Câu chuyệnKinh doanh
Giám đốc “thuê”: Danh hão, tội thật
Diễn viên điện ảnh, sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí là nhân viên quán masage hay người tàn tật… cũng có thể làm Giám đốc Công ty với số vốn điều lệ hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Diễn viên Quỳnh Tứ ra toà với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty BSC
Chi lãi suất ngoài để duy trì sự “sống còn” của Ocean Bank Cựu Chủ tịch Oceanbank thừa nhận có chủ trương chi lãi ngoài1
Điểm chung của những người này là không có nghiệp vụ, thiếu hiểu biết pháp luật nhưng hám lợi. Họ không hề biết rằng, đằng sau những chữ ký của mình là trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều người đã bị khởi tố, bị đi tù nhưng dường như bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can đối với bà Hoàng Thị Hồng Tứ (diễn viên Quỳnh Tứ), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC không phải là tin “sốc” với dư luận, bởi bà này từng bị điều tra từ trước đó khá lâu. Công ty BSC vốn là “sân sau” của Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch BHĐQT Oceanbank, nơi Hà Văn Thắm “phù phép” các món tiền chiếm đoạt được từ Oceanbank.
Theo tài liệu điều tra, bà Tứ vốn tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, không có trình độ chuyên môn về tài chính ngân hàng, được Hà Văn Thắm tuyển dụng vào ngân hàng Đại Dương làm giúp việc hành chính văn phòng cho HĐQT.
Sau khi lập Công ty BSC, bà Tứ được Hà Văn Thắm “nhờ” đứng tên làm Chủ tịch HĐQT và đại diện trước pháp luật. Trên thực tế, mọi hoạt động của công ty này đều do Hà Văn Thắm chỉ đạo và quyết định. Bà Tứ không hề có vốn góp, không được điều hành và không hưởng lương của BSC.
Cơ quan điều tra đã xác định: Việc bà Tứ ký 78/726 hợp đồng dịch vụ, thu số tiền hơn 14 tỷ đồng do các hợp đồng đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi Tứ là người đại diện BSC nên Tứ phải ký để hoàn thiện mà không biết bản chất và mục đích của hợp đồng.
Bà Tứ có một lần nhận tiền hộ Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Oceanbank) nhưng không biết đó là tiền gì. Trong quá trình điều tra, bà Tứ đã thành khẩn khai báo và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
Bà Tứ xuất thân trong gia đình có công với cách mạng và điều kiện đặc biệt khó khăn với bố đẻ là thương, bệnh binh, 2 anh trai bị nhiễm chất độc da cam, mất khả năng lao động. Với tất cả những lý do trên, cơ quan điều tra khi đó đã đề nghị không xem xét trách nhiệm đối với bà Hoàng Thị Hồng Tứ.
Quá trình điều tra lại, lực lượng chức năng xác định Hoàng Thị Hồng Tứ có tội nên đã khởi tố bị can để điều tra, làm rõ. Khi được hỏi về vai trò của mình tại BSC, bà Tứ khai: “Trong quá trình ký kết hợp đồng, em không biết gì. Em không biết những hoạt động gì của BSC. Anh Thắm nhờ em đứng ra điều hành công ty nhưng anh Giang làm mọi thứ rồi đưa lên em ký, chứ em không biết gì. Tiền đi đâu, làm gì em không biết”. Như vậy, mặc dù “không biết, không hiểu” nhưng Hoàng Thị Hồng Tứ vẫn phải chịu trách nhiệm cho những chữ ký của mình trong các hợp đồng giao dịch.
Một trường hợp cũng đáng thương và đáng trách không kém đó là Nguyễn Mạnh Linh, 30 tuổi, trú ở Nho Quan, Ninh Bình là Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái. Gia đình Linh vốn là hộ cận nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.
Làm Giám đốc Công ty kinh doanh xuyên quốc gia, có hàng chục dự án đầu tư ở Hồng Kông và một số nước kinh tế phát triển nhưng Giám đốc Nguyễn Mạnh Linh vẫn ở nhà thuê, hưởng mức lương 10 triệu đồng/tháng. Khác với những tư vấn viên, phải chào mời, tư vấn cho khách hàng “đầu tư” vào Công ty Khải Thái để kiếm lời, nhiệm vụ của Linh chỉ là ký các chứng từ, giấy tờ mà đối tượng cầm đầu là Saga đưa cho.
Theo lời khai của Linh thì, mặc dù làm giám đốc, nhưng Linh không phải đến công ty, cũng không cần biết công ty này kinh doanh gì, lãi lỗ ra sao, chỉ khi nào Saga gọi đến ký giấy tờ thì Linh phải đến. Mà cái việc ký tá của Linh cũng khá khác thường, không phải ký vào giờ hành chính tại trụ sở công ty, bởi Saga thường chỉ gọi Linh đến nhà riêng vào buổi tối.
Với một người bình thường, sẽ hiểu ngay rằng việc làm giám đốc “bù nhìn” như vậy rõ ràng là “có vấn đề”, nhưng vì ham tiền, Linh nhắm mắt ký bừa mà không cần biết những giấy tờ mình ký là gì và trách nhiệm của mình ra sao đối với các chữ ký đó. Cho đến khi Công ty Khải Thái bị “sờ gáy”, Linh bị bắt, mới giật mình về trách nhiệm của mình.
Bi hài không kém đó là trường hợp Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật, thiết bị y tế Bảo Trân, có trụ sở ở phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) Trần Thị Ánh Hồng. Hồng vốn là người miền Tây, học hành ít nên làm tiếp viên ở nhà hàng. Công việc của Hồng là tiếp khách, ngồi bàn rót bia để phục vụ khách.
