Một lời động viên đúng chỗ có thể làm nên cả một sự nghiệp.
Lâu lâu, bạn lại thấy một bài diễn văn lễ tốt nghiệp nào đấy được chia sẻ khắp nơi trên Facebook. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Những nhà diễn thuyết giỏi là người nhận ra một thử thách nào đấy và nói cho mọi người nghe cách vượt qua thử thách đó. Họ không hề đưa ra những câu mơ hồ kiểu như “vượt chướng ngại vật” hay “bắt lấy giấc mơ” kiểu sáo mòn vô nghĩa. Thay vào đó, họ làm cho người nghe cảm thấy có trách nhiệm với vấn đề được nói đến, và nghĩ tới cách giải quyết.
Sự động viên bao gồm 2 phần: chỉ ra được tiềm năng của một người, và thách thức người đó đạt được một mục tiêu nhất định. Bạn phải chỉ ra được những điều mà bạn tin rằng người khác có thể làm được, và bạn phải thách thức họ làm điều đó. Để động viên được nhân viên của bạn sẵn sàng cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty, hãy suy ngẫm về những lời khuyên sau đây.
Khen lúc nào cũng tốt hơn là chê
Ruben Nieves – nguyên là HLV đội bóng chuyền nam Đại học Stanford và hiện tại đang là giám đốc đào tạo của Positive Coaching Alliance cho biết: “Mỗi con người đều có một kho cảm xúc giống như bình xăng của xe ô tô vậy. Hãy nghĩ cách làm sao để bơm vào cái thùng này nhiều hơn mức chảy ra”. Tương tự như vậy, lời khen lúc nào cũng có tác dụng tốt hơn những lời phê bình và chỉ trích.
Thừa nhận thành tựu, thúc đẩy tiềm năng
Động viên đúng nghĩa là phải đi kèm việc buộc người nghe thừa nhận những mặt tiêu cực đang có. Bằng không, họ cứ cho rằng mọi việc họ làm đều đang ổn, họ đang có nhiều tham vọng và đạt những thành công nhất định.
Bạn cần phải biết đánh vỡ cái “bong bóng” tự tin này bằng cách truyền đi 2 thông điệp: một là đối tượng được động viên chưa cố gắng hết sức; hai là nếu họ đã nỗ lực rồi thì họ vẫn còn có thể làm được điều tuyệt vời hơn nữa. Điểm mấu chốt trong việc động viên là đề cập tới mặt xấu một cách tế nhị để người nghe không bị khó chịu bởi “sự thật mất lòng”.
Whitney Wolfe – nhà sáng lập và CEO của ứng dụng hẹn hò Bumble cho biết: “Hãy bắt đầu bằng cách đề cập đến điểm mạnh đang có, thừa nhận sự nỗ lực và tài năng của họ. Ví dụ như, ‘Bạn thật sự sáng tạo và rất thông minh, bạn thật tuyệt vời khi tiếp cận những ý tưởng mới’. Và từ đó bạn có thể nói ‘Tôi mong muốn thấy bạn thực hiện điều đó một cách có tổ chức và quy củ hơn’”.
Đặt ra thách thức cụ thể
Hãy đặt ra những thách thức cụ thể kiểu như “Bạn nên liên hệ người này để được giúp đỡ”, “Bạn nên theo đuổi công việc này” hay “Bạn nên cân nhắc việc chuyển sang nghề này”.
Wolfe đưa ra ví dụ về cách diễn đạt: “Tôi nghĩ rằng bạn có tiềm năng để trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời và có thể lãnh đạo một nhóm 3 nhân viên. Nhưng để thực hiện điều đó, tôi nghĩ rằng bạn nên trao dồi thêm kỹ năng quản lý và tổ chức”.
Cách thức này hiệu quả hơn so với việc nói thẳng vào mặt họ: “Bạn là người thiếu kỹ năng tổ chức”. Hãy nhớ lại lời khuyên về việc thôi thúc tiềm năng ở trên.
Những lời khuyên nhỏ
Bạn chỉ có thể động viên người mà bạn thật sự tin tưởng.
Sự động viên đòi hỏi đưa ra những hành vi và mục tiêu cụ thể. Hãy động viên nhân viên làm tốt một lĩnh vực hoặc công việc nhất định. Hãy khuyến khích họ làm những việc bạn nghĩ họ đã sẵn sàng nhưng đó giờ họ chưa dám thực hiện.
Động viên mà không đi kèm sự hướng dẫn thì cũng hoàn toàn vô nghĩa.
Khi bạn đưa ra lời động viên, bạn không chỉ làm thay đổi cách người khác làm việc mà còn thay đổi cách họ nhìn nhận năng lực của bản thân. Điều này có thể làm thay đổi cả sự nghiệp và cuộc sống của họ đấy.