Nhiều phụ huynh rất háo hức giúp con học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ là giúp trẻ hình thành nhận thức tích cực về việc giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Khi trẻ được tiếp xúc với ngoại ngữ từ nhỏ, chúng có xu hướng nhìn nhận ngôn ngữ này một cách tích cực và việc học một ngoại ngữ trở thành một việc rất thoải mái với trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn bắt buộc trẻ phải nói một ngôn ngữ thứ hai ngay cả khi trẻ kháng cự, nghĩa là bạn đang có nguy cơ tạo ấn tượng tiêu cực với trẻ về ngôn ngữ đó.
Dưới đây là một số gợi ý để cha mẹ giúp trẻ hứng thú với tiếng Anh:
1. Nới lỏng khi cần thiết
Một số cha mẹ cho rằng chỉ sử dụng ngôn ngữ thứ hai ở nhà là một cách tốt để giúp trẻ học ngôn ngữ đó. Đó là một ý tưởng đáng khen ngợi, tuy nhiên cách này có thể khiến trẻ nản chí khi trẻ muốn cha mẹ nói chuyện với chúng bằng ngôn ngữ bản địa. Khiến trẻ nảy sinh cảm xúc tiêu cực với ngoại ngữ là điều mà không bậc phụ huynh nào mong muốn, và cũng chẳng có cha mẹ nào muốn trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp với mình.
Không có gì quan trọng hơn việc bạn có thể giao tiếp tốt với trẻ. Nếu đứa trẻ của bạn thể hiện sự thất vọng khi bạn cố gắng giao tiếp với chúng bằng tiếng Anh, có thể đã đến lúc bạn phải nới lỏng nguyên tắc và sử dụng ngôn ngữ bản địa. Bạn nên để trẻ cảm thấy thoải mái 100% khi giao tiếp với bạn.
2. Để trẻ thấy bạn cũng thích tiếng Anh
Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ thích thú khi làm một việc gì đó là hãy để trẻ thấy rằng bạn cũng thích thú với hoạt động đó. Hãy để trẻ nhìn thấy bạn đọc sách, báo tiếng Anh, xem DVD, nghe nhạc tiếng Anh và nói tiếng Anh với một người bạn. Nếu bạn muốn trẻ yêu thích tiếng Anh, hãy cho chúng thấy bạn cũng vậy.
3. Sử dụng những câu tiếng Anh mà không buộc trẻ phải đáp lại
Nếu một đứa trẻ bị buộc phải đáp trả bằng ngôn ngữ thứ hai mà chúng cảm thấy khó khăn, trẻ có thể trở nên thất vọng và nản chí một cách dễ dàng. Bạn có thể sử dụng nhiều câu tiếng Anh mà trẻ không cần phải đáp lại.
Ví dụ như hãy dùng những câu mệnh lệnh đơn giản như “Đi giày vào con”, “Chúng ta đi nào”, hay “Đưa cho mẹ quả táo”…
4. Cho con tiếp cận với tiếng Anh
Hãy nhớ rằng đầu vào là cần thiết. Hãy tìm một số cách thức mà con bạn thích như DVD, CD và để trẻ tự thưởng thức theo cách của mình. Đôi khi, chúng ta có những kỳ vọng không thực tế với những đứa trẻ học ngoại ngữ từ nhỏ. Ngay cả một đứa trẻ bản xứ cũng cần phải có thời gian mới có thể bắt đầu sử dụng tiếng Anh. Hầu hết tất cả người học ngoại ngữ đều phải trải qua “quá trình im lặng” trước khi bắt đầu tự sử dụng được ngôn ngữ đó. Đương nhiên là quá trình im lặng của một đứa trẻ thì thường có thể khá dài.
Hãy để trẻ bắt đầu sử dụng tiếng Anh theo tốc độ của riêng mình. Bên cạnh đó, hãy tìm một số cuốn truyện tranh tiếng Anh hay mà trẻ thích và đọc cho con nghe. Hãy thận trọng với việc thay toàn bộ sách bản ngữ bằng sách tiếng Anh. Để phát triển ngôn ngữ, việc bạn đọc cho con nghe bằng ngôn ngữ bản địa là cực kỳ quan trọng.
5. Tập trung vào những mặt tích cực
Học ngôn ngữ thứ hai nên là một trải nghiệm tích cực. Hãy nhớ rằng đây không phải một cuộc đua. Nếu bạn cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh một cách thường xuyên và thông qua những cách vui vẻ thì sẽ rất tốt. Nếu bạn đẩy trẻ đi quá nhanh, trẻ sẽ bắt đầu phản kháng. Hãy tập trung vào những mặt tích cực. Hãy khen ngợi trẻ nhưng đừng quá lời và đừng khiến trẻ cảm thấy rằng nói tiếng Anh là một điều phi thường.
Vietnamnet