Chính vì có vẻ bề ngoài xinh đẹp, dễ thương nên Hồng được khá nhiều đại gia quý mến, cho nhiều tiền và thường xuyên được yêu cầu ngồi cùng bàn mỗi khi họ đến ăn.
Giám đốc Lê Văn Vẩy bị liệt phải nằm một chỗ.
Trong số những người này, có một đại gia trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế. Sau một thời gian thân thiết, bao bọc cho Hồng, ông này “mời” Hồng làm giám đốc công ty của mình.
Theo lời ông này thì cho Hồng làm vị trí giám đốc là vì yêu thương Hồng, tạo điều kiện cho Hồng đổi đời, rũ bỏ phận tiếp viên. Cô tiếp viên trẻ tuổi say trong tình tiền tưởng rằng người tình thực sự tốt với mình nên vui vẻ đứng tên Giám đốc Công ty Bảo Trân mà không hề biết gì về kinh doanh, càng không hiểu về việc nhập khẩu thiết bị y tế.
Tuy nhiên, việc đó cũng chẳng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty trên bởi mọi công việc đã có người khác lo, Hồng chỉ việc ăn mặc diện, đi xe sang đến ký hợp đồng mua bán các loại thiết bị y tế. Công việc kinh doanh tưởng chừng không gì thuận lợi hơn bởi cứ ký tên là có tiền, mà tiền rất nhiều khiến Hồng hoa mắt về cuộc sống giàu sang không ngờ mà đến.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang khi Công ty Bảo Trân bị “sờ gáy”, làm rõ hàng loạt sai phạm về việc bán thiết bị y tế đã qua sử dụng. Cụ thể là lô hàng trang thiết bị theo tờ khai Hải quan số 20455 mở tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Mấy năm trước, khi “phong trào” mua bán hoá đơn Giá trị gia tăng còn rầm rộ thì ở Hải Phòng, có hẳn một “làng giám đốc” – đó là xã An Hoà, huyện An Dương, Hải Phòng – một xã nghèo nhưng có hơn 100 giám đốc với số vốn hàng trăm tỷ đồng.
Việc “cả làng làm giám đốc” này bị bại lộ khi cơ quan điều tra thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành điều tra chuyên án vận chuyển và buôn bán than lậu từ Quảng Ninh sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, để hợp thức hóa số than lậu qua cửa khẩu Vạn Gia (Móng Cái, Quảng Ninh), các doanh nghiệp buôn than đã dùng hàng loạt hóa đơn “ma” của các công ty vừa được thành lập cấp tốc. Thế nhưng, khi cơ quan điều tra – lần theo dấu vết các hóa đơn ký khống – ập vào nhà kiểm tra thì các “giám đốc chân đất” mới té ngửa về chuyện “công ty mình” đang làm ăn bất chính.
Và cũng đến lúc ấy, họ mới biết có những giám đốc ở làng bên đã vào tù từ 4-5 năm trước, thậm chí có những người bỏ trốn đã lâu. Tệ hơn, có người còn bị liệt nửa người chỉ nằm một chỗ, chữ nghĩa không rành nhưng cũng đã trở thành giám đốc của một công ty mà chính ông ta cũng chẳng biết trụ sở công ty ở đâu, làm ăn thế nào, có những ai…
Điển hình là “giám đốc” Lê Văn Vẩy, nhà ở thôn Hà Nhuận 3. Khi hỏi vì sao một người tàn tật như ông lại có thể trở thành giám đốc một công ty có số vốn lên tới hàng tỷ đồng, ông Lê Văn Vùng (em trai ông Vẩy), bắt đầu bằng giọng kể “tức tưởi”: “Anh em chúng tôi bị chúng nó lừa…”.
Giám đốc Trần Thị Ánh Hồng với lô thiết bị y tế quá date.
Theo ông Vùng, ông Vẩy (61 tuổi), năm 1972 không may bị trúng bom, liệt nửa người. Từ đó đến nay, chẳng khi nào ông ra khỏi chiếc giường ọp ẹp. Một hôm, có vị khách lạ tìm đến tận nhà “vận động” ông nhận lời làm… giám đốc.
Theo họ, nếu nhận lời làm giám đốc thuê cho một công ty thì lương của ông sẽ là 2 triệu đồng/tháng. Ông Vẩy nằm mơ cũng chẳng bao giờ nghĩ được “chỉ nằm bất động trên giường” như ông mà cũng được làm “giám đốc” với số lương quá hậu hĩnh như thế.
Sau đó, ông đã lén gia đình nộp cho anh ta cuốn sổ hộ khẩu và tấm CMND. Chỉ sau một ngày, ông Vẩy đã trở thành giám đốc với con dấu khắc tên ông. Đều đặn mỗi tháng “giám đốc” Vẩy lãnh được 2 triệu đồng và ông thầm mong ước “công ty của mình” ngày càng ăn nên làm ra.
Nhưng “giấc mộng đẹp” của ông Vẩy chỉ kéo dài được khoảng 1 năm. Cơ quan Công an cũng bất ngờ khi tiếp xúc giám đốc Vẩy đang nằm bẹp trên giường, nói năng ngọng nghịu…
Cho dù, giám đốc thật hay giám đốc thuê thì đối với pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm như nhau. “Bút sa gà chết” – các “giám đốc” trên dù không biết nghiệp vụ, dù vô tình vẫn phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. “Miếng pho mát tự dưng mà có chỉ nằm trong bẫy chuột” – bài học này không của riêng ai…
ANND