CEO ViệtNhân vật

Ông chủ YOLA: Làm giáo dục cần có tâm và tầm nhìn dài hạn

Trung tâm Anh ngữ YOLA bắt đầu từ một nhóm du học sinh khởi nghiệp nay đã trở thành một thương hiệu đào tạo tiếng Anh học thuật và luyện thi du học nổi tiếng trên thị trường.

Tổng giám đốc Phạm Anh Khoa chia sẻ: “Xu hướng học tập ngày nay không còn giới hạn trong bốn bức tường, cần vun đắp sức sáng tạo cho giới trẻ nhưng cũng đòi hỏi đảm bảo công bằng trong sự tiếp cận các cơ hội giáo dục”.

* Sau 8 năm tham gia thị trường giáo dục, theo ông lĩnh vực này có những thay đổi đáng kể nào?

– Ngày càng nhiều quỹ đầu tư giáo dục vào Việt Nam, như Tập đoàn Giáo dục Cognita mua Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) và Trường Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl, Trường Quốc tế Anh (BIS) bán cho Nord Anglia, Quỹ TPG đầu tư vào hệ thống Trường Việt Úc (VAS), EQT đầu tư vào Trung tâm Anh ngữ ILA, IFC đầu tư vào Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS)…

Những tên tuổi như Cognita hay Nord Anglia chuyên phát triển và quản lý trường quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới, mỗi nơi họ đều có hệ thống trường và các trường tại Việt Nam trở thành những thành viên trong các chuỗi đó.

Nhìn chung, sự tham gia của những quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ tạo ra môi trường giáo dục mới mẻ, không chỉ bổ sung nguồn vốn mà còn điều hành chuyên nghiệp hơn. Theo tôi đây là bước chuyển dịch từ không gian quản lý theo kiểu cá nhân hay gia đình sang hướng chuyên nghiệp và việc cạnh tranh vì thế cũng mạnh hơn. Thế mạnh của các quỹ đầu tư chuyên về giáo dục còn ở sự kết nối toàn cầu nên khi họ đầu tư sẽ thúc đẩy mở rộng mạng lưới và đổi mới chương trình.

* Nhiều công ty lớn trong nước cũng tham gia đầu tư vào giáo dục. Từ góc độ một công ty khởi nghiệp, ông nhìn cơ hội này như thế nào?

– Sự tham gia của nhiều tập đoàn, các tổ chức giáo dục lớn cũng như các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm sẽ giúp thúc đẩy thị trường giáo dục Việt Nam theo ba hướng tích cực: quản lý chuyên nghiệp, quy mô ngày càng lớn và thu hút nguồn nhân lực tài năng. Khi nhà đầu tư vào thì thị trường giáo dục sẽ đòi hỏi cao hơn, nếu không kịp thay đổi sẽ bị triệt tiêu.

* Với YOLA, khi Quỹ Đầu tư Mekong Capital gia nhập, liệu có sự thay đổi nào đáng kể?

– Mekong Capital là nhà đầu tư thiểu số tại YOLA, từ những người sáng lập phát hành thêm chứ không phải thoái vốn hay chuyển nhượng. Nguồn vốn này chúng tôi sẽ dùng chủ yếu vào phát triển sản phẩm công nghệ, đào tạo đội ngũ phục vụ việc dạy và học hiệu quả hơn và mở rộng quy mô Trung tâm. Về sản phẩm, YOLA đang mở rộng đến phân khúc nhỏ tuổi hơn.

Nhà đầu tư tham gia sẽ giúp YOLA nâng cấp hệ thống quản trị để trở nên chuyên nghiệp hơn, thay vì xuất phát của YOLA là nhóm bạn bè khởi nghiệp nên thoải mái, thậm chí dễ dãi. Nhà đầu tư cũng là cầu nối YOLA với những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và đối tác trong cùng hệ thống.

* Ông có thể chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng của YOLA?

– Chúng tôi xác định yếu tố chính là đầu tư phát triển con người. Hiện YOLA có 10 trung tâm, việc mở thêm trung tâm không khó nhưng cần 6 – 9 tháng để chuẩn bị đội ngũ giảng viên. YOLA đi từ luyện thi đại học, cấp ba xuống lớp trẻ hơn và càng xuống thì số lượng càng đông. Ví dụ ngày trước vài trăm học viên, bây giờ có khoảng 3.000 học sinh cùng thời điểm, một khi đến chục ngàn chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo.

YOLA từ trung tâm chuyên luyện thi du học đã mở rộng sang mảng tiếng Anh học thuật dành cho thanh thiếu niên (Junior). Những năm đầu thiết kế cho học sinh từ lớp 6 còn bây giờ lớp 4, lớp 5 đã vào học. Đó là mảng chiếm đến 50% lượng học viên, còn lại là các chương trình luyện thi IELTS, Toefl, SAT. So với 5 năm trước, mảng luyện thi tăng trưởng hằng năm khoảng 30% trong khi mảng Junior tăng đến 70 – 80% do thị trường nhóm Junior đông hơn rất nhiều, từ lớp 4 đến lớp 9.

