Cách sốngSống

Nếu sắp chạm ngưỡng tuổi 30 thì đừng mắc những sai lầm về tiền bạc này nữa

Tuổi 30 là ngưỡng cửa quan trọng trong cuộc đời con người. Đặc biệt, đó là một trong những giai đoạn mà đòi hỏi về những giá trị vật chất tăng lên như: xây dựng gia đình, mua nhà, tạo dựng các mối quan hệ, tiết kiệm cho nghỉ hưu,… Vì vậy, hay đảm bảo rằng bạn đã đọc kĩ 11 sai lầm thường gặp dưới đây và rút ra được những bài học cho mình.

Nếu sắp chạm ngưỡng tuổi 30 thì đừng mắc những sai lầm về tiền bạc này nữa

1. Chỉ biết dành tiền tiết kiệm

Brandon Moss, chuyên gia quản lí tài chính và cố vấn của United Capital cho biết: “Trong tất cả những dự định của mình, bạn luôn muốn tối đa hóa khoản đầu tư hưu trí. Nhưng bên cạnh đó, có những khoản tiền quan trọng đi kèm, mà bạn không thể không chi tiền. Đặc biệt là khi bạn bắt đầu muốn có em bé hay mua nhà”.

Moss cũng khuyến cáo mọi người nên lập sẵn một tài khoản tiết kiệm, song song với đó là kiểm tra các dịch vụ của ngân hàng, xem liệu nó có cho phép người dùng tạo các tài khoản tiết kiệm phụ hay không. Việc tạo tài khoản tiết kiệm phụ sẽ giúp người sử dụng dành dụm tiền cho các khoản chi ngắn hạn như: mua xe, du lịch,… bên cạnh những khoản tiết kiệm lâu dài dành khi ốm đau, hưu trí,…

2. Đầu tư quá nhiều vào việc học tập của con cái

Điều này tưởng chừng vô lí nhưng đây là một lỗi sai thường gặp của nhiều bậc phụ huynh. Các phụ huynh thường coi trọng việc học hành của con cái lên đầu, dốc hết tiền bạc để cho con cái đi học những thầy cô giỏi nhất. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của Michael Egan – nhà hoạch định tài chính ở Egan, Berger & Weiner, LLC đây lại là một sai lầm nghiêm trọng: “Sự ưu tiên số 1 của tuổi 30, kể cả khi bạn đã có gia đình, vẫn phải là đầu tư cho việc nghỉ hưu”. Giải thích kĩ hơn về điều này, Michael Egan cho hay: “Nếu bạn không kiếm đủ tiền để nghỉ hưu, trong tương lai, con cái sẽ phải trợ cấp khoản tiền này cho bạn. Về lâu dài, nó sẽ tốn kém hơn”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Hãy đảm bảo rằng bạn đang thực hiện kế hoạch tiết kiệm tiền dành cho hưu trí trước khi chuẩn bị tiền cho con bước vào đại học.”

3. Bỏ qua các loại bảo hiểm

Nhìn chung, các loại bảo hiểm thường bị ngó lơ do “mọi người thường không nhận được những lời tư vấn tốt khi mua bảo hiểm”, Moss giải thích.

Mọi người thường không quan tâm đến loại bảo hiểm, họ chỉ đi tìm một thứ gì đó tạo cho họ cảm giác được bảo vệ trong tương lai. Nhưng chỉ đến những năm bước sang tuổi 40, 50, họ mới chợt nhận ra rằng mình không có loại bảo hiểm phù hợp.

Lời khuyên cho mọi người là hãy sắp xếp thời gian nghiên cứu các kế hoạch bảo hiểm phù hợp cho bản thân, hoặc tham khảo ý kiến của cố vấn.

4. Không có bảo hiểm tàn tật

Theo ước tính của Cơ quan An sinh xã hội, hơn 25% những người 20 tuổi không có khả năng lao động do bị những di chứng, tàn tật. Đây quả là một con số không ai có thể ngờ đến. Tuy nhiên, bảo hiểm tàn tật dài hạn lại luôn bị lãng quên.

Egan giải thích: “Rất nhiều người mua hàng đống loại bảo hiểm nhân thọ, nó sẽ cấp tiền khi bạn chết. Nhưng họ không nghĩ đến trường hợp phổ biến hơn, đó là khi họ không chết và bị tật nguyền. Đặc biệt đối với những loại tai nạn không liên quan đến lao động như tai nạn giao thông, bệnh tật,… thì các công ty sẽ không chi trả bất cứ một khoản tiền nào. Khi đó bạn chắc chắn sẽ rơi vào vực thẳm.”

5. Không bàn bạc rõ ràng chuyện tiền bạc trước khi kết hôn

Đây là một chủ đề nhạy cảm nhưng nó thực sự cần thiết cho cuộc sống hôn nhân của bạn. Các cặp vợ chồng thường chỉ đề cập đến vấn đề này khi đã quá muộn, thậm chí là không có. Egan nói: “Tại thời điểm họ ngồi xuống nói chuyện với nhau, khi đó tình cảm đã thực sự sâu nặng, đến nỗi họ có thể bỏ qua cả những khác biệt về tài chính”. Sự không rõ ràng không chuyện tiền bạc thực sự là ngòi nổ chậm cho cuộc hôn nhân của họ.

