Khởi nghiệpKinh doanh

Startup Việt WisePass – ứng dụng cho người dùng từ trung lưu trở lên

Biến nhà cung cấp thành khách hàng mục tiêu là mô hình tiên phong được WisePass khởi xướng tại thị trường Đông Nam Á.

Mô hình này thu hút khoản đầu tư 400.000 USD của Quỹ đầu tư mạo hiểm Expara Ventures Singapore vào WisePass đầu tháng 10 ở vòng đầu tư hạt giống. Startup Việt Nam này được Expara định giá 1,4 triệu USD và dự kiến đạt đến 1.000 thành viên trong 18 tháng tới.

Ứng dụng nghiên cứu thị trường

WisePass là một ứng dụng về đời sống xuất hiện vào 2 năm trước. Nhắm vào thị trường ngách, hội viên của WisePass là những người thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. Với 6 triệu đồng/tháng, họ có quyền được sử dụng 30 chai rượu hoặc bữa ăn mỗi tháng tại 69 địa điểm khác nhau như các nhà hàng, quán bar và khách sạn 5 sao. Hiện tại, WisePass có 325 hội viên và gần 6.000 lần sử dụng, với 1.300 lần sử dụng chỉ trong tháng 9.

Theo Nielsen, hơn 1 tỷ USD được chi cho hoạt động tiếp thị mỗi năm tại thị trường Việt Nam, nhưng có đến 30% chi phí đó không hiệu quả. Các thương hiệu thường không đo lường được mức độ hiệu quả của các chiến lược tiếp thị. Việc đo lường hiệu quả các chiến lược tiếp thị sẽ dễ dàng hơn khi họ có đủ thông tin và xác định cụ thể nhóm khách hàng tiềm năng. WisePass là trung gian giữa khách hàng và các nhãn hàng, bằng cách cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn cho khách hàng và cung cấp thông tin nhóm khách hàng cho các nhãn hàng.

“Các nhãn hàng sẽ có thể cắt giảm 80% chi phí tiếp thị với dữ liệu khách hàng của WisePass”, anh Lâm Trần – CEO của WisePass chia sẻ. Để có thể cung cấp sản phẩm cho hội viên với giá thấp, WisePass thỏa thuận mua các sản phẩm trực tiếp từ các nhãn hàng với giá thấp và gởi vào các nhà hàng, khách sạn và quán bar. Các địa điểm trên sẽ không phải trả tiền cho các sản phẩm này và số rượu sẽ dành riêng để phục vụ các hội viên.

Các nhà hàng và quán bar nằm trong danh sách được hưởng lợi thông qua việc mở rộng nhóm khách hàng thông qua hội viên WisePass. Điểm sinh lợi nhuận của mô hình startup này không phải là từ phí hội viên, mà là thông tin nghiên cứu thị trường của nhóm khách hàng thu nhập cao, sẽ bán cho các nhãn hàng trong tương lai khi nhóm khách hàng khảo sát lớn hơn. Các công ty nghiên cứu thị trường như Nielsen cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến WisePass.

Anh Lâm Trần cho biết, để mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng, họ đã tiếp cận khách hàng của VPBank Privileges bao gồm các khách hàng có tài khoản tiết kiệm trên 10 tỷ đồng. Công ty cũng đang làm việc cùng với Citibank để mở rộng hội viên từ nhóm khách hàng của ngân hàng này. Các ngân hàng quảng bá WisePass đến khách hàng như hình thức dịch vụ khuyến mãi cộng thêm và chăm sóc khách hàng. Giữa năm 2016, 100 nhân viên bán hàng của BMW Việt Nam cũng đã tham gia WisePass.

Mở rộng tại Đông Nam Á

Anh Lâm Trần chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, WisePass tập trung phát triển đối tượng khách hàng Việt Nam có thu nhập tốt. Đồng thời, danh sách các địa điểm và dịch vụ được mở rộng mỗi 3 tháng, bổ sung thêm dịch vụ nhà hàng và các quán cà phê. Starbucks là dịch vụ tiếp theo được thêm vào của WisePass. Định hướng thêm vào các dịch vụ cũng thay đổi cơ cấu hội viên của WisePass. Từ 90% là nam giới trong giai đoạn bắt đầu, 40% hội viên hiện tại đã là nữ giới và tỷ trọng dịch vụ ăn uống cũng được sử dụng bởi các hội viên tăng khá nhanh so với các dịch vụ bar.

