Khởi nghiệpKinh doanh
10 thói quen tài chính giúp người khởi nghiệp thành công
Nếu như bạn đang ấp ủ cho mình ý tưởng khởi nghiệp và tự thân làm giàu, thì 10 thói quen tài chính hỗ trợ dưới đây chắc chắn là dành cho bạn.
Một nhà hàng mới xuất hiện và phục vụ những món ăn khá ngon. Khách hàng cũng thích nơi này, nhưng sau một thời gian hoạt động không lâu, họ phải đóng cửa. Thông thường, mọi người sẽ giả định rằng sự thất bại này là do thị trường có quá nhiều đối thủ cạnh tranh và nhà hàng nọ không tìm được cơ hội để trụ lại.
Thế nhưng, nếu như có ý tưởng tốt và đã nỗ lực hết sức, thì không có lý do gì để thất bại dù cho bối cảnh cạnh tranh có gay gắt thế nào đi nữa. Với các doanh nhân khởi nghiệp, mọi thứ đều bắt đầu với những thói quen tài chính có tác động tích cực đến việc kinh doanh.
1. Chi ít trước khi chi nhiều
Một doanh nhân cần thận trọng với chuyện chi tiêu ngay từ khi mới bắt đầu khởi nghiệp. Bạn chỉ nên mua những thứ thật sự thiết yếu cho việc kinh doanh. Và, hãy luôn tự đặt ra những câu hỏi như: Có cần phải mua toàn bộ ghế mới hay ghế cũ cũng dùng được? Máy tính cũng vậy, có nhất thiết phải dùng loại hàng hiệu và mới toanh hay chỉ cần tận dụng chiếc laptop 2 năm tuổi? Những doanh nhân thành công không khởi nghiệp bằng việc mua sắm các thứ xa xỉ, họ bắt đầu với việc mua những thứ cần thiết nhất.
2. Học hỏi từ những rủi ro nhỏ
Thị trường liên tục thay đổi và nhiều doanh nhân thành công đã tìm được cách thích ứng như sau: Thay vì tung ra một sản phẩm có mức đầu tư khủng, họ sẽ phát triển một dự án thử nghiệm, và cân nhắc sử dụng khoản đầu tư tối thiểu để xem phản ứng, sự đón nhận của thị trường. Hơn nữa, cách làm này sẽ bảo vệ nhà khởi nghiệp khỏi rủi ro tài chính. Nếu vụ đầu tư thất bại, việc kinh doanh cũng không bị nhấn chìm theo. Chấp nhận rủi ro nhỏ, học hỏi và tiếp tục nâng quy mô phát triển lên.
3. Thị trường luôn quyết định
Thị trường không bao giờ sai cả. Mọi doanh nhân khao khát thành công đều cần nhìn vào thị trường và đặt thị trường trước họ cũng như ý tưởng của họ. Dù cho một ý tưởng có tuyệt vời ra sao, nó cần phải được thị trường công nhận và khả thi về mặt tài chính thì mới đáng để theo đuổi. Người khởi nghiệp đừng bao giờ đặt cái tôi cao hơn thị trường.
4. Thực tế trong xây dựng ngân sách
Nhiều chủ doanh nghiệp phải rời khỏi thương trường vì không hiểu cách xây dựng ngân sách, không nắm được chi phí vận hành. Người khởi nghiệp cần bắt đầu bằng việc hiểu được điểm hòa vốn và xây dựng một ngân sách thực tế cho tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Như thế, họ có thể vận hành doanh nghiệp một cách thích hợp
5. Theo dõi chi phí
Những chi phí trị giá vài trăm ngàn đồng có vẻ không lớn nhưng nếu không thể sử dụng hiệu quả các khoản nhỏ này thì tốt hơn nên loại bỏ chúng nếu như có thể. Tránh được việc lãng phí các khoản chi phí nhỏ có thể giúp một doanh nghiệp mới tiết kiệm được không ít tiền và tiến xa hơn trong phát triển kinh doanh.
6. Nắm được những biến động của dòng tiền
Theo nhà khởi nghiệp và tác giả người Mỹ Ed O’Keefe, chìa khóa quan trọng nhất để bắt đầu một doanh nghiệp mới là vạch ra kế hoạch tài chính trong tương lai và phát triển công ty cùng với kế hoạch này. Rất nhiều người khởi nghiệp rơi vào cái bẫy của sự ảo tưởng. Việc kinh doanh đang phát triển và mọi thứ có vẻ rất tốt. Khách hàng đang đến với doanh nghiệp. Trên lý thuyết, ý tưởng kinh doanh đang thành công. Nhưng doanh nghiệp lại không có đủ dòng tiền dương để duy trì hoạt động trong ngắn hạn. Trước khi chính thức ra mắt, nhà khởi nghiệp phải bảo đảm rằng họ có thể trang trải mọi chi phí cho đến lúc có lợi nhuận.
Một doanh nhân thành công phải nắm rõ từng khoản nợ. Họ cần hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính, lý do nào có thể khiến họ bị khởi kiện. Nếu mọi thứ đều suôn sẻ thì quá tuyệt vời, nhưng cũng có những lúc việc kinh doanh sẽ gặp khó khăn. Vào một thời điểm như thế, người chủ doanh nghiệp phải nắm được các khoản nợ phải trả và trách nhiệm pháp lý bắt buộc đối với họ.
8. Hiểu luật thuế
Các chủ doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp rất nhỏ cũng có thể gặp rắc rối nếu không hiểu rõ luật thuế doanh nghiệp. Và, nên nhớ là luật cũng thay đổi nên các doanh nhân cần biết, cập nhật ngay những thay đổi này. Luật thuế nên là một phần trong những kiến thức mà doanh nhân cần biết và đưa vào kế hoạch ngân sách.
9. Hiểu được giá trị của từng đồng tiền
Mới nghe thì có vẻ ngớ ngẩn. Nhưng có phải ai cũng thật sự làm được chuyện này? Một doanh nhân có thể dành thời gian của họ để làm những việc mà người khác có khả năng làm tốt, nhanh hơn và với chi phí rẻ hơn so với “giá trị thời gian” của họ. Giả dụ, một doanh nhân có thể kiếm được 100 USD mỗi giờ nhưng lại dành thời gian để giải quyết các email dịch vụ khách hàng thì có lẽ người này lại đang lãng phí khoảng 90 USD mỗi giờ.
10. Xây dựng mạng lưới quan hệ
Các doanh nhân thành công hiểu rằng bền vững tài chính không phải là một mục tiêu ngắn hạn. Trên hành trình xây dựng doanh nghiệp, họ cần có các mối quan hệ với những đối tác có thể giúp họ phát triển. Việc kết giao, xây dựng và duy trì những mối quan hệ tốt có ý nghĩa quan trọng với sự thành công của doanh nhân khởi nghiệp.
SỸ ANH