Chúng tôi cũng đang thử nghiệm mảng Kid cho lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 4 theo cách thức là một đứa bé bình thường ở Mỹ, Anh học gì thì mình cố gắng đưa vào khoảng 70-80% chương trình ấy. Mục tiêu hướng đến là phải xây dựng ngay từ bây giờ, để khi du học, học sinh của mình có thể cạnh tranh với chính học sinh bản ngữ, không quá khác biệt ở cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

* So với “cái nôi” luyện thi tiếng Anh du học ban đầu, mô hình hiện nay có khác biệt không, thưa ông?

– Dù tiên phong trong lĩnh vực luyện thi du học và tiếng Anh học thuật nhưng việc thay đổi, cải tiến liên tục mang tính sống còn đối với YOLA. Chúng tôi đang thử nghiệm tích hợp công nghệ vào việc học và dạy để giúp học sinh tiếp thu cao nhất trong thời gian ngắn nhất với chi phí hợp lý.

Việc này không nằm ngoài xu hướng O2O (online-to-offline) đang diễn ra mạnh mẽ. YOLA luôn tiếp cận và phân tích thông tin về kết quả, hành vi, thói quen học của học sinh để liên tục cải tiến phương pháp giảng dạy và giữ vững chất lượng, theo kịp xu thế công nghệ mới trong cách tân giáo dục.

Các mô hình học tập mới sẽ thúc đẩy sự nhạy bén về tư duy và bổ sung các kỹ năng song song với kiến thức cho học sinh. Công nghệ giúp cá nhân hóa được tiến độ và năng lực học sinh. Một lớp học có 10 em, thầy cô chỉ có một tốc độ giảng dạy, trong khi mỗi học sinh có tốc độ tiếp thu khác nhau, dạy chậm em giỏi sẽ chán còn dạy nhanh em dở không theo kịp. Chỉ có công nghệ đưa ra những đề xuất khác nhau, giúp người học và người dạy cùng cá nhân hóa các trải nghiệm về kiến thức.

* YOLA có xem xét cơ hội để mở rộng sang các mảng kinh doanh khác?

– Cơ hội phát triển trường học vẫn rất lớn, nhất là trường phổ thông song ngữ. Tôi quan tâm nhất là ở cấp 3, làm sao các em chuyển sang trường quốc tế hay song ngữ để sau đó du học. Chúng tôi có thể tận dụng được mảng mình đang làm tốt là luyện tiếng Anh để mở rộng Trung tâm. Chúng tôi cũng hiểu được bây giờ các em cần học những gì, cần yếu tố nào để vào đại học nào, kỹ năng gì, ngoại khóa cần gì. Hiện tại chúng tôi tập trung vào thế mạnh về tiếng Anh luyện thi và tiếng Anh học thuật.

* Vậy đâu là những nét mới của riêng phân khúc đào tạo tiếng Anh?

– Phân khúc này hiện còn phân mảnh với nhiều cơ sở, trung tâm nhỏ lẻ. Độ phủ không phải lúc nào cũng đến được mọi nơi. Theo tôi, khi mở một trung tâm, không phải có địa điểm, có giáo viên nước ngoài là cạnh tranh được, quan trọng là phải tìm cách đổi mới giáo trình. Điều này thể hiện rất rõ như dạy tiếng Anh qua kiến thức như STEM, dạy về khoa học, dạy về robot bằng tiếng Anh.

Xu hướng thứ hai là áp dụng những yếu tố công nghệ vào giảng dạy thay cho phương pháp truyền thống làm lớp học năng động và tính tương tác cao hơn. Học ngoại ngữ hiện nay không còn đơn thuần là học ngôn ngữ, mà người học phải vừa học tốt ngôn ngữ vừa tích hợp được các yếu tố nền tảng về kiến thức.

* Hiện có chủ đầu tư mở chuỗi từ mẫu giáo tới đại học. Ông nghĩ gì xu hướng này?

– Những mô hình giáo dục thành công trên thế giới thường tập trung chuyên sâu vào một mảng nào đó. Ví dụ Dadi Education thành công ở Đài Loan chỉ với chuỗi trường mầm non, những năm 1990 họ sang Trung Quốc phát triển đến 400 trường ở phân khúc này. Ở những thị trường lớn và phát triển, có những công ty chuyên đầu tư dạy ngoại ngữ, có những công ty chuyên mở lớp mầm non và chính họ dẫn dắt thị trường.

Ở Việt Nam cũng có mô hình đủ cấp từ mầm non tới đại học nhưng đó là nhà đầu tư hệ thống. Thị trường còn nhỏ và phân mảnh nên làm sao tìm người giỏi vận hành ở từng mảng trong hệ thống là thách thức không nhỏ. Tôi nghĩ lĩnh vực giáo dục đã có sự tham gia của những người sáng lập, những đơn vị đầu tư tài chính chuyên nghiệp và những công ty lớn ở Việt Nam cũng là xu hướng ở nhiều nước.

