Câu chuyệnKinh doanh

Ai thống lĩnh thị trường đặt món trực tuyến?

Thị trường đặt món ăn trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn. Nhưng tổ chức giao nhận thức ăn lại là vấn đề khó…

Những cái tên đáng chú ý

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, hiện chỉ có vài ba trang web đặt món trực tuyến được cho là chuyên nghiệp như Vietnammm.com, Chonmon.vn, Eat.vn… Gần đây nhất nổi lên trang DeliveryNow.vn, khởi phát từ trang web Foody.vn chuyên thông tin về ẩm thực.

Vietnammm.com xuất phát là một trang web đặt món dựa trên nhu cầu của một số người nước ngoài. Người sáng lập trang web này lúc đầu cũng có nhu cầu gọi món cho bản thân, anh khởi sự trang web đặt món trực tuyến để kết nối với các nhà hàng, quán ăn… Đến cuối năm ngoái, Vietnammm.com đã mua lại đối thủ cạnh tranh FoodPanda.vn.

Từ thời điểm FoodPanda.vn còn hoạt động, Vietnammm.com, đã dẫn đầu thị trường với số lượng đơn hàng lớn nhất (ước tính khoảng 30.000 đơn hàng/tháng); xếp hạng tiếp theo là FoodPanda.vn và Eat.vn. Đặc biệt, cả Vietnammm.com và Eat.vn ngay từ đầu đều có sự tập trung vào đối tượng khách hàng là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Ông Jochem Lisser, Tổng giám đốc Vietnammm.com cho biết doanh nghiệp này hiện có hơn 60.000 đơn hàng/tháng, chiếm thị phần áp đảo so với các đối thủ khác. Cũng có nhận định cho rằng với việc mua lại FoodPanda.vn, Vietnammm.com đang trên đà gia tăng số lượng đơn hàng, dự báo sẽ đạt mức 100.000 đơn hàng/tháng vào cuối năm nay.

Hiện tại, các trang web đặt món trực tuyến chỉ hoạt động ở hai thị trường chủ lực là Hà Nội và TPHCM. Trên thực tế, trước khi bán lại cho Vietnammm.com, FoodPanda.vn đã mở rộng dịch vụ đặt món trực tuyến tới Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ, và hiện khách hàng có thể đặt món qua mạng tại Đà Nẵng thông qua Vietnammm.com.

Foody.vn cũng đã tổ chức một “hệ sinh thái” dịch vụ ẩm thực bao gồm trang web cung cấp thông tin ẩm thực Foody.vn; dịch vụ đặt và giao món ăn qua DeliveryNow.vn; dịch vụ đặt bàn ăn qua TableNow.vn… Ngoài ra, Foody.vn còn cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng/quán ăn FoodyPOS cho các quán ăn nhỏ lẻ. Có thể nói, nhờ có sự kết hợp với cộng đồng nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… hiện diện trên mạng xã hội, các món ăn có thể đặt qua DeliveryNow.vn là khá đa dạng.

Chờ đón những tên tuổi mới

Trước tiềm năng phát triển của dịch vụ giao món ăn ở khu vực Đông Nam Á, theo kế hoạch, cả Uber lẫn Grab sẽ nhảy vào thị trường này ở Việt Nam khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc đặt món ăn qua thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại cầm tay. Ứng dụng di động UberEat và GrabFood cùng đội ngũ giao nhận xe máy hùng hậu UberMoto, GrabBike được kỳ vọng sẽ giúp họ nhanh chóng nắm thị phần đáng kể tại Hà Nội và TPHCM.

Trong tương lai, khi Uber tấn công vào thị trường này, dự báo các trang web đặt món trực tuyến sẽ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt. Uber đã giới thiệu dịch vụ giao món ăn UberEat tại Singapore vào cuối tháng 5-2016. Có lẽ Grab cũng đang nghĩ tới việc bổ sung dịch vụ GrabFood vào thị trường Việt Nam sau khi đã triển khai dịch vụ giao món ăn qua ứng dụng Grab ở Indonesia vào đầu tháng 5 năm nay.

