Câu chuyệnKinh doanhTài chính - Ngân hàngThị trường

[Mạng xã hội chứng khoán] Bài học cay đắng khi dùng chiến thuật “trung bình giá xuống”

Chỉ có những kẻ thua cuộc mới trung bình giá xuống.

 

[Mạng xã hội chứng khoán] Bài học cay đắng khi dùng chiến thuật “trung bình giá xuống”

Nhiều người thường nói về chiến thuật Trung bình giá xuống như là một trong những chiến thuật hiệu quả giúp họ hạ giá vốn của khoản đầu tư và đặc biệt hiệu quả khi họ là chuyên gia trong việc định giá cổ phiếu.

Tuy nhiên cũng đã có rất nhiều người ăn quả đắng khi trung bình giá xuống. Bài viết trên mạng xã hội Stockbook của nickname Lucas Trader – quán quân cuộc thi “FA thánh chiến” đã cho thấy những rủi ro của chiến thuật này

ĐỪNG BAO GIỜ TRUNG BÌNH GIÁ XUỐNG

Một trong những bài học cay đắng nhất của tôi trong những năm đầu chơi chứng khoán chính là trung bình giá xuống. Nếu tôi mua một trăm cổ phiếu ở giá 50 và ba ngày sau nó chỉ còn 47, một trong những thôi thúc lớn nhất của tôi lúc ấy là mua thêm 100 cổ phiếu nữa để trung bình giá vốn xuống chỉ còn 48.5.

Bây giờ, thay vì phải lên lại 50 mới hòa vốn, tôi sẽ bán khi cổ phiếu lên lại 48.5 và vẫn đạt được hòa vốn, thật tuyệt phải không?

Nhưng nếu nó không lên lại 48.5 thì sao? Nếu cổ phiếu đó tiếp tục xuống chỉ còn 44? Không sao, tôi vẫn còn tiền. Tôi sẽ mua tiếp 200 cổ phiếu nữa ở giá này. Nếu tôi mua được ở giá 50 thì tại sao tôi lại không mua được ở giá 44 cơ chứ? Warren Buffett chả nói nếu giá cổ phiếu càng xuống thì ông càng mua thêm đó sao?

Và tôi tiếp tục mua thêm 400 cổ phiếu ở 41 và 800 cổ phiếu ở giá 38. Không hề gì. Tổng cộng, tôi đã mua 100×50 + 100×47 + 200×44 + 400×41 + 800×38 và giờ tôi có 1.600 cổ phiếu giá vốn trung bình 40.3.

Thật tuyệt đúng không, giá trên sàn vẫn là 38 và chỉ cần một phiên tăng trần thôi tôi sẽ gỡ lại tất cả. Thực ra tôi đang chơi trò martingale, một chiến thuật cá cược thịnh hành từ thế kỉ 18 ở Pháp. Đó là tôi sẽ có xu hướng đặt cược nhiều hơn sau mỗi lần thua với lí do là chỉ cần một lần thắng, tôi sẽ gỡ lại tất cả. Và tôi tin rằng chuỗi thua cược của tôi sẽ phải có lúc dừng lại.

Có hai vấn đề ở đây, một là tôi có bao nhiêu tiền để tăng mức đặt cược của mình sau mỗi lần thua? Nói cách khác, ví của tôi dày đến đâu để giúp tôi “trụ hạng”? Và hai là nếu như giá cổ phiếu KHÔNG BAO GIỜ quay lại mức 40.3 thì sao? Thay vì cắt lỗ ở 47 và lỗ 300; nếu tôi cắt lỗ ở 38 (giá hiện tại), tôi sẽ lỗ 3.680, gấp gần 12 lần mức lỗ ban đầu.

Và đấy còn là may mắn, nếu giá xuống 35 và tôi buộc phải bán vì một lí do nào đó, tôi sẽ lỗ 8.480, gấp 18 lần số lỗ ban đầu. Và khi đó thì “sự nghiệp chơi chứng” của tôi gần như sẽ đi đứt. Còn Buffett thì sao? Buffett chiến thắng bởi ông biết được giá trị nội tại của doanh nghiệp và ông chỉ mua nếu giá cổ phiếu thấp hơn giá trị đó, càng thấp hơn ông càng mua nhiều hơn.

Còn tôi? Tôi đương nhiên không phải là Buffett và tôi càng mơ hồ về giá trị nội tại của một doanh nghiệp và hơn nữa tôi không có được sự kiên nhẫn và càng không có tài khoản đủ dày để chịu đựng một đợt điều chỉnh mạnh như vậy. Và cuối cùng, tôi là một trader chứ không phải là một nhà đầu tư dài hạn có thể ôm một cổ phiếu tới 10 năm và không cần nhìn đến bảng giá của nó như Buffett.

Tôi cũng không trúng Vietlott thường xuyên đến mức nghĩ rằng giá cổ phiếu của tôi bỗng nhiên bật dậy vào ngày mai chỉ vì tôi may mắn. Tôi sẽ luôn nghĩ đến việc mình sẽ mất bao nhiêu tiền nếu như giá cổ phiếu xuống, thay vì chỉ mua và cầu nguyện là nó sẽ đi lên. Vì thế, tôi sẽ không bao giờ trung bình giá xuống. Chỉ có những kẻ thua cuộc mới trung bình giá xuống.

Theo Linh Linh

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close