Theo anh Lâm Trần, chỉ dưới 5% dân số hiện nay nằm trong nhóm khảo sát tiềm năng của WisePass. Tuy nhiên, nhóm này chiếm tỷ trọng khá lớn trong doanh số của các nhãn hàng tiềm năng mà anh nhắm tới, vốn là các sản phẩm và dịch vụ ăn uống và giải trí cho tầng lớp trung lưu trở lên.

Theo báo cáo “Kết nối Đông Nam Á” của HSBC, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và có triển vọng tăng lên đến 33 triệu người vào năm 2020. Tầng lớp trung lưu được định nghĩa là hộ gia đình có thu nhập từ 30 – 75 triệu đồng/tháng. Tốc độ tăng trưởng của tầng lớp siêu giàu của Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng mạnh vượt Ấn Độ và Mozambique. Đây chính là cơ hội giúp WisePass mở rộng thị trường, dịch vụ và đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Mục tiêu của WisePass là toàn bộ thị trường Đông Nam Á, chứ không riêng Việt Nam. Trong năm 2017, startup này sẽ hoạt động ở Thái Lan, Singapore và Hong Kong. Trong 3 năm tới, WisePass sẽ xuất hiện ở 7 quốc gia, thêm Malaysia, Indonesia và Philippines. Hội viên có thể sử dụng WisePass tại 7 quốc gia này trong tương lai.

Làm việc cho Công ty Quảng cáo The Medias tại New York, sau đó, Lâm Trần khởi nghiệp với Công ty Solidity Trade (tại Ghana) – chuyên cung ứng bơ hạt mỡ cho các hãng mỹ phẩm tại Mỹ, Thụy Điển. Solidity Trade phát triển nhanh chóng, cung ứng tới 60 tấn/năm ngay trong 2 năm đầu hoạt động.

Dù sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt với Lâm Trần. “Liệu có thể thành lập một công ty công nghệ tại một nước đang phát triển như Việt Nam, đưa ra khắp toàn cầu và đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD?”, Lâm Trần từng đặt vấn đề khi trả lời phỏng vấn về quyết định trở về Việt Nam để khởi nghiệp.

Từ năm 2011 – 2014, Lâm Trần phụ trách marketing cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam như Nhommua.com, Tiki.vn hay phát triển chiến lược cho Google tại Ireland. Anh bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp với WisePass vào 2 năm trước với 3 nhà đầu tư. Anh cũng từng tạo ra ứng dụng thương mại điện tử Vice với mô hình O2O (online to offline) là cầu nối giữa các mặt hàng cao cấp và người dùng.

Với WisePass, Lâm Trần dấn thân vào một lĩnh vực mới nhưng vẫn trên nền tảng công nghệ mà anh tích lũy nhiều năm kinh nghiệm. Hiểu được tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu khách hàng và xu hướng ứng dụng vào thương mại điện tử, anh cho biết sẽ mở rộng ứng dụng thành phần mềm gợi ý địa điểm dựa vào dữ liệu lịch sử của các hội viên. Hội viên có thể tham khảo và đến các địa điểm gợi ý bởi WisePass khi ở nước ngoài. Dịch vụ gợi ý địa điểm này đã được áp dụng trong nhiều ứng dụng thành công như Google Maps, Apple Maps, TripAdvisor và Foursquares.

WisePass đã nhận được khoản đầu tư 15.000 USD từ Công ty Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) và dự kiến sẽ nhận thêm khoảng 20.000 USD để mở rộng thị trường. “Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là tăng mức định giá của WisePass lên 20 triệu USD trong 18 tháng tiếp theo“, anh Lâm Trần cho biết.

BẢO QUÂN/NCĐT (tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close