Góc nhìnQuản trị

Nước mắm và Truyền thông

Sự cố ở báo Thanh Niên là một nỗi buồn lớn của tôi, bởi vì tôi đã là người viết và biên tập những dòng đầu tiên cho đến 23 năm sau trong cương vị Tổng biên tập, có lúc tờ báo đã lên đến trên 500.000 bản 1 ngày. Rất đau xót, khi tôi phải rời xa nó. Tất cả những đồng nghiệp ở đó đều thân thiết và máu thịt của tôi.

Nhà báo Nguyễn Công Khế

Nhà báo Nguyễn Công Khế

Tôi không biết mình ăn nước mắm từ khi nào, nhưng chắc mẹ tôi thì biết, chắc là bà cho tôi ăn nước mắm từ khi tôi mới lọt lòng. Lúc tôi sinh ra, năm ký Hiệp định Genève phân chia nước Việt nam bắt đầu từ vĩ tuyến 17. Năm đó, Việt Nam còn nghèo, chắc là tôi có ăn bột gạo trộn nước mắm, vì lúc đó chưa có nhiều loại sữa như sau này. Ông Phạm Duy có một bài hát rất hay là bài “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Tôi nghĩ không người Việt Nam nào sinh ra mà cái lưỡi của mình không dính những giọt nước mắm làm bằng cá cơm hoặc cá thu ướp với muối biển. Theo hiểu biết của tôi, trên thế giới có hai nước sản xuất và ăn nước mắm là Việt Nam và Thái Lan. Nước mắm Việt Nam được nổi lên với cái tên hòn đảo ở cực Nam của đất nước có tên là Phú Quốc. Đến nổi Thái Lan có lần bán nước mắm ra ngoại quốc cũng ghi tên made in Phú Quốc. Tôi nhớ, năm 1978 thì phải, tôi đi ra viết bài ở Phú Quốc ăn một nồi cá tuyệt vời mà tôi chưa bao giờ được ăn lại, nước mắm nhĩ nguyên chất được gia chủ kho với những con cá nục, cá bạc má mà không nêm nếm bất cứ một gia vị nào khác. Bữa ăn ngon tuyệt vời . Tôi chưa thấy trong đời có một bữa ăn nào ngon đến như vậy đối với tôi.

"Tôi nghĩ không người Việt Nam nào sinh ra mà cái lưỡi của mình không dính những giọt nước mắm làm bằng cá cơm hoặc cá thu ướp với muối biển"- Nhà báo Nguyễn Công Khế. Ảnh minh họa

“Tôi nghĩ không người Việt Nam nào sinh ra mà cái lưỡi của mình không dính những giọt nước mắm làm bằng cá cơm hoặc cá thu ướp với muối biển”- Nhà báo Nguyễn Công Khế. Ảnh minh họa

Mấy ngày nay làm bóng đá U.21 ở Quảng Ninh, anh Quốc Phong bạn hiền của tôi, từng là phó Tổng biên tập Thanh Niên mấy năm trước kể lại cho tôi câu chuyện: Anh có một người thân, là ông nội của anh ở Hải Phòng. Ông làm nghề đông y theo cha truyền con nối (cụ nội anh Quốc Phong có bằng cử nhân nhưng cáo quan ở nhà nghiên cứu đông y dược giúp người). Ông nội anh là một thầy thuốc rất nổi tiếng, những năm 60-70 của thế kỷ trước từng nhiều năm được Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương hàng tuần cho xe xuống Hải Phòng đón ông lên Hà Nội chữa bệnh cho Bí thư Thứ nhất Trương ương Đảng Lê Duẩn, Chủ tịch UB Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ….

Một lần, ông đã chữa trị cho bệnh nhân, một người phụ nữ giàu có ở Tân Thế Giới về Hải phòng định cư. Sau khi ông chữa qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, bà cảm kích hỏi ông: Bây giờ bác muốn bất cứ thứ gì, tôi có thể tặng bác vì các con tôi rất đông, các cháu đang sống ở nhiều nước khác nhau. Ông thầy thuốc đã từ chối tất cả. Nhưng khi người tỏ lòng tạ ơn mà ông không thể thoái thác, ông bảo: cô chỉ làm sao kiếm cho tôi một chai nước mắm Phú Quốc là tôi thích nhất vì đã lâu tôi không được dùng.

