 53,46% tổng thu ngân sách nhà nước.[/quote_box_left]

NHNN cũng quan tâm chỉ đạo phát triển thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS), ứng dụng công nghệ hiện đại với chi phí thấp, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn bảo mật, mở ra khả năng mới để phát triển nhanh các điểm chấp nhận thẻ, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Sau một thời gian cho phép thí điểm mPOS, ngày 30/6/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, cho phép các ngân hàng được quyết định việc xây dựng quy trình, thủ tục thanh toán thẻ và lựa chọn thiết bị thanh toán phù hợp với quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương đang phối hợp với Công ty NAPAS để phát triển Hệ thống thanh toán thương mại điện tử Quốc gia theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 phê duyệt Chương trình Phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, mục tiêu của Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia là hướng đến xây dựng một hạ tầng thanh toán đảm bảo cho thương mại điện tử tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ giải pháp thanh toán cho các dịch vụ hành chính công trực tuyến, dịch vụ xã hội, công cộng; từng bước xây dựng thói quen của người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng và ứng dụng thanh toán điện tử trong các giao dịch thương mại, giao dịch hành chính, dịch vụ xã hội, công cộng.

Vẫn còn những tồn tại

Ông Tiên cho biết, thỏa thuận hợp tác liên bộ đã thu được khá nhiều thành tự trong thời gian qua nhưng vẫn còn những tồn tại.

Trong đó, việc thu, nộp thuế điện tử vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc kết nối Hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước và Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) của NHNN chưa được rộng khắp; việc chỉnh sửa hệ thống IBPS còn một số khó khăn do đặc thù trao đổi thông tin thu NSNN cần có sự phối hợp thống nhất giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để phối hợp giải quyết, tạo nên nhiều vướng mắc trong việc thu, nộp thuế điện tử.

Bên cạnh đó, thanh toán điện tử trong thương mại điện tử vẫn còn thấp, nhiều trường hợp bán hàng qua mạng nhưng khi thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các Ngân hàng thương mại tuy đã cố gắng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng mạng lưới khách hàng, nhưng nhìn chung hạ tầng phục vụ thanh toán của các ngân hàng này phát triển và phân bố chưa đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, chưa phát triển rộng ở địa bàn nông thôn.

Mặc dù số lượng thanh toán không dùng tiền mặt trong Ngày mua sắm trực tuyến năm 2015 có tăng so với năm 2014 nhưng việc người tiêu dùng lựa chọn thanh toán bằng thẻ vẫn hạn chế.

Đây là vấn đề cần được sớm khắc phục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát thuế của các cơ quan nhà nước cũng như góp phần hạn chế tỷ lệ giao dịch không thành công của các đơn hàng trong Thương mại điện tử.

Ông Tiên cũng thừa nhận, về giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS chưa nhiều, nhất là thanh toán thẻ nội địa qua POS. Thực tế triển khai thanh toán qua POS cũng còn những bất cập cần xử lý, như vẫn còn tình trạng một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán bằng thẻ; một số đơn vị bán hàng còn chưa mặn mà với việc thanh toán bằng thẻ do không muốn minh bạch doanh thu bán hàng…

Theo ông Tiên, một trong những nguyên nhân khiến phương thức thanh toán điện tử gặp khó khăn là công tác thông tin tuyên truyền cho người dân.

[quote_box_right]Vẫn còn tình trạng một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán bằng thẻ; một số đơn vị bán hàng còn chưa mặn mà với việc thanh toán bằng thẻ do không muốn minh bạch doanh thu bán hàng…[/quote_box_right]

Dù các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử đã được tích cực triển khai nhưng thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân còn khá phổ biến. Một số yếu tố khác gây cản trở, hạn chế sử dụng thanh toán điện tử như: lừa đảo qua mạng, trình độ văn minh thương mại, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, ngại công khai hóa thu nhập, doanh thu, sử dụng tiền mặt với những mục đích không minh bạch…

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử, trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP của quốc gia.

Bên cạnh đó, các bên cũng cần chung tay truyền thông thông tin để thanh toán điện tử thực sự trở nên quen thuộc, thân thiện và văn minh với mọi người dân; góp phần triển khai thành công các mục tiêu đặt ra tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế của Chính phủ (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016).

Nhuệ Mẫn

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close