Sau 4 năm thăng trầm, dịch vụ Aupair của cô gái sinh năm 1987 đã mở rộng sang nhiều nước, đưa hàng trăm sinh viên sang nước ngoài học tập, làm việc.
Năm 20 tuổi, khi từ Thanh Hóa lên Hà Nội học khoa tiếng Đức – Đại học Hà Nội, Thịnh Nguyễn luôn nuôi giấc mơ du học nên cô đã cố gắng tìm mọi cách để biến ước mơ thành hiện thực. Và rồi, bài luận của Thịnh Nguyễn được suất học bổng bằng tiền mặt do quỹ sinh viên Việt Nam ở Đại học Havard trao tặng, cũng như từng được trường bên Malaysia email hỏi về ngành dự định học nếu được chấp nhận học bổng toàn phần tại trường.
Thế nhưng, ước mơ một lần nữa dang dở vì cô chưa hiểu rõ hệ thống giáo dục tại Malaysia cũng như điều kiện internet hạn chế khiến công tác chuẩn bị chậm trễ. Giữa lúc đang chới với vì bị vụt cơ hội du học, may mắn Thịnh Nguyễn lại biết đến chương trình Aupair qua các bài học về ngôn ngữ, văn hóa Đức ở khoa tiếng Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Aupair là chương trình trao đổi văn hoá dành cho những sinh viên nước ngoài đến ở cùng một gia đình người bản địa tại một đất nước khác, học hỏi văn hoá, ngoại ngữ của đất nước đó thông qua cuộc sống hàng ngày, được miễn phí ăn ở, được chi trả một phần học phí, phương tiện đi lại… Đổi lại, các bạn Aupair phải hỗ trợ gia đình nuôi mình trong công việc nhà và chăm trẻ. Thời gian làm việc phụ thuộc vào điều luật quy định của mỗi quốc gia.
“Tôi đã chớp cơ hội ngay, bước chân sang Đức, bắt đầu quãng thời gian trải nghiệm một năm ở một đất nước phương Tây phát triển và có chất lượng sống bậc nhất thế giới này”, Thịnh Nguyễn tâm sự.
Một năm ở trời Tây, cô gái trẻ đã trưởng thành hơn, từ một người hay có những tư tưởng viển vông trở nên thực tế và dần định hình hướng đi của tương lai sau khi về Việt Nam. Cô cũng may mắn gặp được một người mẹ nuôi Hàn Quốc – là một nữ doanh nhân thành đạt, đang làm quản lý chiến lược và tài chính tại tập đoàn xuyên quốc gia có chi nhánh tại Đức, chuyên về phụ tùng ôtô.
Thịnh Nguyễn thường xuyên được mẹ nuôi nhắc nhở: “Hãy nhớ rằng con là người Việt Nam, con phải luôn biết tự hào về đất nước mình, về truyền thống dân tộc mình. Phải biết dù mình chỉ là một hạt cát giữa biển người Việt Nam khác, hãy cố gắng sống, phấn đấu để làm rạng danh đất nước mình, góp phần xây dựng quê hương, dù chỉ là những hành động nhỏ nhất”.
Lời mẹ nuôi dạy cùng thời gian trải nghiệm nhiều nền văn hóa của các nước phương Tây đã khiến cô từ bỏ mơ ước viển vông được trở thành ngôi sao nổi tiếng trong showbiz, để trở thành một nữ doanh nhân như bà.
Năm 2012, ngay khi trở về nước, Thinh Nguyễn đã có mong muốn mở trung tâm Aupair của riêng mình. Tuy nhiên, kế hoạch của cô là trước tiên sẽ đầu tư vào một dự án khác, khi dự án đó đã vững chắc và có thể thu được nguồn lãi tốt mới lấy phí để mở sang chương trình Aupair.