Hai vợ chồng phải ngồi lại với nhau, càng sớm càng tốt. Trước hết , bạn phải hiểu rõ nền tảng tài chính của đối phương. Tiếp theo, cả 2 sẽ quyết định nên chia ra hay gộp chung các khoản tài chính. Cuối cùng là lên kế hoạch cho những khoản chi thiết yếu như mua nhà, mua xe,…

6. Tổ chức đám cưới quá xa hoa

Có quá nhiều cặp đôi đang bỏ ra một số tiền khổng lồ để tổ chức những đám cưới nguy nga, tráng lệ và cũng tốn kém nhất. Theo tính toán, trung bình một đám cưới sẽ tiêu tốn tới 35 329 USD.

Egan khuyên rằng mọi người nên tiết kiệm từ việc tổ chức đám cưới. Ông cho rằng chỉ cần bỏ ra 5.000 USD là một đôi uyên ương sẽ có một đám cưới tuyệt vời. Số tiền còn lại, họ có thể tiết kiệm cho những khoản chi tương lai.

Tuy nhiên, đây là quyền lựa chọn của mỗi người. Nếu bạn thực sự mong muốn có một đám cưới hoành tráng, hãy bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ.

7. Đổ hết tiền bạc vào đứa con đầu

Trong niềm vui khi chào đón đứa con đầu lòng, một số bậc cha mẹ thường mất kiểm soát khi chi tiêu bởi họ thường có xu hướng muốn mua tất cả như những thứ tốt nhất cho đứa trẻ.

Bậc cha mẹ nào cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái nhưng hãy đảm bảo bạn luôn kiểm tra giá và cân nhắc thật kĩ trước khi mua bất cứ món đồ nào cho trẻ và đừng quên việ tiết kiệm. Bởi, sau này chắc chắn sẽ phát sinh những chi phí bạn không thể ngờ đến được.

8. Liên tục đổi ô tô

Egan cho biết: “Người ta sẽ sớm chán ghét chiệc xe ô tô hiện tại của mình và muốn mua một chiếc mới. Từ đó, họ sẽ gánh thêm một khoản tiền mới.”

Egan nhấn mạnh thêm: “Nhưng đừng quên đó là một tài sản mất giá rất nhanh, thường là chỉ sau vài năm.” Theo các chuyên gia, ô tô là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng bội chi ở các gia đình.

Giả sử rằng một chiếc xe có giá trị sử dụng trong 10 năm. Khi quyết định mua một chiếc xe mới, bạn phải đảm bảo trả hết số tiền mua xe trong 5 năm, đồng nghĩa với việc 5 năm sau bạn phải lập ra một kế hoạch tiết kiệm mới. Hãy chăm sóc chiếc xe của bạn thật cẩn thận, sau 10 năm hãy đưa nó đến đại lý để bán. Điều này sẽ giúp bạn có một khoản tiền tích trữ mua chiếc xe tiếp theo.

Một lựa chọn khác là thay vì mua xe mới, bạn có thể mua xe cũ. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm một số tiền đáng kể đấy.

9. Học cao hơn nhưng không xác định được mục đích học tập

Học cao học hay học để lấy chứng chỉ quốc tế thường rất tốn kém. Vì vậy, bạn phải chắc chắn rằng mình đã suy nghĩ kĩ về việc này.

Lấy ví dụ về việc học bằng MBA, Egan cho rằng: “Nếu bạn không biết mình làm gì sau khi nhận bằng MBA, đó là một sai lầm lớn. Bạn phải đảm bảo rõ rằng bằng MBA sẽ giúp bạn có được công việc lâu dài, đúng chuyên môn.”

Và đừng đánh đổi những giờ làm việc để đi học.

10. Nhận việc với mức lương ngắn hạn

Moss nói: “Bạn không chỉ kiếm tiền cho thời điểm khi 30 tuổi mà điều quan trọng phải lựa chọn công việc sẽ mang lại mức lương lớn hơn cho bạn vào những năm cuối 30, và đầu 40 tuổi.”

11. Ảo tưởng mình sẽ có nhiều tiền trong tương lai

Mặc dù lạc quan là một đức tính tốt nhưng sự lạc quan thái quá sẽ dẫn đến những nguy hiểm khôn lường, đặc biệt là với tiền bạc.

“Người ta thường có xu hướng cho rằng mình sẽ kiếm được nhiều tiền hơn vào những năm 40 của cuộc đời. Họ nói như vậy để biện mình cho việc tiêu xài hoang phí ở hiện tại.” Egan nói.

“Nguyên tắc chung là tiêu xài ít hơn số tiền bạn kiếm được”. Hãy đảm bảo một cuộc sống đầy đủ ở hiện tại và đừng quên tiết kiệm cho tương lai”

Châu Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close