Đó lại là thời điểm Hải Phòng vào năm 1971, chiến tranh tạm yên nhưng còn chia cắt đất nước, làm gì có nước mắm Phú Quốc. Nhưng rất may, bệnh nhân này thuộc hàng khá giả, lại có bà con ở khắp nơi. Bà bệnh nhân đã nhờ người con sống Paris gửi thư sang cho bạn Sài gòn nhờ mua một thùng nước mắm Phú Quốc rồi gửi qua Phnompenh (Campuchia). Sau đó, gửi tiếp sang Paris, rồi từ đó, con bà đã gửi về cảng Hải Phòng để biếu thầy thuốc, như một sự tri ân đặc biệt. Đúng là “của một đồng, công một nén”, khó đong đếm bằng tiền. Ông thầy thuốc, sau khi nghe nói cũng rất ân hận vì ông ước một điều tưởng quá đơn giản, mà phải tốn công tốn sức như vậy. Thùng nước mắm được mua tại Phú Quốc rồi đi nửa vòng trái đất để về Việt Nam.

Nước mắm truyền thống nó có sức hấp dẫn với bất cứ người Việt Nam nào.

Song đến giờ này, nó lại bị nhóm lợi ích nào đó kết hợp với một Hội gọi là bảo vệ Tiêu dùng và một nhóm truyền thông bất chính bố ráp tiêu diệt. Nó muốn tiêu diệt cả một món ăn quốc hồn quốc túy của bao đời người Việt Nam luôn nâng niu giữ gìn và làm cho nó quốc tế hóa đến nổi đi đến ở đâu, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, người ta đều có nước mắm Việt trong siêu thị. Đó là sự nhẫn tâm không tưởng tượng được.

Tôi xin được nói về truyền thông trong thời đại này, nhất là tôi muốn nói về truyền thông và mạng xã hội trong nước. Một vài cơ quan truyền thông đã có tội rất to trong việc này mà Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nói một câu rất hay: đó là loại “truyền thông bất lương”. Từ khi mạng xã hội ra đời, tôi mừng không thể tả được. Một vũ khí lợi hại để mọi người có thể truyền tải tâm tư nguyện vọng của mình đến tất cả mọi người, mỗi người có thể là một Tổng biên tập của một tờ báo. Facebook, các trang mạng cá nhân nở rộ.Tín hiệu của một xã hội tự do.

Bây giờ, đến như tôi, tôi cũng ít đọc báo giấy mà đọc các trang mạng. Nhưng với tình trạng các trang mạng và blog ở Việt Nam, nhiều trang đọc rất thú vị, bổ ích và nhiều thông tin hơn các trang trên báo chính thống. Nhưng ngược lại, có những trang tôi không thể nào chịu nổi. Báo chí hay blog, facebook, đối với những người chủ của nó chỉ có lương tâm trách nhiệm ràng buộc chứ chả có ai kiểm soát nổi cả. Chính như tôi, ngồi ở nhà làm bóng đá, làm truyền thông sự kiện, mà cuối năm 2015, họ đã lập một trang mạng lấy tên tôi và vu khống tôi đủ điều. Họ hacker lấy những tài liệu và ảnh trong tư liệu lưu trữ của cơ quan tôi, để đưa ra lắp ghép, xuyên tạc, vu khống không thương tiếc. Nếu trong loạt bài họ viết về tôi, chỉ cần chứng minh được một điều đúng, tôi xin thọ tội. Lúc đó nhiều người đồng nghiệp bảo là họ sẵn sàng “phản công lại”, mọi tư liệu đã chuẩn bị làm cho rõ ngô khoai. Tôi bảo với bạn bè, một nhóm trong bóng tối họ giả dạng an ninh và có một vài người trong làng báo chính thống mà tôi biết hẳn hoi. Đứng sau họ là ai tôi cũng biết. Họ đặt điều nói tôi đủ thứ rất xúc phạm danh dự tôi, nhưng tôi mặc kệ. Đến giờ này vẫn có một trang mạng với tác giả TNP đều nói “xía” tôi ở phe này, phe nọ ở Việt Nam, dựng nên những cuộc gặp giữa tôi và một lãnh đạo nào đó của Việt Nam mà thực sự có người tôi chưa có dịp tiếp xúc. Tôi cũng xin nói luôn, tôi chỉ có một phe là phe Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam mà thôi.

