Doanh nghiệpKinh doanh
Bẫy Facebook giăng đón người dùng đang ‘gậy ông đập lưng ông’
Cách đây đã hơn 10 năm, Zuckerberg và nhóm phát triển Facebook đã cho ra đời công cụ lan truyền thông tin hữu hiệu nhất hiện nay: News Feed. Và cũng chính công cụ này lại đang khiến Facebook khốn đốn.
Sau 1 thập kỉ, chẳng ai có thể nhớ giao diện News Feed thuở sơ khai trông như thế nào, nhưng không thể phủ nhận, Facebook News Feed đã trở thành công cụ liên kết cũng như phổ biến thông tin hiệu quả nhất thế giới.
Hiện tại, Facebook đạt tới con số 1,79 tỉ tài khoản được đăng kí. Theo thống kê từ Statista, những người dùng ở độ tuổi từ 18-24 có trung bình tới hơn 650 bạn bè trên Facebook, chứng tỏ mức độ kết nối đã tăng rất cao nhờ mạng xã hội này.
Làm thử một phép tính đơn giản để tìm hiểu độ phủ sóng thông tin hiện giờ của Facebook.
Trung bình mỗi tài khoản mạng xã hội có tương tác với 90 tin tức/tháng. Cùng với 650 người bạn của mình, người đó sẽ nhận được thông tin từ 58.500 tin tức hàng tháng. Đó là lượng thông tin bạn có thể nhận được trong 1 tháng chỉ với… Facebook.
Giống như Zuckerberg đã lường trước được sự phát triển của tin tức từ khi Facebook còn mới “lọt lòng”, nội dung luôn được ưu tiên phát triển trước nhất. Facebook xây dựng mọi thứ xoay quanh yếu tố nội dung, lấy đó là cốt lõi để phát triển, hình thành mạng xã hội.
Ngay từ những ngày đầu, Facebook đã luôn theo tôn chỉ “Move fast & break things” (tạm dịch: Liên tục phát triển và phá vỡ những mục tiêu). Họ phát triển nhanh tới mức luôn đón đầu những nhu cầu của người dùng.
Thị hiếu của người dùng trở thành mối quan tâm hàng đầu của Facebook, họ có riêng một đội ngũ các nhà khoa học làm việc tại trụ sở chính ở California chuyên làm việc ở mảng này.
Mọi tương tác nội dung mà chúng ta thực hiện đều được ghi lại vào các thuật toán. Nhờ đó một thông toán thông minh ra đời, đưa những điều chúng ta thường quan tâm lên đầu trên News Feed.
Nói cách khác, Facebook thường sắp xếp cho chúng ta thấy những gì chúng ta muốn thấy theo mức độ phù hợp với tính cách từng người.
Nhưng mọi chuyện lại đang theo chiều hướng xấu đi với Facebook
Donald Trump – người được cho là không có cơ hội chiến thắng trong cuộc chạy đua vào nhà Trắng với ứng cử viên còn lại Hilary Clinton, chính thức trở thành tân Tổng thống Mỹ.
Báo giới Mỹ luôn chĩa mũi nhọn vào Facebook, vì cho rằng mạng xã hội này đã tiếp tay cho những thông tin giả mạo, sai lệch, dẫn đến việc các cử tri Mỹ có lựa chọn “sai lầm”.
Liên tiếp theo đó là những trục trặc hệ thống từ Facebook, ngay cả trang cá nhân của Zuckerberg cũng gặp vấn đề với tuyên bố bị “từ trần” cách đây không lâu.
Facebook hiện đang chiếm tới 28% của tất cả các hoạt động trực tuyến. Điều này không quá bất ngờ, vì mọi phương tiện truyền thông hay nền tảng nội dung đều có đường dẫn, hoặc chia sẻ đến Facebook.
Thực chất, tin tức trên các phương tiện truyền thông chưa hẳn là vấn đề. Quan trọng là quan điểm của người dùng với nội dung đó. Ngay bản thân chúng ta cũng cần phải có một cái nhìn thực tế hơn về vấn đề mà chưa chắc chúng ta biết rõ.
Zuckerberg không phủ nhận Facebook đã tiếp tay cho những thông tin “thiếu minh bạch”, về cách quản lý nội dung, nhưng không nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Bởi nếu một người yêu thích, ủng hộ bà Hilary Clinton, News Feed sẽ chỉ hiện lên những thông tin có lợi cho ứng cử viên này là điều… đương nhiên.
Zuckerberg cũng chỉ ra, chính người dùng cũng phải chịu trách nhiệm không nhỏ với những nội dung mà họ tham khảo.
Những sự kiện quan trọng trong nước, hoặc quốc tế dễ dàng hình thành một xu hướng trên mạng xã hội. Đó là nơi các giả thuyết, tin tức không chính xác được mang lên bàn luận và lan truyền.
Tóm lại, chào mừng các bạn đến với ma trận thông tin trên Facebook. Hãy cố gắng “giữ mình”. Trở thành một người dùng thông minh biết mình nên thu nhận những tin tức gì, đón nhận nó ra sao, và phản ứng với nó như thế nào.
Theo Trí Thức Trẻ