GrabFood đã triển khai dịch vụ giao món ăn qua ứng dụng Grab ở Indonesia vào đầu tháng 5 năm nay. Ảnh: e27.co.

Nan giải việc giao nhận

Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê không có đội ngũ giao nhận riêng. Không ít quán vẫn đang thuê tài xế xe ôm đi giao món trong khi các dịch vụ đặt món trực tuyến thì đang loay hoay tổ chức đội ngũ này hoặc hợp tác với một số công ty giao nhận để hoàn chỉnh quy trình đặt món.

Theo nhận xét của một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, hiện các công ty giao nhận chưa quan tâm nhiều tới mảng giao nhận thức ăn do đây là vấn đề khó – cần đảm bảo giao hàng đúng giờ và bảo quản thức ăn không bị hư hỏng. Ngay cả Ahamove.com – một công ty giao nhận lớn cũng còn đang thử nghiệm dịch vụ giao hàng trong 60 phút để hướng tới việc giao nhận các loại cà phê, món ăn điểm tâm, món ăn trưa… Đã có một số nơi như Coffee House, bánh mì que BMQ, chuỗi nhà hàng Pháp Bonjour Resto… bắt đầu sử dụng dịch vụ giao hàng tức thời (instant delivery) của Ahamove.com.

Nhưng theo giám đốc một công ty vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực giao nhận, việc giao nhận món ăn cần phải đầu tư một số lượng lớn nhân viên mới có thể “phủ sóng” toàn bộ các điểm giao nhận trên toàn thành phố (Hà Nội, TPHCM), đồng thời, phải tổ chức nhóm giao nhận chuyên cho món ăn chứ không thể sử dụng đội ngũ giao nhận các mặt hàng như quần áo, túi xách hay phụ kiện điện thoại. Cũng chính vì thế, cho tới thời điểm này, Vietnammm.com chưa nghĩ tới việc tổ chức giao nhận món ăn mà chỉ nhận đơn hàng rồi chuyển cho các quán ăn/nhà hàng lo chuyện giao món.

Thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam vẫn đang vướng mắc ở khâu giao nhận. Ảnh minh hoạ: danongonline.com.vn.

Trước đây, FoodPanda.vn đã đầu tư mạnh cho đội ngũ giao nhận nhằm hỗ trợ và lôi kéo nhiều nhà hàng, quán ăn… Điều này giúp cho FoodPanda.vn có thêm nhiều đối tác mới, tuy nhiên việc đầu tư khá tốn kém và cũng vì lẽ đó, các trang web đặt món khác ít quan tâm tới dịch vụ này. Gần đây thì Chonmon.vn (thuộc VCCorp) hay DeliveryNow.vn (do Foody.vn quản lý)… đã kết hợp đồng thời việc tổ chức đội ngũ giao nhận và hợp tác với một số đối tác giao nhận, chứ không dốc quá nhiều tiền cho một đội ngũ giao nhận quá đông.

Trong một dịp trả lời báo giới về việc cung cấp dịch vụ giao nhận món ăn, ông Đặng Hoàng Minh, người sáng lập Foody.vn thừa nhận thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam vẫn đang vướng mắc ở khâu giao nhận. “Foody.vn vẫn đang thử nghiệm với một số nhà hàng, quán ăn nhằm thăm dò khả năng phát triển thị trường.

Đến khi số lượng đơn đặt hàng trên DeliveryNow.vn trở nên lớn hơn, chúng tôi sẽ liên kết với các công ty giao nhận”, ông cho biết.

Nhiều người đang hy vọng sự giao nhận chuyên nghiệp của UberEat và GrabFood sẽ khiến thị trường đặt món trực tuyến phát triển tốt hơn trong tương lai.

Theo: Chí Thịnh
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close