Câu chuyệnKinh doanh
Vì sao ngôi làng giàu nhất nước Nhật có thể sẽ mất nghề kiếm bộn tiền?
Quá thiếu nhân lực, nhiều ngành nghề sẽ bị diệt vong dù ngành đó thực sự mang lại lợi nhuận cao cho nếu nó có thể tiếp tục tồn tại.
Đảo Hokkaido phía Bắc nước Nhật được mệnh danh “nông trại” lớn nhất nước Nhật với rất nhiều nông sản, hải sản chất lượng tốt, giá cả hợp lý…Thế nhưng những năm gần đây, đa phần các khu vực nuôi trồng trong đảo đều đối đầu với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
Trong đó phải kể đến ngôi làng Sarufutsu được biết đến với cái tên ngôi làng giàu có nhất nước Nhật. Thu nhập bình quân đầu người tại làng cao hơn bất kỳ địa phương nào trên khắp nước Nhật bởi thu nhập của các ngư dân ở đây rất cao.
Tình trạng thiếu nhân lực ngày một tồi tệ trong những năm gần đây khiến năng suất lao động của các nhà máy trong khu vực sụt giảm, nguồn thu nhập vì thế cũng đi xuống theo. Nhà máy trong làng không kiếm đâu ra đủ nhân lực cho nhiều vị trí mà chỉ con người mới có thể đảm nhận được.
Vấn đề này không chỉ đáng lo ngại với riêng ngôi làng mà nó tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành nghề trong xã hội Nhật. Quá thiếu nhân lực, nhiều ngành nghề sẽ bị diệt vong dù ngành đó thực sự mang lại lợi nhuận cao cho nếu nó có thể tiếp tục tồn tại.
Những con sò điệp được đánh bắt lên từ vùng biển gần khu làng được phơi khô sau đó xuất khẩu sang rất nhiều nhà hàng sang trọng ở Hồng Kông phục vụ cho người giàu có. Nếu tính theo giá trị, sò điệp hiện đang là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Hokkaido.
Tuy nhiên người lao động tại các nhà máy hiện nay phần lớn là phụ nữ già…và sau khoảng từ bẩy đến tám năm nữa, có thể sẽ không còn người Nhật nào làm việc trong nhà máy nữa, theo khẳng định của giám đốc điều hành một nhà máy chế biến sò điệp, ông Koichi Kimura.
Ông cho biết trước đây khi nhân công dồi dào, nhà máy có thể hoạt động 24 tiếng liên tục, quy mô sản xuất tăng gấp ba mà hàng sản xuất ra bao nhiêu bán hết ngần đó…Tuy nhiên để làm được điều đó thì cần đến thêm cả trăm nhân sự nữa.
Dân số của làng không giảm đi mà đi ngang trong những năm gần đây. Hiện nay trong tổng số 90 nhân công của nhà máy đang có 19 người Trung Quốc. Nhà máy không thể tuyển thêm lao động nước ngoài bởi sự ràng buộc của luật pháp. Chính vì vậy, họ đang rất cố gắng để thu hút thêm người đến sống ở thị trấn.
Trong suốt ba năm qua, những người đứng đầu làng đã tổ chức nhiều tour du lịch cho người đến từ nhiều vùng khác của Nhật để xem xét về tình hình cuộc sống của làng. Không chỉ vậy, ngôi làng còn mời hẳn một đầu bếp nhà hàng nổi tiếng ở Tokyo làm đại sứ du lịch cho làng.
Tuy nhiên bất chấp các nỗ lực của dân làng, rất ít người muốn làm việc và sinh sống tại đây bởi mức lương quá thấp.
Trong khi khoảng 250 người thuộc hiệp hội đánh cá của làng kiếm được thu nhập cao, công nhân trong xưởng chỉ được trả mức tối thiểu rất thấp, họ cũng chỉ được làm việc bẩy tháng một năm. Vào mùa đông, khi nhiệt độ trong vùng rớt xuống dưới mức âm 20 độ, nhà máy đóng cửa.
Nếu điều kiện sống và trả lương trong các nhà máy không cải thiện, sẽ rất khó để kiếm được người muốn đến sống trong làng.
Tuy nhiên hiệp hội cá của làng lại cho biết họ không tin rằng họ có thể nâng mạnh được mức lương: “Người trẻ Nhật chắc chắn sẽ không hào hứng nếu chúng tôi chỉ nâng lương một chút. Thế nhưng nếu chúng tôi nâng gấp đôi hoặc gấp ba lương lên, chắc chắn sẽ có lao động. Tuy nhiên khi đó chúng tôi cũng chẳng thể đủ sống.”
Dù hiện nay nhiều chuyên gia kinh tế và ngay cả Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đang nhắc đến tình trạng dân số giảm như một cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường tự động hóa và quyết liệt nâng cao năng suất lao động, tuy nhiên chẳng phải công việc nào cũng có thể sử dụng được máy móc.
Nhà máy của làng dù mới được khánh thành vào tháng Tư năm 2016 với đủ các trang thiết bị hiện đại nhất nhưng chắc chắn vẫn cần quá nhiều nhân lực. Không loại trừ khả năng, nhà máy của làng có thể sẽ phải di dời sang địa điểm khác vì quá thiếu người làm. Chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ có thể phát huy hiệu quả ở nơi khác nhưng có lẽ không phải ở ngôi làng này.
Bizlive