Trong môi trường công sở hiện nay, cơ cấu đội ngũ lãnh đạo đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, có khoảng 10.000 lao động thuộc thế hệ Baby boomer (những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh, khoảng những năm 1946 – 1964) đang nghỉ hưu mỗi ngày, và đến năm 2020, thế hệ Millennials (những người sinh ra trong khoảng 1980 – 2000) sẽ chiếm khoảng 50% lực lượng lao động tại Hoa Kỳ. Chính bởi các xu hướng đó mà ngày nay, phần lớn những vị trí lãnh đạo quan trọng đang được các nhà quản lý trẻ nắm giữ. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức cho cả bên quản lý và bên được quản lý.
Trên thực tế, việc trở thành nhà lãnh đạo trẻ là một thách thức đối với bất kỳ ai. Bởi vậy, cần hiểu rằng, muốn được người khác tôn trọng thì hãy đặt thành công của họ lên trước thành công của mình. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc họp nội bộ và tạo dựng môi trường đánh giá khách quan thúc đẩy nhân viên phát triển hơn nữa… Nếu áp dụng tất cả các biện pháp trên đều thất bại thì khi đó, “sa thải” sẽ là giải pháp tối ưu cần được xem xét.
Cụ thể, bài viết dưới đây đưa ra 10 phương án để trở thành nhà lãnh đạo trẻ được mọi người trọng vọng, đồng thời cũng đem lại những thông tin hữu ích cho những nhân viên chịu sự quản lý của các lãnh đạo trẻ:
1. Khẳng định bản thân trong thời gian ngắn nhất
Theo một bài báo của Harvard Business Review, các nhà lãnh đạo trẻ hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn đặc thù liên quan đến cách đồng nghiệp đánh giá họ tại nơi làm việc. Vấn đề chính ở đây là các cấp lãnh đạo còn non kinh nghiệm cũng như thiếu các kiến thức chuyên môn để gặt hái được nhiều thành công.
Để vượt qua thử thách này, các nhà lãnh đạo trẻ nên sớm hoạch định và chia sẻ mục tiêu với nhóm của mình. Dĩ nhiên, họ cũng phải bảo đảm hoàn thành những ý tưởng đề ra. Nếu triển khai sớm bước khởi sự này thì sự tín nhiệm họ có được sẽ ngày càng lớn.
2. Hết lòng vì lợi ích chung của cả nhóm
Có được sự kính trọng không còn là việc quá khó khăn một khi bạn khiến mọi người tin rằng bạn thực sự quan tâm đến mong muốn của họ.
Quan tâm đến lợi ích của một cá nhân không có nghĩa là bạn phải trở nên dễ dãi hay phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu đơn lẻ của một thành viên nào trong nhóm. Mà thay vào đó, bạn nên thể hiện sự quan tâm đến thành công chung trên cả hai phương diện riêng lẻ và tổng thể. Bạn nên dành thời gian để nhóm có thể thảo luận mọi vấn đề công việc cũng như khúc mắc cá nhân, và điều quan trọng hơn cả là hãy lắng nghe nhiều hơn và nói ít đi.
3. Hiểu rằng thành công của người khác cũng chính là thành công của mình
Sự khác biệt lớn nhất giữa một nhà lãnh đạo và một cá nhân ưu tú là tên tuổi nhà lãnh đạo được tạo dựng từ thành công của cả nhóm. Điều đó có nghĩa là người lãnh đạo luôn phải tìm cách tạo chỗ đứng cho đội ngũ của mình nếu như họ hoàn thành xuất sắc công việc. Qua đó, những người khác trong công ty sẽ nhanh chóng nhận ra rằng chính bạn là người dẫn dắt các thành viên trong nhóm gặt hái được thành tựu.
Là lãnh đạo trẻ, việc đặt thành công của cả nhóm lên ưu tiên hàng đầu cũng là một chiến lược hiệu quả để có được sự ngưỡng mộ của mọi người. Nếu nhân viên cảm thấy những nỗ lực của họ được bạn coi trọng, họ sẽ dễ cởi mở và đưa ra những nhận xét, đóng góp hữu ích cho sự phát triển của bạn.
4. Đưa ra những nhận xét khách quan
Nói về cách đánh giá, điều quan trọng là phải đưa ra những nhận xét thẳng thắn cho tất cả các thành viên trong nhóm. Đó là cách duy nhất giúp bạn ngày càng trở nên chuyên nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn, cựu giám đốc điều hành của GE – Jack Welch từng nói: “Bạn nên trân trọng các ý tưởng mà bạn cho là đáng được hoan nghênh… Nếu chăm chút nó, thành công sẽ đến với bạn”. Đồng thời, Welch cũng đề cao tầm quan trọng của việc đưa ra những nhận xét khách quan, giúp nhà lãnh đạo trở nên khác biệt với một cá nhân bình thường.
