Dù nơi làm việc của bạn có thoải mái đến đâu, vẫn có những điều không được phép tùy tiện nói ra trước mặt cấp trên.
1. “Điều này không thể làm được”
Pete Lamson, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng dịch vụ phần mềm JazzHR cho biết: “Tôi đã vô cùng thất vọng và tức giận khi nghe câu nói “Chúng tôi không thể làm được” hay “Điều này không thể làm được”.
Là một tổ chức, một tập thể, hoàn toàn có thể xử lý những vấn đề khó, chỉ cần đặt toàn bộ tâm trí và công sức vào nó. Khi bắt tay vào thực hiện, giải pháp sẽ trở nên rõ ràng, đó chính là chìa khóa của sự đổi mới chứ không phải là dập tắt ngay từ đầu.
2. “Chúng tôi đã luôn xử lý vấn đề theo cách này…”
Jim Whitehurst, Giám đốc điều hành của công ty phần mềm Red Hat chia sẻ rằng, ông muốn nhân viên của mình tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở. Tuy nhiên, câu “chúng tôi đã luôn xử lý vấn đề theo cách này…” là điều không người đứng đầu nào muốn nghe.
Cụm từ này trái ngược với các giá trị cốt lõi về trách nhiệm, sự minh bạch, văn hóa làm việc chung và cởi mở, sẵn sàng tiếp thu ý kiến để thay đổi cho tốt hơn.
3. “Nếu không được tăng lương, tôi sẽ nghỉ việc”
Chuyên gia nghề nghiệp Vicki Salemi nói: “Bạn không nên đe dọa sếp mặc dù bạn nghĩ hành động này sẽ thành công”. Thực tế, sếp bạn sẽ nghĩ: “Được thôi, nếu muốn thì cứ nghỉ đi”.
Trong một tập thể công ty, có thể thiếu rất nhiều nhân sự nhưng sẽ không bao giờ thiếu một người. Bạn nên nhớ như vậy, đừng vì một chút bốc đồng mà phải hối hận.
4. “Tôi quyết định thay đổi công việc mới vì ở đây tôi không thấy hài lòng”
Nếu không tìm được niềm vui và không nhìn thấy tương lai trong công việc, bạn cũng đừng vội trách móc người quản lý bởi có thể do chính bạn chưa đủ năng lực hoặc chưa cởi mở. Sẽ không công bằng nếu bạn khăng khăng ra đi, hoặc vô tình nói ra mà chưa tìm hiểu kỹ càng.
Điều quan trọng là bạn phải cho sếp cơ hội làm mọi thứ để đáp ứng nhu cầu của bạn trước khi bạn quyết định từ bỏ công việc. Hầu hết mọi ông chủ đều mong muốn nhân viên chia sẻ những vấn đề của họ sớm hơn trước khi từ bỏ việc.
Dù luôn có ranh giới giữa người quản lý và nhân sự, nhưng chẳng có sếp nào muốn xa lánh nhân viên mà không có lý do.
5. “Công việc khiến tôi quá tải”
Văn phòng là nơi làm việc chứ không phải nhà của bạn. Ngay cả khi bạn rất gần gũi với sếp nhưng cũng đừng vì thế mà tỏ ra thiếu chuyên nghiệp. Họ vẫn là người giám sát bạn và đòi hỏi sự nghiêm túc. Khi chậm trễ hay quá tải công việc, thay vì phàn nàn với sếp, hãy tự tìm cách sắp xếp để hoàn thành công việc rồi mới báo láo lên trên.
6. “Tôi nên làm gì?”
Nếu gặp vấn đề cần hỏi ý kiến sếp, bạn nên tìm hiểu kỹ những gì cần hỏi hoặc chuẩn bị trước những giải pháp để trình bày với sếp, tránh trường hợp bị người quản lý nghĩ rằng bạn bị “ngơ” hoặc nghi ngờ năng lực.
7. “Chúng ta không đạt được mục tiêu vì…”
Biện hộ không giúp bạn bớt đi trách nhiệm hay sửa chữa hậu quả. Hãy giải quyết vấn đề ngay khi bạn nhìn thấy chúng, chứ đừng đợi đến thất bại rồi mới đổ lỗi hay viện lý do.
8. “Tôi chán”
Paul McDonald nói: “Một nhà quản lý có thể nhận thấy sự “buồn chán” của bạn trong công việc và sẵn sàng gửi một bức thư cảnh báo rằng bạn đang kéo tinh thần những người xung quanh đi xuống”.
Nếu bạn đang gặp một thách thức khiến bạn chán nản, hãy tìm ra giải pháp hoặc đề xuất cải tiến công việc để nhờ sự hỗ trợ từ người quản lý. Biết đâu bạn sẽ được sếp đánh giá cao.
9. “Tôi không muốn làm việc cùng cô A/cậu B”
Mâu thuẫn cá nhân là chuyện không tránh khỏi ở nơi làm việc nhưng đừng nói với sếp là bạn không thể làm việc cùng với ai đó công ty, điều đầu tiên phải làm đó là giải quyết xung đột.
Bất cứ sự yêu, ghét theo cảm tính nào đó diễn ra ở văn phòng và nó chẳng liên quan đến sếp của bạn.
Andy Bailey, CEO Petra Coach cho biết: “Điều này làm cho các nhà lãnh đạo gặp khó khăn. Họ sẽ nghĩ bạn đang đưa ra yêu sách và gây ấn tượng không tốt và bắt sếp phải lựa chọn.
10. “Nhiều việc phải làm quá..”
Không nhà lãnh đạo nào muốn một nhân viên hay than phiền.
Aubrey Quinn, phó chủ tịch công ty truyền thông Clyde nói: “Đây là một trong những điều tồi tệ nhất tôi từng nghe từ nhân viên”.
Đây là công việc và bạn được trả lương để làm điều này. Nhà quản lý mong đợi thấy được thái độ tích cực từ nhân viên thay vì những lời than phiền.
11. “Đó không phải việc của tôi”
Nếu không muốn đặt sếp vào tình huống khó xử thì đừng bao giờ nói cụm từ này.
Ngay cả khi đó không phải công việc của bạn, nhà quản lý không bao giờ muốn nghe bạn thẳng thắn từ chối. Bạn có thể kiệt sức vì quá tải công việc, nhưng điều đó là không thể chấp nhận được ở góc độ nhà quản lý. Nghe có vẻ khó khăn, nhưng điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và tinh thần không hợp tác trong công việc.
Khi được hỏi một công việc không liên quan đến bạn, hãy giữ thái độ cởi mở. Nhà quản lý sẽ rất vui khi thấy một tập thể cân bằng và hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, ngay cả khi đó không phải công việc của bạn, hãy thể hiện rằng bạn sẵn sàng giúp đỡ họ bất cứ lúc nào.
Theo Business Insider
Thời Đại