Trở lại vấn đề truyền thông ở Việt Nam, sự tiến bộ của nó thì không ai có thể phủ nhận được, nhưng mặt trái của nó thì cũng khủng khiếp lắm. Thông tin chính thống cũng bị ngấm nhiều độc hại, phóng viên viết bài đe dọa lấy tiền bạc ở doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia đầy rẫy mà nhiều người dân cũng đã từng là nạn nhân và cơ quan quản lý đã cảnh báo và đã có hình thức kỷ luật với nhiều trường hợp. Chính các cơ quan quản lý và định hướng cũng phải điều chỉnh làm sao để báo chính thống nói được, phản ảnh được sự thật và không có vùng cấm để ngăn chặn được sự bất lương đầy rẩy trong truyền thông hiện nay.

Vụ bãi rác Đa Phước ở thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ. Tôi hoàn toàn không có ác cảm gì với chủ đầu tư, với con người, thậm chí có thể bạn bè, nhưng việc công nghệ chôn lắp, xử lý rác như thế nào để mà hàng chục hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng mùi hôi, càng ngày càng hôi, mà mới đây một quan chức Cao cấp và ông giám đốc Sở tài nguyên môi trường nói đã được khắc phục bớt hôi. Dân chúng vùng này đã gọi điện tới tấp đến các cơ quan chức năng phản đối. Có thể thiếu ăn, thiếu mặc một chút không sao. Nhưng thử ai trong số họ xuống ở những vùng đó và ngưng thở trong vòng một phút rồi họ sẽ biết sức chịu đựng của dân chúng.

Xã hội ta rất “ỡm ờ”. Chính vì thế mà nhiều hậu quả là do con người gây ra, và những người có quyền lực trong tay như báo chí mà thiếu vô tư và “muốn có những đồng tiền không chính đáng” thì xã hội đó sẽ không biết tương lai nó như thế nào. Tôi nghe vụ Đa Phước, nhà đầu tư ở đây đã từng ký một số hợp đồng truyền thông với ít nhất 4 tờ báo. Mùi hôi của Đa Phước chưa bao giờ được phản ảnh trên 4 tờ báo này dù mùi hôi này là đại họa của hàng nghìn dân, trái lại có dịp là họ PR ngay cho công ty này. Còn những phản ánh của dân và các nhà khoa học chân chính, họ đều “lơ”.

Tôi không bao giờ có tư tưởng chống lại “nước mắm công nghiệp, hoặc “nước chấm công nghiệp” nhưng nước mắm công nghiệp là trên cơ sở của nước mắm truyền thống mới có, chứ nó không phải từ trên trời rơi xuống được. Nước mắm truyền thống (tức là giữ được cái gốc của nước mắm) sẽ làm lợi rất nhiều cho các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp. Việc này tôi sẽ có một bài riêng ở dịp khác.

Những ngày qua đối với tôi là những ngày buồn cho giới truyền thông Việt Nam. Việc báo Thanh Niên đứng ra xin lỗi bạn đọc là việc cần làm nhưng chưa đủ. Chúng ta phải có những điều tuyệt cấm trong đạo đức nghề nghiệp chứ không thể là chuyện đơn giản. Sự cố ở báo Thanh Niên là một nỗi buồn lớn của tôi, bởi vì tôi đã là người viết và biên tập những dòng đầu tiên cho đến 23 năm sau trong cương vị Tổng biên tập, có lúc tờ báo đã lên đến trên 500.000 bản 1 ngày. Rất đau xót, khi tôi phải rời xa nó. Tất cả những đồng nghiệp ở đó đều thân thiết và máu thịt của tôi.

Truyền thông của Việt Nam phải cần một cuộc đại phẫu từ công tác chỉ đạo, quản lý, nhất là phải giáo dục nghề nghiệp và đạo đức cho các phóng viên trẻ, mà không chỉ đối với các phóng viên trẻ không thôi đâu. Tôi tin việc đó chúng ta sẽ làm được vì trong làng báo chúng ta, còn rất nhiều người tài hoa, tâm huyết với nghề và đạo đức mà tôi từng biết.

Theo Nguyễn Công Khế (Một thế giới)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close