Khởi nghiệpKinh doanh
Giờ vàng đã điểm! Là công dân Đông Nam Á, nếu ấp ủ làm startup, bạn nhất định phải làm trong năm 2017
Ngoài những rào cản đang dần được dỡ bỏ, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới đều đang hứa hẹn sẽ rót lượng tiền khổng lồ vào các công ty khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á trong năm tới!
Năm 2017 sẽ là “năm startup Đông Nam Á”. Rất nhiều tên tuổi lớn gồm cả 500 Startups Management và Google đều đang để mắt tới khu vực này.
Tiềm năng tăng trưởng trở thành nền kinh tế Internet trị giá 200 tỷ USD “là một ý tưởng đã đến hồi chín muồi”, theo Sajith Sivanandan – người phụ trách thị trường Malaysia, Việt Nam, Philippines và một số thị trường mới nổi khác tại Google cho biết.
Google đã nhắm tới khu vực Đông Nam Á được một thời gian dài. Họ cùng với Temasek Holdings tiến hành một nghiên cứu nhận thấy thị trường thương mại điện tử của khu vực này sẽ tăng 16 lần lên mức 88 tỷ USD tới năm 2025.
500 Startup – một trong những quỹ đầu tư đổ nhiều tiền nhất vào khu vực cũng đã thêm Philippines vào danh sách những quốc gia sẽ nhận đầu tư của hãng sau khi rót 10 triệu USD vào các doanh nghiệp mới tại Thái Lan và Việt Nam.
Tiềm năng là vậy nhưng thị trường này vẫn còn nhiều thử thách.
Một trong số đó là việc mở rộng phạm vi các khoản đầu tư. Đến nay, khoản tiền lớn nhất dành cho các startup đều được thực hiện ở các quốc gia giàu có như Singapore hay lớn nhất là tại Indonesia theo dữ liệu từ CB Insights.
Dẫu vậy, điều này cũng không quá đáng lo ngại. Cả về phương diện kinh tế và logic thì việc 2 quốc gia kể trên thu hút đầu tư đầu tiên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để biến khu vực này trở thành một trung tâm khởi nghiệp của thế giới, số tiền vốn cần được trải rộng hơn.
Một thử thách khác là việc phải nhanh chóng loại bỏ văn hóa copycat. Cả 3 starutp được gây quỹ nhiều nhất trong khu vực gồm 1 ứng dụng gọi taxi và 2 hãng bán lẻ đều thật sự không phải xuất phát từ một ý tưởng đột phá, mởi mẻ hoàn toàn.
Một lần nữa phải nói rằng điều này cũng không quá đáng lo. Bắt chước không hoàn toàn là xấu, nếu tận dụng được đây sẽ là bước đầu trong quá trình đổi mới. Nhiều người thường khởi đầu bằng việc chê bai các sản phẩm của người khác, tìm ra cách thức chúng hoạt động và cuối cùng là cố gắng xây dựng một sản phẩm của chính họ.
Mọi người thường chỉ trích những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chỉ copycat mà quên mất hàng cơ số những đổi mới họ thêm vào sản phẩm nhằm đáp ứng khẩu vị của khách hàng địa phương.
Rào cản cuối cùng là việc kết nối những nền kinh tế khác nhau để việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn. Lấy ví dụ như một quỹ đầu tư vốn đã thành công tại Singapore cần phải làm gần như từ đầu nếu muốn mở rộng sang thị trường Malaysia do những quy định khác biệt về thuế, hàng hóa, dịch vụ và vốn.
Tin vui là chính phủ các nước đều đã nhận ra những thách thức này và đang nỗ lực giải quyết. Phát biểu tại hội nghị vừa qua của Bloomberg, Bộ trưởng bộ thương mại Malaysia là Mustapa Mohamed nói rằng các nước trong khu vực đang tiến hành giảm tải các rào cản cho kinh doanh.
Nếu những nỗ lực kể trên được thực hiện, 2017 chắc chắn là năm hoàn hảo để khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg