Câu chuyệnKinh doanh
Ngành công nghiệp thực phẩm đang nắm quyền chi phối cuộc sống chúng ta
Khiến người Mỹ tin rằng có thể ăn 2 quả trứng mỗi ngày, ai sẽ được lợi?
Cứ mỗi 5 năm một lần, chính phủ Hoa Kỳ sẽ cập nhật một tài liệu được gọi là Hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người dân của họ. Trong bản hướng dẫn này sẽ trình bày rõ ràng những thực phẩm , dưỡng chất nào là lành mạnh và ngược lại. Người dân Hoa Kỳ sẽ coi đó là cơ sở để lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn và tránh xa những gì được coi là nguy hiểm tiềm ẩn.
Mặc dù được các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ ban hành, nhưng Hướng dẫn chế độ ăn luôn là để lại rất nhiều tranh cãi. Lần gần đây nhất mà bản hướng dẫn được cập nhật và sửa đổi là hồi đầu năm. Nhưng từ khi dự thảo của nó được tiết lộ, một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ là Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa đã phản đối và nêu lên một sự mập mờ trong đó.
Tổ chức này thậm chí còn kiện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, khi nghi ngờ họ đã để các thành viên của ngành công nghiệp tác động vào Hướng dẫn chế độ ăn, định hình suy nghĩ của người dân về thế nào là thực phẩm lành mạnh theo hướng có lợi cho các công ty lớn.
Thế nhưng, hồi đầu tháng, vụ kiện đã được bãi bỏ trong im lặng, với lý do đến từ một lỗ hổng chưa hoàn thiện trong luật pháp. “Ngành công nghiệp thực phẩm đã tìm ra nó”, Marion Nestle, một giáo sư nghiên cứu Thực phẩm và dinh dưỡng tịa Đại học New York cho biết.
“Họ đã nhìn vào những ông lớn trong ngành công nghiệp thuốc lá, và thấy rằng những công ty này đã từng gây được ảnh hưởng không đáng có vào chính sách. Rồi họ nói “Ồ, chúng ta cũng có thể làm được điều đó mà không bị trừng phạt”. Và họ đã ngang nhiên làm điều đó trong một thời gian dài”.
Những điều “không thể chấp nhận được“
Vào năm 2014, khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ còn đang soạn thảo Hướng dẫn đế độ ăn của họ, một bản dự thảo đã tới tay Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa. Ngay lập tức họ nhận ra rằng dự thảo không giới hạn bao nhiêu cholesterol, một loại chất béo có mặt trong trứng, động vật có vỏ cứng và thịt, mà mọi người nên ăn mỗi ngày.
“Bạn sẽ thấy một điều chẳng hợp lý chút nào- phần mà nói về cholesterol không phải là một vấn đề”, Tiến sĩ Neal Barnard, chủ tịch Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa, một Phó Giáo sư của TRường Y khoa, Đại học Washington cho biết.
Barnard và ủy ban của ông nghĩ rằng những lời khuyên hạn chế cholesterol phải có mặt trong bất kể một hướng dẫn chế độ ăn nào, nó là một phần rất quan trọng. Thế nhưng, với dự thảo mới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cholesterol đột nhiên không được nhắc đến.
Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa nói ví dụ này là một điển hình cho thấy có sự can thiệp của các thành viên gắn bó với ngành công nghiệp thực phẩm lên các chính sách của chính phủ. Trong trường hợp này đó có thể là những cá nhân, tổ chức có quan hệ với những công ty sản xuất, kinh doanh mặt hàng trứng.
“Thật vô pháp và không thể chấp nhận được”, Tiến sĩ Barnard nhận xét.
Khiến người Mỹ tin rằng có thể ăn 2 quả trứng mỗi ngày, ai sẽ được lợi?
Mối nghi ngờ của Tiến sĩ Barnard không phải không có cơ sở. Trong vòng ít nhất 2 thập kỷ trở lại đây, Hướng dẫn chế độ ăn của Hoa Kỳ luôn bao gồm một khuyến cáo cụ thể cho cholesterol. Theo đó, người Mỹ không nên ăn quá 30 mg cholesterol mỗi ngày. Với giới hạn đó thì bạn không nên ăn quá 2 quả trứng.
Điều đáng lưu ý là sự xuất hiện của những nghiên cứu khoa học về cholesterol, chống lại luận điểm của Tiến sĩ Barnard. Thế nhưng những kết quả nghiên cứu này chưa hề được thống nhất và còn gây tranh cãi.
Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện từ những thập niên 90, nói rằng thực phẩm như trứng không ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu như chúng ta từng nghĩ. Nói một cách khác, hầu hết mọi người không nên lo lắng về việc ăn hai quả trứng một ngày .
Vô cùng phẫn nộ với sự mập mờ của dự thảo, Tiến sĩ Barnard và Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa đã kiện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Trong đơn khiếu nại, họ nói rằng một nhóm cố vấn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã giúp họ tạo ra những hướng dẫn bị “tác động một cách không phù hợp” bởi ngành công nghiệp thực phẩm. Theo đó, sự hạn chế cholesterol đã bị xóa đi để làm hài lòng những ông lớn trong ngành công nghiệp trứng.
