Quản trịThương hiệuTruyền thông

Tư duy để nhượng quyền thành công

Khi thị trường nhượng quyền ở Việt Nam còn trong giai đoạn khởi động, yếu tố cần thiết nhất để người bán và mua nhượng quyền thành công là tư duy đúng đắn.

Thị trường nhượng quyền tại Việt Nam đang trở nên sôi động, thể hiện qua số lượng nhà đầu tư đồng hành với các hệ thống và thương hiệu, cũng như sự gia tăng liên tục của các mô hình nhượng quyền.

thumnail-quan-tri-.jpg
Nhượng quyền kinh doanh không chỉ quan tâm đến ly cà phê hay ly trà sữa, mà đi theo đó là cả một hệ thống kinh doanh (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thị trường đang ở giai đoạn khởi động

Xét về tiềm năng, nền kinh tế và sự thay đổi nhân khẩu học đang tạo điều kiện tốt cho tất cả lĩnh vực phát triển trong thời gian tới, chứ không chỉ nhượng quyền. Hơn nữa, thị trường nhượng quyền tại Việt Nam hiện mới trong giai đoạn khởi động và 3 yếu tố có thể minh chứng cho điều này gồm:

1. Số lượng thương hiệu nhượng quyền thành công và công ty tư vấn, trung gian ít.

2. Chính sách quy định còn ở mức căn bản.

3. Mức độ nhận diện thấp của thị trường Việt Nam trên bản đồ nhượng quyền thế giới.

Có thể nói, nhượng quyền là lĩnh vực tiềm năng cho cả người bán lẫn người mua nhượng quyền. Tuy nhiên, vì là thị trường trong giai đoạn khởi động, nên bản thân yếu tố này cũng mang đến một số hạn chế.

Chủ doanh nghiệp muốn bán nhượng quyền cần gì?
Bên nhượng quyền cũng cần học kỹ năng mới để hỗ trợ quy trình nhượng quyền, gồm kỹ năng trình bày cơ hội đầu tư, thuyết trình và xây dựng tài liệu vận hành. Việc xây dựng thương hiệu cũng trở thành một phần quan trọng trong quy trình này. Không phải ai cũng có thể nắm vững mọi kỹ năng trong thời gian ngắn, và không nên kỳ vọng rằng chủ doanh nghiệp sẽ là người tự làm hết mọi thứ. Việc tìm đội ngũ hoặc đối tác phù hợp sẽ giúp vượt qua các thách thức khi chuyển từ quản lý cửa hàng truyền thống sang phát triển nhượng quyền thành công.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Nhượng quyền FCC Việt Nam Nguyễn Thế Trung, có hai lỗ hổng chính khiến mô hình nhượng quyền chưa thể thực sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Thứ nhất, người mua hiện không có nhiều lựa chọn, đồng nghĩa ít cơ hội tốt, vì thị trường chưa đủ lớn. Nên, nhiều người chỉ mua thứ mình đã biết hoặc được nghe nói và khi mua không thành công sẽ tạo ra tâm lý e ngại và hiệu ứng “chim sợ cành cong”.

Thứ hai, nhiều người bán chưa thực sự đầu tư xây dựng hệ thống nhượng quyền bài bản. Xây dựng chuỗi nhượng quyền không chỉ đòi hỏi đầu tư tài chính mà còn cả chất xám của doanh nghiệp (DN), từ nhân lực, cải tiến cho đến đào tạo. Đây là việc đòi hỏi cam kết lâu dài, nhưng hiện chưa nhiều DN làm được.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái hỗ trợ nhượng quyền cũng chưa được hình thành đủ và đúng, khi không có đơn vị hỗ trợ cho người bán lẫn người mua, như đội ngũ tư vấn, đào tạo, marketing hay bán hàng. Ngược lại, tại các nước phát triển, quy trình này được phân chia rõ: Bên bán chỉ tập trung xây và phát triển hệ thống, trong khi đơn vị khác lo tìm nhà đầu tư, thậm chí hỗ trợ lập hệ thống.