Tuy nhiên, do những sai lầm, thiếu kinh nghiệm nên sau 6 tháng theo đuổi dự án đầu tiên kia dù chưa kịp đi vào hoạt động đã sớm tàn lụi. Thất bại khiến Thịnh chán nản muốn từ bỏ để tìm cho mình một hướng đi mới dễ dàng hơn. Nhưng lúc đó, một người bạn đã khuyên cô hãy đứng dậy và tập trung ngay vào dự án Aupair.
Thịnh dần lấy lại niềm tin, bắt tay vào tự học cách xây dựng thương hiệu như lập website, học SEO, marketing, tạo fanpage, thiết lập hình ảnh gây ấn tượng với khách hàng… Cô nhớ lại khoảng thời gian đó ít nhất kéo dài 6 tháng với những khó khăn đến từ tài chính và nhân sự.
Ban đầu, vì nghĩ cho sinh viên nên Thịnh tính chi phí tham gia chương trình rất thấp khiến dịch vụ thất thu. Nếu tiếp tục như thế, trung tâm sẽ không trụ nổi nên cô quyết định nâng chi phí lên một mức cao hơn nhưng vẫn đảm bảo vừa tầm so với sinh viên nên đã giúp trung tâm bớt khó khăn hơn.
Nhưng điều làm Thịnh vất vả nhất trong thời gian đầu lập nghiệp phải kế đến khó khăn từ các bạn trẻ Việt Nam lợi dụng chương trình để đi nước ngoài, sau đó không ở cùng gia đình nuôi hoặc mượn lý do không phù hợp gia đình. Họ làm mọi cách gây mâu thuẫn và không cố gắng thích nghi với các gia đình nuôi để có thể lấy cớ đổi gia đình khác, sang vùng có người nhà ở, hoặc dùng mọi cách để được định cư…
Cô cho biết, đứng trên cương vị là người đưa các bạn đi, việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh các Aupair Việt Nam, các gia đình nuôi sẽ không dám nhận các bạn sang nữa. Đứng trên cương vị là một người có lòng tự tôn dân tộc, Thịnh cảm thấy buồn khi hình ảnh người Việt trở nên xấu xí…
Nhìn lại quãng thời gian khó khăn nhất, Thịnh Nguyễn cảm thấy mình may mắn khi bên cạnh luôn có sự động viên, an ủi và ủng hộ từ phía gia đình, người thân. Trong đó, quan trọng nhất là từ phía người yêu (giờ là chồng cô) ở Nhật. Anh luôn động viên, ủng hộ Thịnh về tinh thần lẫn vốn liếng khi công ty đứng trên bờ vực phá sản, không có nổi doanh thu vài trăm nghìn đồng.
Hai năm loay hoay với định hướng, phong cách riêng của công ty, giờ đây cô bắt đầu dần thấy ánh sáng trên con đường mình chọn. Thời gian đầu khởi nghiệp, chương trình mới chỉ triển khai tại Đức, đến cuối năm 2013 tiếp tục mở rộng sang Pháp, Áo, và đến cuối năm 2014 đã triển khai được đến Mỹ. Sau mấy năm hoạt động, trung tâm của Thịnh đã đưa được hàng trăm bạn sinh viên sang nước ngoài.
Thịnh tâm sự, dù chi phí cho toàn bộ chương trình dao động chỉ từ 20 đến 25 triệu đồng, tùy từng nước, nhưng niềm vui lớn nhất mà cô và đồng nghiệp nhận lại là hình ảnh trưởng thành, tự tin, và những dòng tâm sự chân tình từ các bạn Aupair.
Hiện nay, doanh thu của trung tâm tương đối ổn định, dù Thịnh chưa dám nhận mình là người thành công nhưng cô rất tự hào rằng, trung tâm mình tạo ra luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Trong tương lai, cô mong muốn đưa thật nhiều bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài để học tập, sinh sống, làm việc…
Thịnh rất tâm đắc câu nói: “Không trải qua trận lạnh thấu xương, thì không có mùi thơm sực nức của hoa mai. Không có gian khổ, không có biến cố, không có thất bại thì làm sao nhìn thấy được niềm vui, sự trưởng thành của từng bạn Aupair lần lượt xuất ngoại rồi trở về”.