Câu chuyệnKinh doanh

Chủ tịch VNPT Technology thấy tủi hổ khi sản phẩm doanh nghiệp bị hỏi “có phải hàng Trung Quốc không?”

Tổng Giám đốc VNPT Technology, ông Trần Hữu Quyền cho hay tuy doanh nghiệp của ông mới chỉ làm ra một vài sản phẩm (như smartphone Vivas Lotus) nhưng ông thấy rất tủi hổ khi bị hết người này đến người khác hỏi “có phải hàng Trung Quốc đưa sang hay không?”

Chủ tịch VNPT Technology thấy tủi hổ khi sản phẩm doanh nghiệp bị hỏi “có phải hàng Trung Quốc không?”

Ông Trần Hữu Quyền, Tổng Giám đốc VNPT Technology. Ảnh: Thái Anh.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại tọa đàm “Luật CNTT và định hướng trong thời gian tới” do Bộ TT&TT tổ chức mới đây tại Hà Nội, hiện nay quy mô phát triển của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam còn nhỏ, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh trong khu vực, thế giới chưa cao.

Nguyên nhân của thực trạng được các chuyên gia mổ xẻ là do hiện nay còn có sự đối xử bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp giữa tư nhân và nhà nước, giữa doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước; văn bản dưới Luật chưa theo kịp sự phát triển và cả yếu tố nhìn nhận chưa đúng thế nào là một sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của chính người tiêu dùng trong nước…

Ông Trần Hữu Quyền, Tổng Giám đốc VNPT Technology nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa dám xin doanh nghiệp trong nước được ưu đãi hơn doanh nghiệp FDI, mà xin doanh nghiệp trong nước được đối xử bình đẳng với họ. Và là doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi cũng xin doanh nghiệp nhà nước được đối xử như doanh nghiệp tư nhân. Bởi như hiện nay, nếu doanh nghiệp tư nhân chỉ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì với doanh nghiệp nhà nước ngoài Luật Doanh nghiệp còn có thêm một số chế tài khác nữa”, ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cũng thẳng thắn cho rằng những văn bản dưới luật thì có nhiều văn bản trái lại tinh thần của Luật, hạn chế những điều Luật đã cho phép.

“Rất nhiều Thông tư, Nghị định đưa ra gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ ngay như với Nghị quyết 36a cũng bị vướng câu chuyện là có sự phân biệt giữa các thành phần nhà nước, tư nhân. Các doanh nghiệp nhà nước cũng muốn một môi trường, một thể chế, một luật chơi cho các thành phần”, ông Chính nói.

Bên cạnh đó, theo ông Quyền, Luật CNTT đưa ra rất phù hợp, nhưng văn bản sau Luật lại tạo nên rất nhiều khó khăn, để doanh nghiệp nhận được ưu đãi vô cùng nan giải.

Theo như ví dụ của ông Đỗ Vũ Anh, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, Điều 48 về chính sách phát triển công nghiệp CNTT có nêu “Nhà nước có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân”, tuy nhiên phải tới năm 2016 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 41 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT.

Bphone 2017 của Bkav. Ảnh: Việt Hải.

Trao đổi thêm, Tổng Giám đốc VNPT Technology Trần Hữu Quyền bày tỏ: Làm công nghiệp CNTT vốn đã rất gian nan, làm công nghiệp phần cứng còn vất vả hơn nữa vì bao gồm cả làm thiết bị, phần mềm. Tuy nhiên chính sự nhìn nhận chưa đúng của người tiêu dùng cũng là yếu tố khiến cho sản phẩm trong nước phát triển ì ạch.

Vị tổng giám đốc VNPT Technology cũng bày tỏ dù doanh nghiệp của ông mới chỉ làm ra được một vài sản phẩm (như smartphone Vivas Lotus) nhưng ông thấy rất tủi hổ khi bị hết người này người khác hỏi “có phải từ nước hàng xóm Trung Quốc đưa sang hay không”.

Ngay tại tọa đàm, ông Trần Hữu Quyền bày tỏ mong muốn giới truyền thông trong nước định hướng giúp cho dư luận hiểu như thế nào là một sản phẩm có đóng góp của doanh nghiệp trong nước. Bởi theo ông, quan trọng đó có phải là sản phẩm do người Việt lên ý tưởng, phát triển hay không chứ không thể chỉ nhìn nhận sản phẩm đó sử dụng linh kiện của ai, của nước nào để đánh giá.

“Như hiện nay, công nghệ bán dẫn trong nước chưa có, mà lại đòi hỏi sản phẩm phải dùng công nghệ bán dẫn của Việt Nam thì lấy ở đâu ra? Nếu các anh chị trong giới truyền thông có thể định hướng được dư luận, nâng cao nhận thức của xã hội về việc như thế nào là một sản phẩm của người Việt Nam thì cũng bớt tủi cho những đơn vị làm sản phẩm như Bkav (với sản phẩm điện thoại Bphone – PV) và một số đơn vị khác như VNPT Technology chúng tôi. Nếu cứ bị vùi dập như thế, nền công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp CNTT Việt Nam sẽ dễ sớm chết yểu”, ông Quyền nói, đồng thời kiến nghị cơ quan làm chính sách cũng cần vào cuộc định hướng nhận thức của xã hội về đúng giá trị của sản phẩm sản xuất trong nước.

Theo ICTNews

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close