Một vài tháng sau đó, Hướng dẫn chế độ ăn của Hoa Kỳ vẫn được Bộ Nông nghiệp nước này phát hành. Mức 300 mg cholesterol không xuất hiện. Nhưng nó được bổ sung một khuyến cáo rằng người dân nên “ăn ít cholesterol hết mức có thể”.
Dẫu sao đó cũng là một chiến thắng nhỏ dành cho Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa, ghi nhận sự chiến đấu nỗ lực của họ. “Chúng tôi đã hài lòng”, Tiến sĩ Barnard nói. “Đó chưa phải điều hoàn hảo nhất, nhưng ít nhất thì nó cũng thể hiện được đôi điều”.
Tuy nhiên, mọi việc chưa hề dừng lại.
Sự thiếu hoàn thiện của luật pháp
Ngành công nghiệp thực phẩm có thể can thiệp chính sách mà không bị trừng phạt
Vụ kiện của Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa cuối cùng cũng được giao cho một thẩm phán liên bang ở California. Tòa án được giao nhiệm vụ xác định những thành viên nào của ngành công nghiệp trứng đã có tác động vào Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ngày 12 tháng 10 cùng năm, vụ kiện bị bãi bỏ trong im lặng, không phô trương và gần như rất ít báo chí nói về nó. Lí do được tòa đưa ra là không có định nghĩa nào cho cụm từ “tác động một cách không phù hợp” trong cáo buộc của Ủy ban Bác sĩ vì trách nhiệm Y khoa. Vì vậy luật pháp không thể làm việc trong trường hợp này.
Ghi trong biên bản của tòa, thẩm phán Laurel Beeler viết: “Tòa cho rằng không có tiêu chuẩn ý nghĩa nào đối với việc phán xét xem một số nhà khoa học nhất định đã thực hiện tác động một cách không phù hợp lên Hướng dẫn chế độ ăn của Hoa Kỳ, và Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh có bảo vệ nó hay không”.
American Egg Board, tổ chức được coi là đại diện cho ngành công nghiệp trứng Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp nước này từ chối bình luận về sự việc.
Dù sao thì vụ kiện cũng đã nhấn mạnh được một vấn đề quan trọng trong chính sách thực phẩm của Hoa Kỳ: Những nhóm thương mại và ngành công nghiệp đang có thể tự do tác động lên việc hình thành chính sách y tế trên toàn nước Mỹ. Không có luật pháp cụ thể và rõ ràng chống lại hành động đó, thậm chí chẳng có gì định nghĩa và định lượng những “tác động một cách không phù hợp” của họ.
“Về cơ bản điều này cho phép những hoạt động vận động hành lang, hướng tới đối tượng là những người trong ủy ban cố vấn, những người có quan hệ tài chính khăng khít với các sản phẩm mà họ đang đánh giá. Nó để lộ ra một lỗ hổng”, Giáo sư Nestle cho biết.
Và không chỉ có ngành công nghiệp trứng mới phát hiện và tận dụng được điều đó.
Ngành công nghiệp đường cũng đã từng thao túng giới khoa học Hoa Kỳ để lừa dối người dân suốt 5 thập kỷ
“Sự ảnh hưởng đến từ phía các công ty rất phổ biến – nó xảy ra thông qua tất cả các tài trợ nghiên cứu đến từ ngành công nghiệp cũng như hoạt động vận động hành lang nhắm thẳng vào các cơ quan Liên bang và Quốc hội. Có nhiều những nghiệp đoàn như Egg Board, cho từng ngành công nghiệp thực phẩm khác nhau, thậm chí nhiều công ty có thể tự gây ảnh hưởng trực tiếp”, Nina Teicholz, một nhà báo điều tra cho biết.
Chỉ mới trong tháng trước, một bài báo trên tạp chí The New York Times đã tiết lộ một nghiệp đoàn của Mỹ được gọi là Quỹ nghiên cứu đường đã hối lộ 3 nhà khoa học Harvard để công bố những nghiên cứu khoa học xóa nhòa đi sự nguy hại của việc tiêu thụ đường. Thay vào đó, họ sử dụng chất béo như một “hình nhân thế mạng” cho đường, tạo ra một vụ lừa dối thế kỷ .
Ngay một vài tháng trước khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nói rằng người Mỹ nên hạn chế lượng đường tiêu thụ dưới 50 gam một ngày, Hiệp hội Nước giải khát, tổ chức vận động hành lang chính của ngành công nghiệp nước ngọt, đã đầu tư hàng triệu USD để chống lại luật đánh thuế đường trên đồ uống và các quy định ghi nhãn đồ uống.
Kết quả của những sự can thiệp thế này đang định hình từng bữa ăn của người Mỹ, từng kệ hàng tại siêu thị và quầy tạp hóa. Người ta nói rằng bơ không tốt, doanh số bán hàng của bơ thực vật tăng chóng mặt. Người ta nói rằng chất béo là điều tệ hại, và rồi lối đi của siêu thị ngập tràn sản phẩm “ít béo” nhưng nhiều đường.
Đối với ngành công nghiệp thực phẩm, sau một vụ kiện họ có thể nhún nhường đôi chút. Nhưng rồi họ luôn tạo ra được những chu kỳ vô tận của thất bại và chiến thắng, trong việc ảnh hưởng lên chính sách và những gì mà chúng ta đang ăn hàng ngày. Thế còn đối với người tiêu dùng, đơn giản, chúng ta chỉ luôn thất bại và bị động.