Công nghệKhoa học

Công nghệ như một thứ ma lực đang dần “nuốt chửng con người vào bóng tối”

Thế giới đang điên cuồng phát triển công nghệ nhằm tận dụng những lợi ích mà chúng đem lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cái gì cũng có tính 2 mặt và dường như công nghệ đang “cắn trả” loài người do chúng ta đi quá nhanh.

Tính trong nửa đầu năm nay, gần 18.000 người Mỹ đã tử vong do tai nạn xe hơi, tăng 10% so với năm trước và tỷ lệ tử vong trên mỗi 100 dặm anh tại nước này đã lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do tài xế sử dụng smartphone hay những thiết bị điện tử khác khiến họ xao lãng.

Công nghệ và những tiến bộ kỹ thuật đã không ngừng cải thiện đời sống của con người nhưng chúng cũng đem lại nhưng tác dụng phụ nghiệt ngã không lường trước được.

Sướng vì công nghệ, khổ vì công nghệ

Ngày nay, sự phát triển công nghệ, giao thông, năng lượng, y tế dường như không cải thiện mấy đời sống của nhân loại mà đang có vẻ làm mọi thứ phức tạp hơn.

Ví dụ, những công nghệ sinh học mới khiến loài người tìm ra các biện pháp chữa bệnh tốt hơn cũng như những loại thuốc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng chính nhờ sự phát triển này mà những tên buôn lậu xuất nhập khẩu phi pháp Fentanyl, một loại thuốc giảm đau mạnh hơn 50 lần so với loại thuốc thường và có tác dụng tương đương heroin nhưng lại có giả rẻ hơn nhiều.

Thống kê của tờ Wall Street Journal cho thấy gần 4.000 người trong 10 bang của nước Mỹ đã tử vong do dùng Fentanyl quá liều năm 2015, cao gấp đôi so với năm 2014.

Trong khi đó, sự phát triển của mạng xã hội, Internet, điện thoại di động khiến con người kết nối với nhau và làm việc tốt hơn. Dẫu vậy, điều này cũng khiến việc lan tràn virus, hacking, tuyển dụng khủng bố, ăn cắp thông tin… trở nên phổ biến hơn.


Tỷ lệ tài xế nghiện dùng thiết bị công nghệ tại Mỹ (%). Chi phí an ninh mạng toàn cầu (tỷ USD). Số người chết do dùng thuốc giảm đau quá liều.

Tỷ lệ tài xế nghiện dùng thiết bị công nghệ tại Mỹ (%). Chi phí an ninh mạng toàn cầu (tỷ USD). Số người chết do dùng thuốc giảm đau quá liều.

Sự phát triển của các mạng xã hội khiến năng suất lao động văn phòng bị ảnh hưởng. Các trò chơi điện tử ngày nay hấp dẫn hơn khiến con người đam mê và bỏ bê công việc.

Nghiên cứu của trường đại học Chicago cho thấy những người trẻ không có bằng đại học tốn bình quân 3,8 tiếng mỗi tuần cho trò chơi điện tử trong những năm gần đây, cao hơn nhiều mức 1,5 tiếng trong khoảng 2004-2007.

Đặc biệt đối với những nam giới trẻ thất nghiệp, tỷ lệ này tăng từ 2,7 tiếng/tuần trong khoảng 2004-2007 lên 6,3 tiếng tuần.

Đây có lẽ là nguyên nhân giải thích tại sao đàn ông ở độ tuổi lao động ngày nay làm ít hơn 2,5 tiếng mỗi tuần so với 10 năm trước đây.

Tất nhiên, trò chơi điện tử không phải nguyên nhân duy nhất khi còn nhiều yếu tố giải trí khác như truyền hình, rạp phim… Tuy nhiên, rõ ràng công nghệ khiến cuộc sống con người thoải mái hơn và điều đó khiến con người có xu hướng làm ít hơn để tận hưởng cuộc sống.

Liệu con người có sai lầm khi đầu tư quá nhiều vào công nghệ?

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng những tiện nghi này chỉ khiến loài người hạnh phúc trong thời gian ngắn chứ không đem lại được lợi ích trong dài hạn.

Đầu tiên, chính sự phát triển của công nghệ khiến sự đổi mới, phát minh ra kỹ thuật mới trở nên kém hữu dụng hơn. Trong khi hàng loạt các loại thuốc kháng sinh mới ra đời thì vi khuẩn, virus cũng tiến hóa cho ra các loại siêu vi khuẩn mạnh hơn.

Mới đây, ứng cử viên Hillary Clinton cũng phải thừa nhận sự tiện lợi của thư điện tử email không thể so sánh được với danh tiếng mà bà bị mất do lộ hòm thư cá nhân. Tỷ phú Donald Trump cũng có quan điểm tương tự về Twitter khi mạng xã hội này làm gia tăng cả sự nổi tiếng lẫn tai tiếng cho ông.

Tiếp đó, những thiệt hại mà công nghệ đem lại có khi nhiều hơn chi phí mà nhân loại bỏ ra để phát triển kỹ thuật mới.

Mảng thuốc giảm đau hàng năm khiến thế giới mất 80 tỷ USD chi phí điều trị cũng như tình trạng đánh mất sức lao động của những người nghiện thuốc. Trong khi đó, các tập đoàn đã phải chi tới 78 tỷ USD trong năm 2015 cho an ninh mạng.


Thế giới ngày nay ngập tràn nguy hiểm với tội phạm mạng.

Thế giới ngày nay ngập tràn nguy hiểm với tội phạm mạng.

Con số chi phí cho an ninh mạng đã tăng 8% so với năm trước đó, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng 1% cho phát triển công nghệ toàn cầu.

Tất nhiên, nguồn thu từ an ninh mạng đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng chúng không giúp gì trong việc nâng cao đời sống của người dân.

Chuyên gia Joel Mokyr của trường đại học Northwestern nhận định trước đây công nghệ đem lại lợi ích lớn cho con người với nguồn năng lượng rẻ hơn, chi phí giao thông thấp hơn và dịch vụ y tế tốt hơn. Tuy vậy, ông Mokyr cho rằng có đến 7/10 vấn đề ngày nay là liên quan đến công nghệ và mặt trái của chúng. Ví dụ như việc nhiệt độ toàn cầu ấm lên, siêu virus kháng thuốc, bệnh tiểu đường và tình trạng quá tải thông tin trên toàn thế giới.

Tồi tệ hơn, chuyên gia Mokyr cho rằng tăng trưởng năng suất của nhân loại trong những năm qua đã bị phóng đại bởi chúng chưa bao gồm những chi phí phải trả từ mặt tráu của công nghệ.

Dẫu vậy, con người vẫn cần phát triển công nghệ vì dường như chỉ có khoa học kỹ thuật mới giải quyết được các vấn đề của chính nó. Việc phát triển nguồn năng lượng mới sẽ giải quyết được vấn đề giá xăng rẻ gây ô nhiễm môi trường, kỹ thuật lái tự động sẽ giúp con người lái xe an toàn hơn mà vẫn dùng được smartphone…

Tất nhiên, khi công nghệ giải quyết được những vấn đề cũ thì những vấn đề mới lại phát sinh, và nhân loại sẽ vẫn tiếp tục phải đổi mới, phát triển kỹ thuật không chỉ vì nâng cao đời sống mà còn để giải quyết các vấn nạn tồn tại do chính mình gây ra.

Băng Tâm

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close