* Ông đánh giá giữa giáo dục công và giáo dục tư như thế nào?

– Các trường công trước giờ khó khăn về ngân sách và càng ngày nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất càng eo hẹp, dẫn đến việc bắt đầu hợp tác với tư nhân và Nhà nước tạo điều kiện cho sự hợp tác đó. Xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ. Vậy vấn đề nên đặt ra là khi tư nhân tham gia vào trường công (hay sử dụng tài sản công) thì việc hợp tác nên được tổ chức thế nào ngoài việc hợp tác giảng dạy, đào tạo.

Việc phát triển này đã tạo ra đa dạng sự chọn lựa cho phụ huynh học sinh, thay vì trước đây phụ huynh không bằng lòng với trường công thì khi có điều kiện chuyển con sang trường quốc tế, nhưng nay ở ngay trong trường công cũng có thể tiếp cận được các chương trình quốc tế.

Tính công bằng về cơ hội trong giáo dục cũng là một thách thức. Sứ mệnh của trường công là phổ cập kiến thức công bằng cho dân chúng chứ không phải cho một nhóm riêng lẻ nào. Còn bây giờ ngay trong trường công cũng có những chương trình phân hóa, ví dụ học tiếng Anh tăng cường cả triệu đồng mỗi tháng trong khi học phí là vài trăm ngàn.

Bản thân trường công đã có sự phân hóa thì nhà trường phải quản lý ra sao để có thể vừa hợp tác tốt vừa đảm bảo đa dạng cơ hội để các em khó khăn tiếp cận đủ kiến thức. Có thể nói giáo dục công vừa cần có tiền đầu tư vừa phải đảm bảo được cơ hội tiếp cận công bằng trong giáo dục nên đó là thách thức không nhỏ.

* Không phải mọi tầng lớp dân chúng đều tiếp cận được trường tư khi mà học phí khá cao…

– Các cơ sở giáo dục tư đều cân nhắc giữa tăng học phí hay tăng số lượng học sinh để tăng doanh thu, nhưng suy cho cùng điểm mấu chốt muốn phát triển bền vững vẫn phải là chất lượng giáo dục. Dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn nhờ đầu tư cho giáo dục trong các gia đình Việt Nam là khá ổn định và chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập. Khi tầng lớp trung lưu tăng lên thì nhu cầu tăng chi tiêu cho giáo dục cũng tăng.

* Về xu hướng đào tạo, theo ông có những thay đổi nào?

– Thứ nhất, phụ huynh hiện nay đòi hỏi tinh tế hơn nhiều ở các dịch vụ, khiến cho thị trường giáo dục sôi động và cạnh tranh hơn, dẫn đến hệ quả phải đổi mới để cạnh tranh. Điểm rõ nét nhất là khi có cạnh tranh thì người ta tìm cách làm cho sản phẩm vượt trội, khác biệt hơn, cung cấp cho phụ huynh nhiều sự lựa chọn. Theo tôi, xu hướng chung là tìm kiếm sản phẩm giáo dục mới. Có thể có nơi còn chưa định hình được dạy qua kiến thức hay học thuật, kỹ năng nhưng đều đang cố gắng đem công nghệ vào, đó là sự chuyển động lớn nhất trên thị trường giáo dục.

* Thông điệp về học tập cho giới trẻ với YOLA là gì?

– Xu hướng học tập ngày nay không còn giới hạn trong bốn bức tường của một lớp học. Mỗi bạn trẻ có thể học từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, và với sự phổ biến của internet, họ học từ thế giới. Phương pháp giáo dục trên thế giới đang dần được thay thế bởi các mô hình tiên tiến, lấy trải nghiệm dẫn dắt, tạo sự hứng khởi và kích thích sáng tạo của học sinh.

Học ngoại ngữ không còn đơn thuần chỉ để giao tiếp ngôn ngữ mà là kiến thức và kỹ năng hàm chứa trong đó là nền tảng để phát triển toàn diện. Chúng tôi thường nói rằng con đường tới thành công của các bạn trẻ ngày nay không chỉ bằng những điểm số và thành tích, mà cần những tố chất cá nhân như sự tìm tòi học hỏi và đam mê khám phá, ý chí và tham vọng, tinh thần kỷ luật và làm việc chăm chỉ sẽ cung cấp cho họ khả năng suy nghĩ độc lập, kỹ năng kết nối, hợp tác và lãnh đạo.

* Ông nghĩ gì về trào lưu khởi nghiệp hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục?

– Khởi nghiệp dù là trong ngành nào, lĩnh vực nào cũng đáng được khuyến khích, động viên. Trong giáo dục thì lại càng cần nhiều người khởi nghiệp để tạo ra nhân tố mới và bổ sung cho những hạn chế của hệ thống công lập. Tuy nhiên, khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cần thêm hai yêu cầu quan trọng: phải có tâm và có tầm nhìn đầu tư dài hạn.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

TUYẾT ÂN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close