5. Tạo không gian tự chủ phù hợp cho đội ngũ nhân viên
Nếu quản lý vi mô tất cả mọi quy trình làm việc, bạn sẽ nhanh chóng khiến nhân viên thất vọng. Điều này càng đặc biệt đúng nếu sếp cũ đã từng là người khá thoải mái với tất cả mọi người.
Vì vậy, nên trao quyền tự chủ thích hợp cho nhân viên và có mức độ tin tưởng nhất định để đưa ra quyết định đúng đắn. Sau một thời gian áp dụng, hãy quyết định xem nhân viên có thể làm việc tự chủ hay không. Nếu họ không thể, hãy lên kế hoạch cải tiến hiệu quả hoạt động. Và nếu kế hoạch đó vẫn không có tác dụng, có lẽ bạn nên để họ ra đi.
Nhà lãnh đạo không nên là người quản lý vi mô mà nên là cộng sự hỗ trợ nhân viên.
6. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp cá nhân
Ben Horowitz được biết đến là một nhà đầu tư mạo hiểm và là cựu giám đốc điều hành của 2 công ty công nghệ thành công. Sau nhiều năm lãnh đạo, ông đã nhận ra tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc họp tế nhị với từng người trong đội ngũ.
Tổ chức cuộc họp cá nhân là dấu hiệu cho mọi người thấy, bạn luôn sẵn sàng tiếp sức cho thành công của họ, đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân có thể đưa ra yêu cầu và nhận được các phản hồi chính xác.
Hơn nữa, phương thức này còn là giải pháp giúp nhân viên của bạn có trách nhiệm hơn với công việc.
7. Học hỏi kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo khác
Không phải lúc nào cũng có người dành thời gian để trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn. Do vậy, việc cần làm là hãy xây dựng một mạng lưới các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để bạn có thể thoải mái trò chuyện mỗi khi có vấn đề xảy ra.
Tạo dựng một mạng lưới các nhà lãnh đạo thành công sẽ đẩy nhanh quá trình học hỏi và giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi hơn.
8. Rèn luyện tính kiên nhẫn
Hãy kiên nhẫn với chính bản thân và với toàn thể đội ngũ của bạn. Phải hiểu rằng, nếu bạn cần có thời gian để nâng cao kỹ năng quản lý thì mọi người cũng cần có thời gian để thích nghi với một lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tuổi.
Bên cạnh đó, hãy tạo một thói quen quản lý cho mình, chẳng hạn tổ chức các cuộc họp cá nhân thường xuyên và tự kiểm điểm bản thân. Dần dần, các thành viên sẽ coi bạn như một nhà lãnh đạo thực thụ.
9. Hành xử khiêm tốn
Theo một nghiên cứu được trích dẫn trong tờ Washington Post, các nhà lãnh đạo khiêm tốn chính là những nhà quản lý hiệu quả thực sự. Họ là những người biết đánh giá chính xác về điểm mạnh và điểm yếu, sẽ có khả năng dẫn dắt công việc tiến tới thành công và dễ dàng nhận được những đánh giá tích cực từ các thành viên trong nhóm.
Hành xử khiêm tốn có nghĩa là trân trọng những ưu điểm của cả nhân viên và tổ chức. Đồng thời, nó cũng chính là cách thức tích lũy mọi điểm mạnh và cơ hội để phát triển.
10. Thực hiện chiến dịch thay đổi nhân sự
Sau khi áp dụng cả 9 phương án trên mà vẫn không có tiến triển trong kế hoạch thay đổi cách nhìn nhận của đội ngũ nhân viên về những cố gắng của bạn, thì đó là lúc cần triển khai biện pháp thanh lọc đội ngũ nhân sự.
Các nhà lãnh đạo chân chính sẽ không giờ buông bỏ một khi họ đã rất bền bỉ thực hiện mọi chiến lược mà vẫn không có được sự tôn trọng của tất cả mọi người. Một “nhân viên bất hảo” sẽ gây tác động rất lớn trong việc thay đổi suy nghĩ của những nhân viên khác về nhà lãnh đạo trẻ. Do vậy, điều quan trọng cần làm là luôn linh động trong vấn đề yêu cầu thay đổi nhân sự.