Sai lầm phổ biến của người bán nhượng quyền

Một sai lầm thường gặp trong tư duy của nhiều DN Việt khi xây dựng cửa hàng hoặc dịch vụ để nhượng quyền là ngại chia sẻ mô hình kinh doanh và thiếu sự hệ thống hóa. Nói cách khác, DN chưa nhận ra tầm quan trọng của việc đơn giản hóa và chuẩn hóa mọi quy trình để người mua có thể dễ dàng vận hành mô hình. Khi tư duy hệ thống hóa được áp dụng, việc nhân rộng mô hình sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu DN không có tư duy nhượng quyền ngay từ đầu, họ thường quên mất việc ghi chép và chuẩn hóa mọi quy trình, điều khiến việc hướng dẫn và chuyển giao mô hình trở nên khó khăn, làm giảm khả năng thành công của hoạt động nhượng quyền.

Chia sẻ tại một podcast về nhượng quyền, ông Nguyễn Thế Trung cho biết một thành viên của Hiệp hội Nhượng quyền Mỹ từng chia sẻ rằng bản thân không tự hào về mô hình nhượng quyền của mình nhưng lại rất tự hào vì dù là “người ngốc nhất trên đời cũng có thể vận hành nó”. Điều này ngụ ý rằng mọi thứ trong mô hình đã được chia nhỏ, đóng gói và chuẩn hóa đến mức bất kỳ ai cũng có thể thực hiện, dù trình độ hay kinh nghiệm của họ như thế nào. Theo đó, ông đã tạo ra các kịch bản sẵn sàng, từ cách chào khách, trả lời điện thoại, email mẫu cho khách đến lộ trình onboarding chi tiết.

Để mua nhượng quyền thành công

Tham gia thị trường nhượng quyền, bên mua không nên chỉ nhìn vào trường hợp thành công mà vội vã xuống tiền, bởi mô hình này không dành cho tất cả, và đã có người dấn thân rồi lỗ nặng.

Đối với người mua nhượng quyền, có 3 chìa khóa tư duy để thành công, mà thứ nhất là người mua phải hiểu chính mình. Chỉ khi hiểu rõ bản thân ở các mặt như khả năng tài chính, khả năng điều hành, kinh doanh, quản trị, phong cách sống, quỹ thời gian thì người mua mới có thể tìm được cách đầu tư phù hợp. Cần biết rằng, nhượng quyền cũng là một hình thức kinh doanh, nên người mua cần hiểu rõ các khái niệm liên quan đến mô hình kinh doanh lẫn kỹ năng lập kế hoạch, bên cạnh sự nhạy bén về thị trường để nắm bắt xu hướng và định hướng phát triển.

Một yếu tố quan trọng nữa là kiến thức cơ bản về quản lý tài chính. Lợi thế của nhượng quyền là bên mua không phải xây dựng mô hình từ đầu, mà đã có sẵn hệ thống và quy trình, nhưng vẫn cần biết cách quản lý để phát triển mô hình theo hướng có lợi nhất. Ngoài ra, khi hiểu rõ mô hình kinh doanh, người mua nhượng quyền có thể sáng tạo và mở rộng cơ hội từ mô hình nhượng quyền gốc. Ví dụ, với các nhượng quyền phòng gym, người mua có thể xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành và bán thêm sản phẩm cho chính cộng đồng đó.

Thứ hai, người mua hãy tận dụng tối đa nguồn lực và sự hỗ trợ của DN nhượng quyền. Hãy xem xét liệu người bán có đưa thêm cơ hội kinh doanh phụ trợ không và liệu có thể tách riêng hay kết hợp sản phẩm, dịch vụ phụ này vào mô hình kinh doanh của mình không. Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá tiềm năng phát triển và lợi nhuận trong tương lai.

Thứ ba, hãy kết nối và hỗ trợ để cùng phát triển. Về cơ bản, bên bán sẽ luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ đối tác tích cực, do đó bên mua hãy làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì thành công chung. Hãy tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.

Lợi thế của nhượng quyền là bên mua không phải xây dựng mô hình từ đầu, mà đã có sẵn hệ thống và quy trình, nhưng vẫn cần biết cách quản lý.

Tuỳ Phong

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Close