Kỹ năngQuản trị

Chỉ có một cách duy nhất để hiểu được suy nghĩ của người khác

Nắm bắt góc nhìn của người khác cho phép ta có thêm thông tin mới chứ không phải những thông tin thiên lệch hay những thiên kiến đã có về một người. Vì thế để hiểu người yêu hay vợ/chồng của bạn muốn gì – đừng cố đoán, hãy hỏi họ.

 

Chỉ có một cách duy nhất để hiểu được suy nghĩ của người khác

Người ta thường nói phải đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu được cách suy nghĩ của họ. Nhưng nghiên cứu tâm lý cho thấy lời khuyên này làm nảy sinh một vấn đề: Khi ta hình dung cuộc sống nội tâm của người khác, ta cũng không chắc chắn nắm bắt được cách suy nghĩ của người khác. Thay vào đó, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Personality and Psychology, thì ta cần phải thực sự hiểu được góc nhìn của họ.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Chicago (Mỹ) và Đại học Ben Gurion (Israel) đã thực hiện 25 thực nghiệm khác nhau với người lạ, bạn bè, người yêu và vợ/chồng để đánh giá độ chính xác về sự hiểu biết suy nghĩ, cảm xúc, thái độ và tâm trạng của người khác.

“Chúng ta cho rằng người khác nghĩ hoặc cảm nhận về mọi chuyện như chúng ta, nhưng thực tế lại không như vậy. Chúng ta thường dùng góc nhìn của mình để hiểu người khác, nhưng góc nhìn của chúng ta thường rất khác với góc nhìn của người khác“, nhà tâm lý học Tal Eyal cho biết. Khi ta tưởng tượng một người bạn sẽ cảm thấy ra sao sau khi bị sa thải, hoặc họ sẽ phản ứng thế nào với một lời nói đùa khiếm nhã, một quan điểm trái chiều, thường thì ta chỉ biết được mình sẽ cảm nhận thế nào trong hoàn cảnh của họ.

Trong đợt thử nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia đoán cảm xúc của một người dựa vào một tấm ảnh, điệu bộ, nét mặt, v.v. Một số người được gợi ý là tham khảo chính cảm xúc của mình, trong khi những người khác thì không được gợi ý như vậy, một số người khác còn được khuyên là nên nghĩ thật kỹ hoặc bắt chước nét mặt để hiểu rõ hơn cảm xúc của người cần đoán.

Kết quả cho thấy, những người được khuyên là nên dựa vào chính cảm xúc của mình thường đưa ra những câu trả lời không chính xác. Họ không thể đoán chính xác cảm xúc đang được thể hiện là gì.

Ở đợt thử nghiệm thứ 2, những người tham gia phải dự đoán cảm xúc của một người lạ, người bạn và người yêu/vợ/chồng của mình. Các nhà nghiên cứu muốn xem những người đã hiểu biết về nhau (như bạn bè và người yêu, vợ/chồng) liệu có thể đánh giá chính xác được phản ứng của người kia về phản ứng với các trò đùa, ý kiến trái chiều, các video, v.v hay không. Hóa ra trong trường hợp này, câu trả lời vẫn là “Không”.

Chỉ có một cách duy nhất để hiểu được suy nghĩ của người khác - Ảnh 1.

Về cơ bản, hình dung về góc nhìn của một người khác có thể cho chúng ta ấn tượng là mình đang đưa ra những phán đoán chính xác hơn. Nhưng nó không làm tăng khả năng đánh giá chính xác một người suy nghĩ và cảm nhận ra sao.

Tuy nhiên, tin mừng là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một cách đơn giản, cụ thể để tăng độ chính xác cho các đánh giá về suy nghĩ và cảm nhận của người khác. Khi người ta có cơ hội nói chuyện với người kia về ý kiến của họ trước khi đưa ra nhận định – Eyal gọi cách này là “nắm bắt góc nhìn”, tức là khác với “đặt mình vào vị trí của người khác” – thì họ sẽ nhận định chính xác hơn về cảm nhận của người kia.

“Để hiểu được người khác đòi hỏi phải có được những thông tin mới chứ không chỉ dựa vào những thông tin đã có về một người”, nghiên cứu kết luận. Ta chỉ có thể hiểu được tâm trí của người khác khi ta thực sự thăm dò về những gì họ nghĩ, chứ không thể giả định là chúng ta đã biết.

Các nhà nghiên cứu tin rằng nghiên cứu của họ có thể ứng dụng trong việc hòa giải, dàn xếp kiện tụng, ngoại giao, tâm lý học và ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Dù chúng ta đang đàm phán ở một hội nghị, cãi nhau với người yêu, hay tranh luận về các vấn đề xã hội, chúng ta không chỉ dựa trên trực giác để nắm bắt được ý nghĩ của người khác. Chỉ có lắng nghe họ mới mang lại hiệu quả.

Chỉ có một cách duy nhất để hiểu được suy nghĩ của người khác - Ảnh 2.

“Nắm bắt góc nhìn của người khác cho phép ta có thêm thông tin mới chứ không phải những thông tin thiên lệch hay những thiên kiến đã có về một người”, Eyal giải thích. “Vì thế để hiểu người yêu hay vợ/chồng của bạn muốn gì – đừng cố đoán, hãy hỏi họ!”

Đinh Vân

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close