Khởi nghiệpKinh doanh
9x làm giàu từ mô hình cắt tóc hi-tech
Nhóm 5 chàng trai khởi nghiệp với việc “công nghệ hóa” nghề cắt tóc khi xây dựng và triển khai chuỗi salon với quy trình từ đặt lịch, cắt, gội và chăm sóc khách hàng đều thông qua phần mềm.
Sinh năm 1990, Nguyễn Huy Hoàng (Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Xây dựng bắt tay vào phát triển dự án mở chuỗi salon được hơn một năm nay sau khi ra trường đi làm và thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau. Với những vị trí từng trải nghiệm, Hoàng nhận ra muốn xây dựng mô hình kinh doanh tốt và bền vững thì cần phát triển những lợi thế gốc từ chính dịch vụ, sản phẩm.
Nhận thấy người Việt vốn khéo tay và khá thành công với những nghề thủ công như làm nail, nấu ăn, cắt tóc… Hoàng nảy ra ý tưởng sẽ bắt đầu từ công việc này. Anh chọn nghề làm tóc nhưng là tóc nam – vốn là một trong lĩnh vực chưa được nhiều salon đầu tư một cách chuyên nghiệp và bài bản. Tuy nhiên, nếu chỉ làm theo cách cũ thì không ổn, Hoàng muốn “công nghệ hóa” nghề này để có thể tăng hiệu quả và chất lượng phục vụ.
Hệ thống đặt lịch online của chuỗi salon nhằm tránh tình trạng khách hàng đến phải xếp hàng chờ đợi. Ảnh: NVCC |
Tháng 5/2015, Hoàng cùng 4 người bạn đều ở lứa tuổi 9X – thành lập nhóm dự án 30Shine và bắt tay vào triển khai chuỗi salon dành cho khách hàng nam giới với những sản phẩm, dịch vụ chăm sóc da mặt, da đầu, tạo kiểu tóc… Trong số 5 thành viên, khi đó chưa có ai hiểu gì về ngành này.
Để hạn chế việc phải xếp hàng, chờ đợi lâu khi đến salon như tình trạng vẫn thường xuyên xảy ra ở các cửa hàng cắt tóc thông thường, khách hàng muốn sử dụng dịch vụ chỉ cần vào website đặt lịch cắt, chọn thợ và địa điểm. Khi đã đăng ký thành công, hệ thống phản hồi và khách hàng chỉ cần tới địa điểm đã chọn vào khoảng thời gian đã đặt lịch để cắt tóc, chấm điểm và ra về. Các dịch vụ tại cửa hàng được thực hiện gói gọn trong quy trình khoảng 30 phút và đặc biệt đều được đo, đếm bằng máy móc.
“Hệ thống đặt lịch trước cũng tương tự khách hàng đặt vé xem phim. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm gần hoàn chỉnh thiết bị quản lý chất lượng dịch vụ gội đầu, hướng dẫn thao tác, quản lý thời gian đúng đến từng giây bằng cảm biến”, Hoàng chia sẻ.
Ngay từ đầu, nhóm cũng xác định mục tiêu phải tạo ra sự khác biệt với hệ thống dịch vụ cắt tóc khép kín, kết hợp công nghệ để gia tăng chất lượng dịch vụ. Khi bắt tay vào dự án cũng là lúc Hoàng cho triển khai xây dựng phần mềm độc quyền giúp hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin về khách hàng. Cùng với đó, các thợ cắt tóc cũng có có phần mềm riêng trên điện thoại để quản lý công việc hàng ngày, có hệ thống thi đua tay nghề và khách hàng tự đánh giá cho điểm thợ tương tự như ứng dụng gọi xe Uber.
Dịch vụ gội đầu, hướng dẫn thao tác, quản lý thời gian… với mỗi khách hàng đều được đo đếm bằng máy móc. Ảnh: NVCC |
Sau hơn một năm phát triển, từ một địa điểm salon thử nghiệm chỉ 40m2 tại Hà Nội, hiện Hoàng cùng các cộng sự đã phát triển được 4 salon lớn với diện tích tiêu chuẩn 300m2 và gần 150 nhân viên. Lượng khách đến các salon vào khoảng 18.000 đến 20.000 người mỗi tháng. Đến cuối năm nay, dự kiến hệ thống sẽ mở được 7 salon và phát triển thêm thị trường TP HCM. Hoàng cũng nuôi tham vọng trong tương lai sẽ phát triển hệ thống ở thị trường nước ngoài.
Thừa nhận hiện nay trong ngành tóc, giá trị gia tăng từ tóc nam không cao như với tóc nữ, song Hoàng cho biết đó là lý do anh xây dựng bộ phân nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thể đưa ra những chiến lược nhằm nghiên cứu phát triển sản phẩm một cách liên tục. Từ đó sẽ góp phần gia tăng lợi nhuận từ nhóm khách hàng này nam giới và không có ý định “tấn công” vào thị trường tóc nữ.
“Ban đầu, nhiều người khá thắc mắc vì chẳng có ai đi ngồi nghiên cứu về quy trình cắt tóc. Nhưng mình nghĩ cần phải làm điều đó mỗi ngày để giúp tăng năng suất cho người thợ và tăng giá trị dịch vụ cho khách hàng”, Hoàng chia sẻ.
Bởi theo Hoàng, trong ngành tóc nam để có giá trị gia tăng tốt cần phải giải được 2 bài toán. Thứ nhất là đào tạo, nâng cao hiệu suất làm việc của người thợ. Thứ 2 là làm sao để khách hàng nhận được những dịch vụ đồng nhất.
“Bên cạnh việc đào tạo những stylist có chuyên môn tay nghề cao trong một thời gian ngắn nhất, việc đầu tư nghiên cứu quy trình, dịch vụ để giúp họ nâng cao được hiệu suất làm việc cũng rất quan trọng. Phải làm sao để các stylist làm việc có thu nhập cao hơn việc tự mở cửa hàng nhỏ thì họ mới có thể gắn bó với công ty. Và ngược lại, những người thợ chuyên môn tay nghề cao và đồng đều, khách hàng mới giảm thiểu thời gian chờ đợi và nhận được những dịch vụ đồng nhất”, Hoàng chia sẻ. Do đó, theo anh, cùng với việc xây dựng công nghệ chấm điểm thì nhóm cũng đặt mục tiêu phải luôn nghiên cứu để cải tiến, hoàn thiện quy trình.