Bất động sảnMarketingQuản trịThị trường
80% chủ đầu tư địa ốc chưa biết làm marketing
Thực tế, rất nhiều chiến lược marketing bất động sản mang đậm dấu ấn “thực dụng” đã giúp cho doanh nghiệp thu về hàng chục đơn hàng mỗi ngày. Đơn giản, vì trong Chiến lược 4Ps Marketing Mix, thì yếu tố sản phẩm là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của một chiến lược marketing tổng thể. Nếu doanh nghiệp khai thác triệt để những ưu điểm của sản phẩm, thì tỷ lệ thành công sẽ rất cao…
Sản phẩm tốt, cần gì làm thương hiệu(?)
Một vài doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đã “tinh giản” bộ máy marketing của mình đến mức thấp nhất có thể. Tức là kinh phí thấp nhất, nhân sự ít nhất và gọn nhẹ nhất, thậm chí có doanh nghiệp không chú trọng đến bộ phận này, chủ yếu thuê ngoài (Outsourcing), trong khi thị trường kinh doanh địa ốc luôn có sự cạnh tranh khốc liệt.
Nhiều người nhận diện một thương hiệu lớn và uy tín trong ngành thông qua vào sự thành công của sản phẩm được bán ra. Tuy nhiên, dù sản phẩm bán ra nhiều, nhưng nếu hỏi khách hàng có hài lòng với quyết định mua hàng của mình không lại là một vấn đề khác.
Theo Ths. Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch BrainMark Consulting & Training, có đến 60% doanh nghiệp địa ốc không biết làm marketing, khoảng 20 – 25% doanh nghiệp biết làm, nhưng làm không hiệu quả. Như vậy, có tới hơn 80% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không biết làm marketing, hoặc làm marketing không hiệu quả. Đây là con số khiến nhiều người bất ngờ, nhưng trên thực tế, con số trên còn lớn hơn.
Nguyên nhân khiến đa số doanh nghiệp bất động sản không biết làm marketing là do tư duy cũ về marketing bất động sản của các ông chủ doanh nghiệp không còn phát huy tác dụng, cùng với sự lớn mạnh của hoạt động Digital Marketing (tiếp thị số). Khoảng cách thế hệ giữa ban lãnh đạo với nhân viên trẻ dần “kéo giãn ra” do lối suy nghĩ chủ quan. Với các chủ doanh nghiệp, Social Marketing (tiếp thị xã hội) và Inbound Marketing (tiếp thị dựa trên nội dung thu hút) còn khá xa lạ.
Một nguyên nhân nữa là do người trực tiếp làm marketing bất động sản chưa được đào tạo bài bản, chính quy, nên không có một chiến lược marketing đúng đắn và sáng tạo, rất khó dẫn đến thành công.
Đặc thù của marketing bất động sản hiện nay là chiến lược marketing sản phẩm thành công không đi đôi với thương hiệu thành công, bởi rất nhiều yếu tố chi phối như tiến độ bàn giao, pháp lý dự án, chăm sóc khách hàng sau bán hàng…
Thực tế, một vài doanh nghiệp đã bán hàng rất thành công với chiến lược marketing rầm rộ, mặc dù chưa xây xong phần móng của dự án. Sau khi đã bán thành công, doanh nghiệp lại bàn giao nhà chậm tiến độ, pháp lý dự án chưa rõ ràng…, khiến khách hàng khiếu kiện, qua đó làm cho thương hiệu của doanh nghiệp cũng đi xuống và như vậy, không tỷ lệ thuận với chiến lược marketing đã thành công trước đó.
Marketing bất động sản “loay hoay” làm thương hiệu
Doanh nghiệp kinh doanh địa ốc muốn thành công không chỉ đưa ra giải pháp tốt nhất cho khách hàng, tối ưu hóa dòng sản phẩm, mà còn gắn liền với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với khách hàng và trách nhiệm với thương hiệu của bản thân doanh nghiệp.
Làm marketing bất động sản vốn đã rất khó, để làm nên một thương hiệu uy tín trong ngành lại càng khó hơn gấp bội. Sự chi phối trong marketing thực dụng dành cho ngắn hạn và làm thương hiệu trong marketing dài hạn đã làm đau đầu không ít những marketer (người hoạt động trong nghề marketing) bất động sản được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi cách nhìn và tư duy cũ trong marketing bất động sản cũng là một khó khăn, với lãnh đạo bộ phận marketing trẻ tuổi, đây là một thử thách lớn.
Quảng cáo sản phẩm rầm rộ và rộng khắp trên tất cả các phương tiện, hệ thống thông tin đại chúng, thiết kế sản phẩm quy mô, chi tiết và tinh xảo và các chính sách bán hàng linh hoạt, tính thanh khoản cao nhằm thu hút khách hàng…, có thể xem là một chiến lược marketing hoàn hảo cơ bản mà bất kỳ một marketer bất động sản nào cũng nghĩ ra. Nhưng với ngân sách “mỏng” thì không phải một marketer nào cũng làm được và làm tốt. Bên cạnh đó, khi xuất hiện “sự cố” truyền thông đến sản phẩm, không phải lãnh đạo marketing nào cũng đủ bản lĩnh để khắc phục sự cố nhằm bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp.
Khi marketing thực dụng trong ngành bất động sản lên ngôi, hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát triển giá trị thương hiệu cần được chú trọng và đầu tư bài bản, để không phải là bài toán khó cho lãnh đạo doanh nghiệp mỗi khi có “sự cố truyền thông” xuất hiện.
Báo Đầu tư Bất động sản